(TNTS) Năm nay bà đã 82 tuổi, giữ kỷ lục thẩm phán lớn tuổi nhất trong số 9 thẩm phán hiện tại của Tòa án tối cao Mỹ. Nghe đến tên tuổi của bà thì ngay cả những chính trị gia có máu mặt nhất cũng phải ngán. Không chỉ bảng thành tích lừng lẫy của người có biệt danh “RBG khét tiếng” mà còn bởi bà là người phụ nữ thứ 2 được ngồi chiếc ghế thẩm phán SCOTUS trong lịch sử hơn 220 năm.
Bà Ginsburg
|
Từ lời từ chối thẳng thừng
Hết tháng 6 này là hết một năm làm việc của Tòa án tối cao Mỹ (SCOTUS) bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái và cả nước Mỹ đang mong đợi vào một quyết định mang tính lịch sử của SCOTUS. Bởi đầu năm nay Tòa án tối cao Mỹ đã đồng ý sẽ xem xét có quyết định buộc tất cả 50 bang ở Mỹ phải cho phép các cặp đôi đồng tính lấy nhau. Vẫn còn 13 bang chưa công nhận hôn nhân đồng tính. Là người lớn tuổi nhất và vẻ ngoài khắc khổ cũng... nhất SCOTUS, bà Ruth Bader Ginsburg lại được xem là điểm tựa lớn nhất của những người ủng hộ hôn nhân đồng tính. Tại thời điểm mang tính bước ngoặt khi mà đa số các thẩm phán nam còn đang phân vân chưa biết chọn đường nào thì bà Ginsburg lại nổi lên trong phiên tòa về sự hợp hiến của hôn nhân đồng tính với quan điểm thoáng. “Hôn nhân ngày nay không còn chịu sự áp đặt của truyền thống thông luật và luật dân sự nữa”, bà khẳng định.
Là đại diện của cánh cấp tiến ở SCOTUS, bà Ginsburg từ lâu đã được “phong” làm nhà vô địch trong chuyện đấu tranh đòi bình quyền cho phụ nữ mà động lực lớn nhất chính là khó khăn đầu đời của bà. Với hành trang là những tấm bằng đáng nể Cử nhân luật của Trường luật Columbia và vinh dự được chọn làm sinh viên đọc diễn văn từ biệt cùng với kỷ lục là phụ nữ đầu tiên được bầu vào ban biên tập của hai tạp chí Havard Law Review và Columbia Law Review, cô sinh viên 27 tuổi đã gặp ngay gáo nước lạnh khi bắt đầu đi làm năm 1960. Thẩm phán SCOTUS lúc đó là Felix Frankfurter đã từ chối Ginsburg cho vị trí thư ký tòa với lý do ông chưa sẵn sàng tiếp nhận một phụ nữ mặc dù Ginsburg được tiến cử bởi giáo sư của Trường luật Harvard nơi bà từng là 1 trong 9 sinh viên nữ duy nhất trong khóa 500 người năm 1966 rồi sau đó phải bỏ dở để theo chồng đến New York.
Rào cản giới tính không hề khiến Ginsburg nhụt chí mà đó được bà xem là tấm bật lò xo để bà tạo ra những cột mốc trong lịch sử Mỹ. Bà thành lập Dự án Quyền phụ nữ tại Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ và tham gia bảo vệ nhiều vụ lớn trước Tòa án tối cao (thắng 5 trong tổng số 6 trường hợp) để rồi dẫn đến việc bãi bỏ các luật định phân biệt đối xử theo giới tính.
