Trả lời phỏng vấn đài PAP của Ba Lan, ông Telus cho biết mặc dù chính phủ Ba Lan về cơ bản ủng hộ việc Ukraine gia nhập khối EU, nhưng sẽ phải đáp ứng một số điều kiện.
Ông lưu ý rằng nông nghiệp là điểm đặc biệt quan trọng trong quan hệ với Kyiv. Ông nói: “Chúng ta cần xem xét kỹ hơn vấn đề này, bởi vì nông nghiệp Ukraine là mối đe dọa đối với nền nông nghiệp của các quốc gia tiền tuyến cũng như toàn bộ châu Âu”.
Đầu tuần này, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhấn mạnh rằng Warsaw sẽ không cho phép ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn ngập vào thị trường Ba Lan và gây bất ổn ngành nông nghiệp nước này. Ông nói thêm rằng bất kể EU nói gì, Ba Lan sẽ đóng cửa biên giới với ngũ cốc Ukraine để bảo vệ lợi ích của nông dân Ba Lan.
Hồi tháng 5, 5 thành viên Đông Âu của EU là Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia đã đưa ra lệnh cấm sâu rộng đối với ngũ cốc từ Ukraine. Quyết định này được đưa ra sau khi Brussels dỡ bỏ hạn ngạch và thuế quan đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine nhằm hỗ trợ chính phủ ông Zelensky trong những tháng đầu xung đột. Tuy nhiên, chính sách này lại có tác động xấu đối với nông dân ở các quốc gia láng giềng, gây ra những cuộc phản đối rầm rộ.
EU sau đó cho phép 5 quốc gia này cấm nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt hướng dương và hạt cải dầu của Ukraine, nhưng vẫn cho phép tiếp tục vận chuyển hàng hóa.
Bình luận về khả năng Brussels có thể dỡ bỏ lệnh cấm, ông Telus cho rằng một động thái như vậy sẽ mang âm hưởng chính trị và “có những thế lực ở châu Âu muốn gây bất ổn hơn nữa” thị trường Ba Lan.
Trong khi đó, Kyiv phản đối lệnh cấm ngũ cốc và Tổng thống Volodymyr Zelensky gọi đây là sự phản bội “các giá trị châu Âu”.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 13.9 cũng khẳng định Ukraine sẽ không thể gia nhập khối quân sự NATO chừng nào vẫn còn xung đột với Nga.
Nhà lãnh đạo giải thích rằng theo Điều 5 của hiệp ước NATO, theo đó một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên sẽ bị toàn bộ liên minh phản ứng, nếu cho phép Kyiv gia nhập lúc này thì khối NATO sẽ phải tham chiến chống lại Nga.
Bình luận (0)