(iHay) MC Nguyên Khang đã viết lại câu chuyện nhỏ về Quán quân Vietnam Idol Kids 2016 khiến nhiều khán giả xúc động.
>> Hành trình thuyết phục đến ngôi quán quân Vietnam Idol Kids của Hồ Văn Cường
>> Bố mẹ Hồ Văn Cường dùng 200 triệu lo cho con ăn học
Hồ Văn Cường mang thức ăn đến mời nghệ sĩ Phi Điểu ở hậu trường
|
1. Sau đêm đăng quang, ê-kíp chương trình tổ chức một buổi tiệc buffet chiêu đãi mọi người. Cậu bé đã cố gắng với lấy thức ăn, và mọi người cứ đinh ninh là do cậu đói sau đêm diễn nên lấy đầy thức ăn cho mình. Thế nhưng cậu lại cầm đĩa thức ăn để mang đến cho nghệ sĩ Phi Điểu đang đứng ở một góc phòng.
Đây là một chi tiết khiến tôi rất yêu quý cậu bé này. Đôi khi trong cuộc sống, khi thành công, chúng ta thường quên đi hai chữ: biết ơn và chia sẻ. Tôi làm nghệ thuật, cái nghề lắm vinh quang nhưng cũng đầy bạc bẽo. Tôi cũng từng chứng kiến nhiều người khi đạt được những thành công và vinh quang trong đời mình, thường quên đi mất những ân nhân đã giúp họ có được vị trí và thành công trong cuộc sống. Có thể đây là một hành động rất nhỏ, nhưng tôi chắc không phải ai trong khán phòng kia cũng nghĩ tới nghệ sĩ Phi Điểu và mang thức ăn đến cho bà. Tôi biết chắc bà rất ấm lòng vì sự quan tâm của cậu bé.
Hồ Văn Cường dạt dào cảm xúc qua ca khúc Bà Năm, với sự trợ giúp của nghệ sĩ Phi Điểu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Mọi người có thể nhìn thấy sự thành công trong tiết mục Bà Năm có phần đóng góp không nhỏ bởi sự diễn xuất xúc động của bà. Cậu bé là người rất để ý tới chi tiết nhỏ nhưng tinh tế này. Thành công của cậu có phần rất lớn từ sự phụ diễn của bà. Tôi cảm thấy, biết ơn và biết quan tâm những người giúp mình thành công là tính cách rất đáng quý. Tôi đọc rất nhiều câu chuyện về những ồn ào showbiz, về hiềm khích giữa thầy và trò, về sự đấu tố nhau, và cả những mặt trái của hào quang. Thú thật, tôi đọc đấy nhưng tôi chẳng quan tâm. Và cái tôi không quan tâm thì nhiều người lại thích đọc nó, rating luôn ngất ngưỡng và không thiếu những bình luận thuộc hàng top về sự chê trách ném đá.
Cá nhân tôi lại thích những bài viết mang tính giáo dục và ca ngợi cái tốt hơn. Tôi thấy mọi người có xu hướng chỉ trích nhau dù không phải ai cũng tốt, ai cũng giỏi, và sẵn sàng ném đá người khác. Tôi không đọc thấy những bình luận khen cậu bé về cách ứng xử này. Tôi thấy lạ, và ngạc nhiên. Phải chăng tôi đang sống ở một xã hội mà cái xấu lại được quan tâm nhiều hơn cái tốt? Suy cho cùng, cuộc thi vẫn chỉ là cuộc thi, những vinh quang sau đó cũng sẽ sớm khép lại, nhưng việc giáo dục một con người lại là một quá trình lâu dài và căn bản. Tôi nghĩ ba mẹ cậu bé cũng đã dạy dỗ cậu rất tốt nên cậu mới biết quan tâm và chia sẻ với người khác. Cậu bé có thể rất nghèo về vật chất, nhưng cậu lại giàu có về sự giáo dục mà gia đình cậu đã dành cho cậu.
Câu chuyện của cậu bé là một bài học nữa để tôi nhìn nhận lại mình. Và nhắc mình luôn nhớ: Không ai thành công một mình, để tự dặn lòng bài học trân trọng, biết ơn, quan tâm và chia sẻ. Mẹ tôi vẫn dạy: Ai giúp đỡ con, con hãy nhớ và đợi khi nào thích hợp trả ơn. Tôi vẫn tâm niệm điều đó và thực hiện nó như một thói quen.
Khi nghe công bố mình trở thành quán quân, Hồ Văn Cường bỗng "đơ" cảm xúc vì quá bất ngờ. Trả lời câu hỏi vì sao khi đăng quang em không khóc như những bạn khác, Cường hồn nhiên nói: “Vì em vui và bất ngờ quá. Em không nghĩ là mình sẽ đoạt giải. Em không dám tin đó là sự thật"
|
2. Câu chuyện thứ hai là việc cô giáo của cậu bắt xe ở quê để lên thành phố xem cậu thi đêm chung kết. Lúc đăng quang, giữa vòng vây của phóng viên và người hâm mộ đang ùa vào để phỏng vấn và chúc mừng cậu, cậu vẫn kịp thoát dòng người để chạy đến chào tạm biệt cô, để cô kịp đón chuyến xe kịp đến lớp sáng mai. Có thể việc này do bố mẹ nhắc cậu, hoặc cũng có thể do cậu tự giác, nhưng đây là điều rất nên trân quý.
