Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiềm năng, thế mạnh vượt trội của các ngành dịch vụ cảng biển

Nguyễn Long
Nguyễn Long
01/05/2024 11:25 GMT+7

Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong nhóm cảng biển số 4, vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đây là vùng kinh tế phát triển năng động, sáng tạo, là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước.

Cảng biển quốc gia

Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ là cửa ngõ hướng ra biển của vùng Đông Nam bộ, là một trong những đầu mối chính của Đồng bằng sông Cửu Long trong giao lưu thương mại quốc tế, mà còn là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế phía nam của tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Các quy hoạch về phát triển cảng biển từ trước đến nay, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu luôn được xác định là cảng quốc gia, cửa ngõ quốc tế, không chỉ đảm nhiệm vai trò cửa ngõ hướng ra biển của toàn vùng mà còn hướng tới chức năng trung chuyển quốc tế.

Khu bến cảng chính của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay là khu vực Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải. Đây là khu vực có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển cảng. Hầu như toàn bộ các khu bến này nằm trong vịnh Gành Rái và sông Cái Mép - Thị Vải.

Tàu container vào cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu làm hàng

Tàu container vào cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu làm hàng

NGUYỄN LONG

Tàu container vào cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu làm hàng

Tàu container vào cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu làm hàng

NGUYỄN LONG

Các bến cảng container khu vực Cái Mép hiện đứng thứ 32 trên thế giới về công suất và đứng thứ 12 về chỉ số hoạt động tốt nhất. Các bến cảng đã tiếp nhận thế hệ tàu container có trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, với trọng tải lên đến 232.000 DWT và sức chứa trên 24.000 TEU. Các bến cảng ở Cái Mép - Thị Vải được đầu tư khá đồng bộ và trang thiết bị hiện đại. Nhiều bến cảng có sự tham gia liên doanh của những nhà khai thác cảng, hãng tàu hàng đầu thế giới đến từ các nước Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ mang đến nguồn lực đầu tư, công nghệ khai thác, quản lý tiên tiến mà thúc đẩy kết nối cảng biển với mạng lưới cảng toàn cầu.

Năm 2023, mặc dù nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn thông quan gần 113 triệu tấn hàng hóa, chiếm hơn 14% tổng khối lượng hàng hóa thông quan toàn hệ thống cảng biển Việt Nam.

Tiềm năng từ hạ tầng kết nối

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển, về hạ tầng kết nối, hệ thống cảng biển khu vực Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải hiện được kết nối qua 3 phương thức chính, gồm đường biển, đường bộ và đường thủy nội địa. Tuy nhiên, theo quy hoạch, hệ thống cảng biển sẽ được kết nối đủ 5 phương thức vận tải với việc đại dự án sân bay Long Thành đang được xây dựng và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu trong tương lai.

Theo đó, về mạng lưới đường bộ, hệ thống cảng kết nối với các mạng lưới giao thông liên vùng, gồm: QL51 (8 làn xe) đang khai thác; đường liên cảng (6 - 10 làn xe) kết nối với cầu Phước An và cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang xây dựng); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (6 - 8 làn xe) đang xây dựng; Vành đai 4 TP.HCM (4 - 8 làn xe) đang chuẩn bị đầu tư. Các tuyến kết nối với mạng giao thông liên vùng gồm: tuyến Cái Mép - Phước Hòa đang khai thác sẽ kết nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; tuyến Mỹ Xuân - Ngãi Giao (4 làn xe) kết nối khu Mỹ Xuân với các tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Vành đai 4.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiềm năng, thế mạnh vượt trội của các ngành dịch vụ cảng biển- Ảnh 3.

Cảng cạn của Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3

NGUYỄN LONG

Hệ thống cảng kết nối với vùng Đông Nam bộ cực kỳ thuận lợi qua các tuyến sông nội vùng Đông Nam bộ như: sông Cái Mép, Giò Gia, Đồng Tranh, Lòng Tàu, Nhà Bè, Sài Gòn hoặc sông Đồng Nai. Các tuyến này đi chung với luồng hàng hải, cho phép phương tiện thủy nội địa trọng tải đến 10.000 tấn với sức chở 300 - 400 TEU.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ nhiều năm nay, Chính phủ với sự hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Thế giới và các định chế tài chính quốc tế, đã nỗ lực phát triển mạng lưới vận tải thủy nhằm kết nối các hành lang vận tải liên vùng từ Đồng bằng sông Cửu Long với khu vực Đông Nam bộ và Cái Mép - Thị Vải. Tuyến luồng từ phao số 0 vào khu vực Cái Mép vừa được nạo vét đến độ sâu -15,5 m và bề rộng 350 m. Bộ GTVT đang tiếp tục triển khai dự án phân luồng giao thông khu vực vịnh Gành Rái. Các dự án nâng cấp phân luồng sẽ nâng cao năng lực hàng hải cho tàu vào rời khu cảng Cái Mép - Thị Vải và các cảng biển vùng Đông Nam bộ.

Với những tiềm năng, thế mạnh vượt trội của các ngành dịch vụ cảng biển, vận tải và logistics, quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16.12.2023, đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh này trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng ở Đông Nam bộ, nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước. Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm công nghiệp vùng Đông Nam bộ, trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Sân bay Long Thành sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ kết nối với chuỗi cung ứng logistics, kết hợp hàng không - hàng hải với các cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được quy hoạch và đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, sẽ có tuyến nhánh dài 5,3 km kết nối vào khu cảng biển Thị Vải và tuyến nhánh dài 9,1 km kết nối vào khu cảng biển Cái Mép và trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Với năng lực vận tải khối lượng lớn và kết nối với tuyến đường sắt Bắc - Nam, sẽ mở rộng phạm vi hấp dẫn của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.