Bà Tôn Nữ Thị Ninh: “Cứ tạo ra được nhiều hạt sáng thì làm”

20/08/2012 08:00 GMT+7

Đau đáu vì một thương hiệu đất nước, về một thế hệ trẻ với nền giáo dục còn cần nhiều thay đổi, cựu Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh đã trao đổi thân mật với Sáng tạo vì Khát vọng Việt về sứ mệnh mới mà bà đang đeo đuổi sau khi giã từ công việc ngoại giao.

Xác định giá trị cốt lõi của chính mình và của dân tộc, chịu khó tìm hiểu thế giới bên ngoài, cần có hoài bão, đam mê, sáng tạo và bản lĩnh, là những lời khuyên bổ ích của bà dành cho giới trẻ VN.

Tỷ lệ thanh thiếu niên vị thành niên phạm tội ngày càng nhiều. Theo bà, làm thế nào lớp trẻ Việt có thể vượt qua mọi cám dỗ và mạnh mẽ trước cuộc sống?

Hiện tượng này phản ánh sự chuyển đổi giáo dục, có ảnh hưởng bởi quốc tế và truyền thông công nghệ, tất cả những điều này quyện vào nhau, tạo nên một thách thức lớn. Xã hội, nhà nước và từng con người trong xã hội ứng xử chưa kịp. Những vị thành niên này mất phương hướng, tha hóa. Gia đình, nhà trường, và cả giới truyền thông phải có trách nhiệm về việc này. Trẻ vị thành niên là những người chưa trưởng thành, dễ bị tổn thương khi chưa được bảo vệ trước làn sóng toàn cầu hóa quá nhanh, dễ bị sa ngã vào hố đen. Vì vậy vai trò của nhà trường, gia đình cực kỳ quan trọng. Nếu nhà trường, gia đình chú ý tới 4 cái neo (thông minh văn hóa, thông minh cảm xúc, thông minh tâm linh, thông minh trí óc) thì thanh thiếu niên sẽ không bị sa ngã.

 

Ở nơi nào tạo ra được nhiều hạt sáng thì cứ làm, từ lượng sẽ tạo thành chất, rồi xã hội và nhà nước sẽ ủng hộ. Những hạt sáng đó phải do các đơn vị giáo dục, những người tham gia giáo dục chủ động tạo ra, chứ không ngồi chờ kế hoạch của nhà nước

Giáo dục thời gian qua có không ít vấn đề tiêu cực, phải làm sao để gạt bỏ hết những hạt sạn này?

Hiện trạng trong nước còn nhiều vấn đề quá, mà người ta cứ đề cập tới những tầm vóc toàn cầu. Làm sao để nhà trường tử tế, thầy tử tế, trò tử tế thì mới được. Thầy ra thầy, trò ra trò… cần phải đi vào thực chất, chứ không phải hình thức. Mặt khác chúng ta là “nạn nhân” của đổi mới. Cơ chế thị trường chi phối nhà trường nặng quá. Phải điều chỉnh lại. Ở nơi nào tạo ra được nhiều hạt sáng thì cứ làm, từ lượng sẽ tạo thành chất, rồi xã hội và nhà nước sẽ ủng hộ. Những hạt sáng đó phải do các đơn vị giáo dục, những người tham gia giáo dục chủ động tạo ra, chứ không ngồi chờ kế hoạch của nhà nước. Trái lại, nhà nước cũng phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị cơ sở.

Tỷ lệ thanh niên ra ngoài du học và ở lại nước ngoài ngày càng nhiều. Chúng ta có cần lôi kéo những lớp trẻ trí thức này trở về phục vụ đất nước không, và bằng cách nào?

Ở lại một số năm là nên, là hay, vì ngoài bằng cấp và kinh nghiệm học tập, họ sẽ có kinh nghiệm làm việc ở môi trường tiên tiến, phát triển. Ở tầm quốc gia, phải nghĩ tới việc làm thế nào để thu hút được một số nhân tài du học quay về. Phải tạo được không gian phù hợp cho họ làm việc. Làm thế nào để các công ty VN trở nên hấp dẫn hơn đối với các cựu du học sinh. Tuy nhiên nếu người giỏi chỉ về các đơn vị tư nhân, không về bộ máy nhà nước thì đất nước sẽ khó vươn lên. Vì vậy các cơ quan nhà nước phải tạo điều kiện để lôi kéo nhân tài. Đây là thách thức rất lớn đối với nhà nước và các trường đại học.

Thanh niên Việt hiện thường mắc phải những chứng bệnh gì? Và làm thế nào để chữa trị chúng?

Phần gốc rễ còn non yếu, như: “thích nghi quá mức” những thứ không cần và không nên. Tôi rất bức xúc khi thanh niên thường đổi thứ tự họ tên, trái hẳn cấu trúc ngôn ngữ và tập quán VN. Nếu là Việt kiều sống ở nước ngoài, tôi có thể thông cảm. Nhưng với những thanh niên sống ở VN thì tại sao phải làm vậy. Việc thích nghi như vậy là không cần.

Cái không nên là vài kiểu ăn mặc. Hiện tượng nữ thanh niên mặc quần soóc từ sáng tới tối, vào mọi tình huống kể cả đi nghe giao hưởng. Trên thế giới, khi đi nghe nhạc giao hưởng người ta thường ăn mặc nghiêm trang. Nếu tôi là cố vấn cho Nhà hát Thành phố thì sẽ khuyên phải đưa ra quy định nghiêm khắc không cho mặc quần soóc vào nhà hát. Có lần tôi cũng thấy một người phương Tây mặc quần soóc đi nghe giao hưởng. Liệu họ có làm như vậy ở nước họ không? Họ không tôn trọng mình và mình cũng không có tự trọng.

Ngoài ra còn các “chứng bệnh” khác như: không tự tin, không phát biểu khi họp hành nhưng khi đi ra ngoài thì lại quá ồn ào. Thiếu nhạy bén với bối cảnh và tình huống…

Nếu cho 4 chữ miêu tả trọn vẹn về những đặc điểm cần có cho lớp trẻ, bà sẽ nói gì?

Theo tôi là: hoài bão (lý tưởng quá trừu tượng), đam mê, sáng tạo, bản lĩnh. Bản lĩnh bao hàm rộng hơn tự tin, tự tin là một phần trong bản lĩnh. Bản lĩnh bao gồm cả phẩm cách, không sa ngã với những cái tiêu cực hiện nay. Tôi tin thanh niên VN có khả năng sáng tạo, các đơn vị cần tạo điều kiện cho thanh niên sáng tạo. Thanh niên cũng cần bỏ sự sao chép, bắt chước, cần sáng tạo. Điều đó mới là chìa khóa cho thanh niên VN thực sự vươn lên và tạo sự khác biệt trên nền bản lĩnh.

Cám ơn bà về cuộc trò chuyện này.

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu những chân dung Việt Nam, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước,… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Ngọc Bi
(Thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.