Buổi chiều, TP.HCM đổ cơn mưa tầm tã. Trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.3), bà Nguyễn Thị Hoa (76 tuổi, trọ Q.Bình Tân) vẫn ngồi đó bán bánh. Sự ủng hộ của người đi đường giúp bà có tiền đóng trọ và mua thức ăn hằng ngày.
Không thể bỏ cháu!
Bà Hoa bán từ 18 giờ đến khi hết bánh là gần nửa đêm. Ngày nào ế bà bán đến 2 giờ sáng. Dù tuổi đã cao, mỗi ngày bà vẫn tự chạy xe máy với quãng đường hơn 20km cả đi lẫn về. Bà sống cùng 2 cháu ngoại, trong đó em Trương Thụy Phụng Nghi (19 tuổi, bị bệnh tan máu bẩm sinh). Em phát hiện bệnh từ khi còn nhỏ. Hai cháu là con của 2 người con gái của bà. Người con gái đầu (mẹ của Nghi) qua đời cách đây 5 năm, người còn lại làm tự do, công việc bấp bênh ở TP.Thủ Đức.
Cha của Nghi bỏ đi từ lúc con 4 tháng tuổi, hai mẹ con Nghi về ở với bà ngoại. Bà nấu ăn thuê, ai mướn gì làm nấy mong có tiền đỡ đần gia đình. Cách đây 2 năm, bà chuyển sang bán hàng rong để chủ động giờ giấc, lo cho các cháu.
Phòng trọ nhỏ đồ đạc để tạm bợ ở đường Kênh Nước Đen, bà Hoa thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Nghi đang học cấp 3, tranh thủ mấy tháng nghỉ hè qua nhà họ hàng có xưởng sản xuất mũ bảo hiểm làm thuê đỡ chi phí sinh hoạt cho bà.
"Ngày biết cháu bị bệnh, tôi xỉu lên xỉu xuống. Hồi nhỏ, cháu ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Tôi từng nghĩ quẩn này nọ. Rồi tự an ủi mình nếu tư tưởng không vững là cháu khổ nên phải gắng gượng, được ngày nào hay ngày đó", bà Hoa bộc bạch.
Giờ cháu gái đã lớn, sức đề kháng tốt hơn, không phải đi bệnh viện thường xuyên. Trước đây, bà hay lấy thuốc cho cháu ở BV Nhi đồng 1, giờ lớn chuyển qua lấy ở BV Truyền máu huyết học TP.HCM. Nghi cũng mua bảo hiểm y tế ở trường nên đỡ chi phí thuốc men.
Những hôm bán ế, đau lưng, bà Hoa chạnh lòng, buồn khóc vì đáng lẽ đến tuổi được nghỉ ngơi nhưng ngày ngày vẫn phải đi bán dạo. Bà theo đạo Công giáo, mỗi lúc bế tắc thường tìm đến cha, đến nhà thờ cầu nguyện. "Mỗi lần cháu đi BV cần số tiền nhiều, cha cũng cầu viện để tôi yên tâm chút đỉnh. Số phận giờ phải chịu, giờ tôi nghĩ hoài cũng không thay đổi được nên phải ráng có sức khỏe làm nuôi cháu. Hồi dịch tôi sợ muốn chết, sợ phải bỏ lại các cháu. Trời thương nên tôi không có bệnh gì, ăn rau qua ngày nhưng vẫn khỏe", bà nói.
Bà Hoa cố gắng mỗi ngày vì các cháu
Thương nhớ con gái
Mỗi lần nhắc đứa con gái đã mất, nước mắt bà Hoa lăn dài trên má. Hồi còn sống, con gái bà làm công nhân. Năm 2018, con gái bà Hoa mất đột ngột, để lại gánh nặng cho người mẹ già.
"Con tôi làm nhiều quá mà không ăn dần kiệt sức. Tôi thương con, nó cũng khổ đến lúc mất, giờ tôi phải cố gắng làm thay bổn phận của con để nuôi cháu. Hai đứa cháu nói ngoại đừng có buồn, ngoại ráng giữ gìn sức khỏe để nuôi tụi con lớn, tụi con làm nuôi lại ngoại. Thấy cháu nói vậy, tôi lại càng thương cháu hơn", bà chia sẻ.
Cô con gái còn lại thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm hai bà cháu. Tuy nhiên, vì cũng quá khó khăn nên không thể chu cấp tiền cho mẹ thường xuyên. Bà luôn sợ một ngày sức khỏe yếu dần không có ai lo cho cháu nên mỗi lần đi nhà thờ, bà luôn cầu nguyện được mạnh khỏe.
"Tôi may mắn được nhiều người thương, đi bán đôi khi họ còn không lấy tiền thừa. Nhiều khi họ giúp đỡ tôi cũng tủi lắm, chẳng lẽ xin của người khác suốt đời nhưng đường cùng quá đành phải chịu", bà ngoại U.80 tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Hào (chủ trọ) cho hay, bà Hoa rất vất vả. Bà cũng hỗ trợ tiền trọ, không tạo áp lực để bà quá lo lắng. "Tôi rất thương mấy bà cháu, lắm lúc họ còn không có tiền đóng tiền trọ. Mỗi lần thiếu bà đều xin khất đỡ và tôi cũng đồng ý vì biết bà không có tiền", bà Hào nói.
Bà tủi thân khi nói về hoàn cảnh của mình
Bà Sầm Kim Hạnh (Tổ phó tổ 73, KP19, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) cho biết, bà Hoa đi bán bánh kiếm tiền nuôi cháu bị bệnh. "Con gái bà mất cách đây mấy năm. Tổ dân phố biết hoàn cảnh của bà nên cũng xin hỗ trợ từ phường, từ các nhà hảo tâm để động viên, đỡ phần nào chi phí sinh hoạt cho bà. Tôi cũng rất cảm động tình thương bà dành cho cháu", bà Hạnh xác nhận.
Bình luận (0)