Ba lô làm mát lưng

14/07/2013 03:00 GMT+7

Với chiếc ba lô tản nhiệt, khi tích trữ đủ năng lượng mặt trời, cánh quạt được gắn ở ba lô sẽ quay, giúp người mang ba lô không bị ra mồ hôi lưng, không có cảm giác bí hơi khó chịu.

Đó là sản phẩm của nhóm 5 chàng trai: Trương Minh Ngọc, Huỳnh Văn Ngọc, Nguyễn Văn Sỹ, Lương Trần Lộc, Đinh Công Nguyễn Hải Nam - sinh viên năm nhất Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Từ ý tưởng bị phản đối

“Chiếc ba lô là vật dụng quen thuộc của học sinh, sinh viên và cả người đi làm. Tuy nhiên, việc mang ba lô dễ dẫn đến bí hơi ở lưng, ra nhiều mồ hôi gây khó chịu. Vì vậy nhóm mình muốn tạo ra chiếc ba lô làm mát lưng”, trưởng nhóm Trương Minh Ngọc chia sẻ về ý tưởng làm chiếc ba lô tản nhiệt.

Các thành viên trong nhóm kể, ban đầu khi nhóm trình bày ý tưởng với các thành viên trong lớp thì gặp phải những cái lắc đầu không đồng tình. Ai cũng cho rằng việc này quá đơn giản, không đáng làm. “Vì không được ai ủng hộ và thấy các nhóm khác đưa ra những ý tưởng rất quy mô, nên nhóm mình bắt đầu cảm thấy nản”, Đinh Công Nguyễn Hải Nam cho biết.

 
Trưởng nhóm Trương Minh Ngọc sử dụng thử chiếc ba lô tỏa nhiệt - Ảnh: Trần Hoa

 
Chiếc ba lô tỏa nhiệt

Tuy vậy, nhóm của Nam lại được các thầy cô trong trường động viên, đồng thời cũng tự nhận thấy ý tưởng nhóm đưa ra có tính ứng dụng cao, lại không tốn nhiều chi phí khi nghiên cứu nên quyết tâm làm đến cùng.

Trong quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm thực, 5 chàng trai đã mày mò học vẽ mô hình trên các phần mềm chuyên dụng bằng laptop. Bản vẽ sắp hoàn tất thì laptop của nhóm bị mất, cả nhóm lại phải làm lại từ đầu. Không nản lòng, các thành viên trong nhóm động viên nhau bước tiếp.

Và thành công ngoài mong đợi

Ròng rã suốt 2 tháng trời, cuối cùng mô hình ba lô tản nhiệt của 5 chàng sinh viên năm nhất cũng được trình làng.

Ba lô do nhóm thiết kế có thiết bị làm mát khi mang trên lưng, sử dụng pin năng lượng mặt trời gắn ở mặt trước ba lô để tạo nguồn điện trực tiếp từ ánh sáng mặt trời. Năng lượng mặt trời nạp điện cho hai cục pin cố định để tích năng lượng, đồng thời hai cục pin này cung cấp năng lượng làm cho cánh quạt quay được lắp ở phía sau lưng. Nguyên lý hoạt động của chiếc ba lô tỏa nhiệt gần giống như cánh quạt tỏa nhiệt có trong máy tính xách tay. Ở mặt sau ba lô - nơi lắp cánh quạt - có thiết kế viền khung để không làm cánh quạt tiếp xúc với lưng, không tạo cảm giác vướng víu cho người đeo. Pin có thể sử dụng được hai ngày, để khởi động cánh quạt, sẽ có một công tắc trên dây đeo.

Quyết tâm theo đuổi đến cùng đã giúp nhóm làm mô hình ba lô tản nhiệt đoạt giải Sáng tạo tại Ngày hội kỹ thuật, diễn ra ngày 25.6 tại Trường ĐH Bách khoa, TP.HCM.

Lương Trần Lộc tâm sự: “Tụi mình chỉ nghĩ là phải làm hết mình để thỏa niềm đam mê với kỹ thuật, và để chứng minh cho cả lớp thấy ý tưởng mà nhóm đưa ra có giá trị thực tiễn, chứ không nghĩ là sẽ được giải”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Tuấn Ngọc, Trưởng ban Giám khảo Ngày hội kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Tấm pin mặt trời và quạt làm mát là không mới, nhưng khi kết hợp tấm pin mặt trời với bộ chuyển đổi thành điện, ba lô và quạt để làm mát cho người thì đây là giải pháp mới, mang tính sáng tạo. Mặt khác, chiếc ba lô được mang thường xuyên ngoài trời nên việc thu năng lượng mặt trời rất tốt. Tôi đánh giá cao khả năng ứng dụng thực tế của ba lô tản nhiệt này”.

Hiện tại, nhóm sinh viên này đang tiến hành cải tiến chiếc ba lô tản nhiệt thành ba lô có công dụng sạc pin điện thoại, máy tính xách tay bằng năng lượng mặt trời.

Vân Anh - Trần Hoa

>> Cảm hứng sáng tạo
>> Kinh doanh sáng tạo giữa trời Tây
>> Sân chơi sáng tạo trên sàn nhà lớn nhất Việt Nam
>> Tạo môi trường để thanh niên sáng tạo
>> Cuộc thi sáng tạo robot khiêu vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.