TNO

Ba mẹ ơi: Dạy con tư duy phản biện

24/09/2015 10:11 GMT+7

( iHay ) Tư duy phản biện giúp trẻ đạt thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống sau này.

(iHay) Chỉ vài ngày sau khi bước vào cấp 3, gái út về nhà thỏ thẻ: “Mẹ ơi, làm thế nào để có và phát triển tư duy phản biện?”. Cả bố và mẹ đều ngẩn ra, dù “tư duy phản biện” là một trong những từ khóa “hot” trong lĩnh vực giáo dục thời gian gần đây.

Ba mẹ ơi: Dạy con tư duy phản biện - ảnh 1
Theo các nhà giáo dục, tư duy phản biện giúp trẻ đạt thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống sau này. Đó thật sự là một trong những kỹ năng sống cần thiết mà con trẻ phải được rèn luyện.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh thế hệ 6x và cả 7x hiện nay cứ bị “đứng hình” hay rơi vào tình trạng lúng túng, bối rối khi con trẻ hỏi về tư duy phản biện. Nguyên do là vì bản thân họ vốn được nuôi dưỡng và giáo dục theo kiểu ở trong gia đình thì “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, đến trường thì “thầy nói, trò nghe”, sách giáo khoa thì luôn đúng và phải học theo…
Trong cả hai môi trường quan trọng đầu tiên đó, những bậc phụ huynh từ thế hệ 6x đến 7x đều ít được trang bị kỹ năng tranh luận, phản biện mà chỉ luôn được dạy phải biết nghe lời người lớn. Thế nên khi ra trường, bước ra xã hội, không phải ai cũng dám đưa ra ý kiến trái chiều tập thể, hay đủ kỹ năng tranh luận để bảo vệ quan điểm riêng của mình, thậm chí rụt rè, do dự khi phải đưa ra một quyết định nào đó.
Giờ đây, khi tư duy phản biện được xem là một trong những kỹ năng cần thiết, thì những người làm bố mẹ cần phải tạo điều kiện để con trẻ được quyền đặt câu hỏi, có ý kiến riêng ngay từ trong gia đình. Dưới đây là một số cách giúp con trẻ làm quen và phát triển tư duy phản biện.
Phân tích và “sáng tác” một kết thúc khác khi nghe kể chuyện, đọc sách. Các bậc phụ huynh có thể dạy con phản biện từ khi chúng còn rất nhỏ qua những câu chuyện kể cho chúng hàng ngày. Trong khi kể, thỉnh thoảng hãy dừng lại và đề nghị chúng đoán tiếp diễn biến của câu chuyện, hoặc đưa ra một tình huống xử lý khác cho nhân vật, hoặc gợi ý cho chúng kể một câu chuyện sau khi quan sát tranh minh họa trong sách.
Khi chơi, biết quan sát, so sánh và rút ra kết luận. Khi trẻ có thể so sánh hai câu chuyện có nghĩa là trẻ đã nhận biết được những điểm giống và khác giữa các nhân vật, cốt truyện, có sự phân tích về những tình tiết khác trong truyện.
Kể lại chuyện theo cách của chúng. Điều này giúp trẻ làm quen với việc nắm bắt ý chính của từng câu chuyện. Khuyến khích trẻ liên hệ câu chuyện với chính cuộc sống của chúng hoặc những sự việc xung quanh chúng. Đặt những câu hỏi mở để khuyến khích con trẻ tư duy sáng tạo, phát triển khả năng diễn đạt suy nghĩ của chúng.
Ba mẹ ơi: Dạy con tư duy phản biện - ảnh 2
Tham gia những hoạt động tập thể. Chơi và làm việc cùng với bạn bè người thân chính là những dịp để trẻ sáng tạo, chia sẻ ý tưởng của chúng và học hỏi ở những người chung quanh. Có thể dẫn đến những cuộc tranh luận, trong đó trẻ cần phải bảo vệ quan điểm của chúng.
Đặt câu hỏi. Bản chất của trẻ là đặt câu hỏi về mọi thứ, thế nên các bậc phụ huynh không chỉ cần tập trung khuyến khích chúng đặt câu hỏi mà hãy thay đổi vai trò một chút bằng việc đặt câu hỏi với chúng, “chất vấn” để trẻ có dịp bảo vệ quan điểm của chúng.
Tư duy phản biện là kỹ năng mà trẻ em và cả người lớn cần được rèn luyện để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Kỹ năng này bao gồm việc phân tích và đánh giá thông tin có được từ quan sát, trải nghiệm hay giao tiếp, các phương tiện thông tin đại chúng. Với tư duy phản biện, chúng ta sẽ tiếp nhận thông tin chứ không phải chỉ đơn thuần chấp nhận nó, điều đó giúp chúng ta giải quyết tốt những vấn đề trong cuộc sống cũng như mạnh dạn đưa ra những quyết định phù hợp.

Hạnh Ngân
Ảnh minh họa: Shutterstock

>> Ba mẹ ơi: Lưu ý khi làm phòng cho trẻ
>> Ba mẹ ơi: Làm gì khi con gái đến tuổi dậy thì?
>> Ba mẹ ơi: Cần lưu ý với trẻ kén ăn
>> Ba mẹ ơi: Bí quyết cho con ngủ riêng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.