Căn bệnh cứ tưởng không có gì nghiêm trọng, chỉ lở da và gây ngứa ngáy nhưng đã cướp đi sinh mệnh của hàng chục người.
Đã có hàng chục đoàn, đủ các ban ngành đoàn thể, có cả Bộ trưởng Bộ Y tế tức tốc về Ba Tơ để nghiên cứu, nhưng bệnh vẫn “lạ” với tất cả. Có ý kiến cho rằng có thể do đồng bào Hre vùng này sống trong khu vực có hóa chất từ thời chiến tranh nên phát bệnh. Bộ đội hóa học đã về lùng sục khắp nơi nhưng chẳng có gì. Khả năng nhiễm bệnh do chất độc hóa học bị loại. Khả nghi thứ hai mà ngành y tế đưa ra là do đồng bào ăn gạo mốc (?). Ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ nói: “Gạo đó đồng bào từng nuôi đội du kích Ba Tơ trong chống Pháp và cưu mang bộ đội trong chống Mỹ nhưng có thấy ai bị ngứa và lở đâu mà đổ lỗi cho gạo!”. Khả năng này cũng bị loại nốt. Bệnh tiếp tục lạ với cả những bác sĩ, rồi tiến sĩ hàng đầu của ngành y, chỉ có người dân vùng bị dịch là “quen” với bệnh! Vì không tìm ra nguyên nhân nên cách điều trị cũng chỉ dừng lại ở việc “cháy đâu dập lửa đó”. Thế nên, người này ra viện thì người kia lại nhập viện.
Từ giữa tháng 8.2012, căn bệnh bỗng dưng “im lặng”, ngành y tế thở phào, dù họ cũng không thể định danh được căn bệnh. Những tưởng “bóng ma” ấy bị xua hẳn vào rừng sâu thì bất ngờ cuối tháng 2 vừa qua bệnh lại tái phát ngay tại xã Ba Điền. Một ngày sau, lại có thêm hai bệnh nhân khác ở tận xã Sơn Ba thuộc huyện Sơn Hà, cách Ba Điền chừng 30 cây số. Xét nghiệm cho thấy hai bệnh nhân này triệu chứng giống hệt người bệnh ở Ba Điền. Khả năng lây lan từ Ba Điền là rất khó xảy ra vì hai địa phương này cách xa nhau về không gian, địa lý lại vô cùng hiểm trở.
Sau gần một tuần điều trị, hai bệnh nhân ở Sơn Ba thấy không khỏi, bèn “tự xuất viện” về nhà để... cúng Giàng theo phong tục của người Hre. Khi khoa học “câm lặng” thì mê tín lên tiếng vậy. Ngành y tế thì tiếp tục “lạ” với căn bệnh như đã từng “lạ” suốt 3 năm qua. Lạ đến mức, trong đợt kiểm tra thực địa ngày 4.3 vừa rồi, một vị trong đoàn của Bệnh viện Da liễu trung ương vẫn cho rằng, có thể do ăn hết gạo nhà nước cứu trợ, đồng bào chuyển sang ăn gạo “mốc” nên bệnh tái phát! Nhưng có lẽ “lạ” nhất là, sau đợt thị sát hồi giữa năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Thời điểm này chưa cần đến sự giúp đỡ của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ”, như lời đề nghị của họ.
Trần Đăng
Bình luận (0)