Cô giáo là người đã điền bộ hồ sơ để cậu đi thi. Nói một cách khác, cô giáo là người gián tiếp mang đến vinh quang này cho cậu. Nếu không có cô, cậu sẽ không có cơ hội đến với cuộc thi, và cũng có thể cậu đã mất hẳn vinh quang của hôm nay. Giữa những ồn ào của sự tung hô, chúc tụng, cậu vẫn có thể làm được một điều nhỏ nhưng trân quý này, sẽ cực kỳ đáng quý hơn ngàn lời cám ơn hay cả những món quà tặng cô giáo.
Ngày nhỏ, tôi thường hay hỏi bản thân mình, vì sao những bài học đạo đức lại giảng dạy quá khô khan, và luôn bắt học sinh phải học thuộc lòng. Vì sao những tiết học đạo đức luôn là môn học phụ và cô giáo môn giáo dục công dân không bằng những cô dạy môn chính, trong khi chính những bài học đó mới tạo nên những con người tốt của xã hội.
Tôi xem một cuộc thi, đơn giản chỉ là xem để giải trí, nhưng tôi lại thích những câu chuyện hậu trường. Tôi nhớ cách đây một năm, tôi có viết một status khen một anh chàng ca sĩ, trùng hợp anh cũng là vị giám khảo của cuộc thi này, đại loại là cám ơn anh đã nhặt dùm tôi cái điện thoại mà vô tình một thí sinh khác đụng trúng làm rớt xuống sân khấu. Vì đang tập trung dẫn nên tôi định lát sau sẽ nhặt thì anh chàng ấy đã nhặt thay tôi. Lúc ấy, tôi có suy nghĩ, chắc sau này cậu này sẽ tỏa sáng vì cậu có nền tảng giáo dục tốt. Đúng như vậy, cậu đã tỏa sáng và vươn lên thành sao.
Issac bức xúc trước tin đồn Hồ Văn Cường giành quán quân nhờ...nghèo
|
Hôm nay câu chuyện của cậu bé này cũng làm tôi chợt nhớ câu chuyện năm xưa. Tôi cũng hy vọng, những tính cách tốt sẽ là nền tảng lâu dài giúp cậu thành công trên bước đường nghệ thuật. Nhiều người khi bước chân vào nghệ thuật sẽ thay đổi mình, nhưng để tồn tại lâu dài thì bạn phải luôn có đạo đức.
3. Còn một câu chuyện nữa, ngắn thôi nhưng tôi lại cảm thấy ý nghĩa, có lẽ tôi cảm thấy sự đồng điệu giữa mình và cậu bé. Còn nhớ trong một bài báo, ba mẹ cậu tâm sự: Suốt cả mùa thi chỉ dám để dành tiền mua cho cậu một bộ đồ. Đây là câu chuyện làm tôi rất xúc động. Khi người ta nghèo, ước mơ duy nhất của họ là được đổi đời. Cậu không chỉ thực hiện ước mơ của bản thân, mà còn của gia đình và cô giáo cậu. Tôi biết cảm giác là con nhà nghèo nó tự ti thế nào, vì tôi từng trải qua cảm giác của cậu.
So với những em thí sinh lọt vào vào chung kết, cậu là thí sinh nghèo nhất, nhưng lại là người khiến khán giả rơi nước mắt nhiều nhất. Trong xã hội mà vốn dĩ sự thực dụng của đồng tiền và những giá trị ảo đang làm lung lay niềm tin, thì việc một tài năng xuất thân từ nghèo khó vươn lên và tỏa sáng bằng chính tài năng của mình là một điều rất đáng khích lệ và cổ vũ. Chính vì thế khi có thông tin Hồ Văn Cường giành được ngôi vị Quán quân nhờ sự thương cảm của khán giả vì hoàn cảnh khó khăn, cả ba giám khảo và cư dân mạng đều phản ứng mạnh mẽ.
Sự đố kị và tị hiềm của con người đang dần giết chết những giá trị thật, những cảm xúc thật. Matin Luther King từng nói: "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt". Chúng ta ai cũng có lòng nhân khi bắt gặp đâu đó hình ảnh của những mảnh đời bất hạnh, thế tại sao không dang rộng vòng tay để yêu thương và giúp đỡ những tài năng trẻ như cậu bé?
Nguyên Khang
>> Hồ Văn Cường lên ngôi quán quân Vietnam Idol Kids mùa đầu tiên
>> Vietnam Idol Kids: Hồ Văn Cường sẽ không hát dân ca trong đêm Gala 6
>> Top 4 Vietnam Idol Kids gây huyên náo phố đi bộ Nguyễn Huệ
>> Tóc Tiên: 'Có chê Hồ Văn Cường thì bình chọn cho em ấy vẫn cao'
>> Vietnam Idol Kids: Hồ Văn Cường sẽ không hát dân ca trong đêm Gala 6
>> Top 4 Vietnam Idol Kids gây huyên náo phố đi bộ Nguyễn Huệ
>> Tóc Tiên: 'Có chê Hồ Văn Cường thì bình chọn cho em ấy vẫn cao'
Bình luận (0)