Khi chúng tôi đến, cũng là lúc bà Jackie Wrafter đang quây quần cùng những "đứa con". Các phòng học ở đây đều được trang bị máy móc hỗ trợ trị liệu và sân chơi. Gọi đây là ngôi trường đặc biệt quả không sai, bởi tất cả học sinh là trẻ khiếm khuyết, được học tập, hỗ trợ trị liệu miễn phí. Những bài giảng cũng đặc biệt, dành riêng cho từng em.
Điều đặc biệt nhất: ngôi trường này do một phụ nữ quốc tịch Pháp sáng lập, điều hành.
tin liên quan
Trai Tây rước vợ Việt bằng xe bò trong ngày cướiSau hơn 3 năm yêu xa, đám cưới của cô gái Việt và chàng trai Thụy Điển khiến cả thị xã La Gi (Bình Thuận) xôn xao vì họ chọn xe bò làm phương tiện rước dâu...
Chính bà Jackie cũng không lý giải được cơ duyên và sự gắn kết với các em nhỏ kém may mắn. Bà kể, trong một lần du lịch ở phố cổ Hội An, khi ghé thăm trung tâm trẻ mồ côi đóng tại TP.Hội An, bà bị "mê hoặc" bởi những nụ cười trẻ thơ hồn nhiên dù cuộc sống các em gặp quá nhiều thiệt thòi. Ở đó, nhiều trẻ khuyết tật phải xa gia đình, điều này gợi cho bà Jackie ý niệm sớm giúp các em hòa nhập, tự chăm sóc bản thân hơn là phải suốt đời phụ thuộc vào người khác...
Năm 2012, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Kỳ Anh thành hình. Lúc đầu, trung tâm chỉ có 16 trẻ em cùng 6 nhân viên. Dần dà, nhiều phụ huynh biết tin đã đưa con em mình đến gửi gắm. Bây giờ, trung tâm trở nên đông đúc với hơn 100 đứa trẻ và 37 nhân viên. Hơn 100 em là ngần ấy câu chuyện và số phận.
Thật cảm động khi biết thêm rằng, hơn 10 năm nay, bà Jackie sống trong ngôi nhà thuê tại phố cổ Hội An cùng đứa con nuôi Nguyễn Tô Hoàng Khoa. Khoa bị bại não từ bé, nhà nghèo nên gia đình gửi em trong trại mồ côi. Từ năm 8 tuổi, Khoa được bà Jackie nhận về nuôi. Dù Khoa vẫn cứ ngây ngô như một đứa trẻ, nhưng với bà Jackie Wrafter, đấy chính là tổ ấm níu chân bà ở lại.
Bình luận (0)