|
|
Đến bà mẹ vĩ đại
Khi được Tổng thống Bill Clinton đề cử vào SCOTUS và được thượng nghị viện thông qua năm 1996, nữ thẩm phán 60 tuổi lúc đó trở thành người phụ nữ Do Thái đầu tiên ở SCOTUS. Trước đó năm 1972, bà trở thành nữ giáo sư được bổ nhiệm chính thức của Trường luật Columbia. Bà từng viết: “Các công ty luật truyền thống ban đầu thường quay lưng lại với việc tuyển người Do Thái. Làm phụ nữ, làm người Do Thái, làm mẹ... sự kết hợp này có phần quá lớn”. Bà nói vậy thôi chứ cái quá lớn đó bà đều vượt qua nhẹ nhàng. Chuyện tình yêu của cô sinh viên giỏi nhất lớp ở Đại học Cornell mạnh mẽ và sôi nổi không kém gì chuyện học hành. Gặp, yêu và cưới bạn học Martin David Ginsburg ngay đúng năm 1954 khi tốt nghiệp đại học. Rồi cũng vì theo chồng mà Ginsburg gác lại kế hoạch trường luật để theo chồng đến Oklahoma để chồng thực hiện nghĩa vụ quân sự. Rồi cũng vì chồng mà gánh nặng lên vai Ginsburg càng nặng hơn khi cả hai theo học Trường luật Harvard bởi Martin đột ngột bị phát hiện ung thư, phải phẫu thuật và xạ trị. Vừa học, vừa chăm sóc chồng, vừa nuôi con gái nhỏ, Ginsburg còn phải giúp chồng duy trì việc học theo cách: chồng nói, vợ đánh máy. Rồi Ginsburg lại lục tục theo chồng đến New York sau khi ông bình phục và tốt nghiệp trong khi vợ còn một năm nữa mới xong. Điều này chẳng khiến bà bận lòng. Bà đã chuyển đến Trường Columbia và xuất sắc hoàn tất chương trình.
Ảnh: Reuters, Bloomberg
|
Câu chuyện làm mẹ của bà Ginsburg còn có thêm phần kịch tính khi năm 1965 bà mang bầu đứa con thứ hai. Lúc đó, bà đang giảng dạy tại trường luật thuộc Đại học Rutgers và bà luôn mặc áo rộng vì sợ bị phát hiện. Nghỉ hè, cô giáo Ginsburg sinh con và mùa thu năm đó quay lại trường như bao giáo viên bình thường khác. Người phụ nữ mạnh mẽ này còn vượt qua được sự đe dọa của căn bệnh ung thư ruột năm 1999. “Trong cuộc chiến đấu ấy, nhờ có đồng nghiệp và gia đình nên tôi không bỏ lỡ bất kỳ phiên họp nào”, bà kể lại. Bà cũng biết ơn chồng - một chuyên gia về thuế nổi tiếng và 2 con đã hỗ trợ hết mình cho bà bằng cách “đá bà ra khỏi bếp”. Tận cho đến khi qua đời năm 2010, chồng bà lo hết việc nấu nướng, rồi “còn gọi tôi dậy mỗi sáng lúc 7 giờ 30 và hối thúc tôi về nhà ăn tối. Còn tôi lúc nào cũng bảo: thêm 1 tiếng nữa nhé”.
Và bà Ginsburg còn tri ân 2 người phụ nữ - đó là mẹ của bà, người luôn tranh thủ thời gian đưa con gái đến thư viện để giao mầm niềm say mê học hành và người để lại cho con gái sự nuối tiếc vô bờ bến khi gục ngã trước bệnh ung thư cổ một ngày trước khi Ginsburg tốt nghiệp trường trung học. Và người còn lại là mẹ chồng với lời khuyên chí lý: “Để cuộc hôn nhân êm đẹp, đôi khi cần phải tỏ ra điếc chút ít”. “Tôi đã áp dụng lời khuyên ấy không chỉ với chồng mà còn với đồng nghiệp”, bà nói.
Vậy nên, bà thẩm phán ấy đã để ngoài tai những chỉ trích đầy ganh tị kiểu như “Sao bà ấy chưa chịu nghỉ hưu nhỉ?”. Bà chỉ trả lời gọn lỏn: “Thẩm phán John Paul Stevens không rút lui cho đến khi ông ấy 90 tuổi đấy thôi!”.
Bình luận (0)