Bà Tôn Nữ Thị Ninh tiết lộ bí quyết thành công

24/10/2013 08:48 GMT+7

(TNO) Trong buổi giao lưu “Quyền năng mềm và xây dựng hình ảnh cá nhân cho nhà quản lý” với các học viên chương trình Mini MBA tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB (ngày 19.10), bà Tôn Nữ Thị Ninh , đã chia sẻ một số quan điểm về đời sống gia đình thành công, thất bại và sự trưởng thành.

Tôn Nữ Thị Ninh 1
Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ những bí quyết cá nhân về cách cân bằng giữa cuộc sống riêng tư và sự thành công trong sự nghiệp

“Quyền năng mềm” trong gia đình

Chia sẻ về cuộc sống gia đình, bà Ninh cho biết khi vợ chồng bà mới cưới nhau, cuộc sống còn rất nghèo khó. Làm công tác ngoại giao, thu nhập của bà khá hơn lương giáo sư đại học của chồng một chút. Nhưng bà luôn tự nhủ phải tránh nhắc đến điều đó.

“Tôi không coi trọng chênh lệch thu nhập của hai vợ chồng. Điều tôi muốn đạt được là sự tôn trọng nhau và tôn trọng những quy tắc trong cuộc sống”, bà Ninh nói.

Là viên chức ngoại giao, bà được phân một căn hộ, và cả gia đình bà cư ngụ tại đó. Một số hàng xóm bảo chồng bà “sa chĩnh gạo”, nhưng bà luôn nói với hàng xóm không nên nói như vậy. Điều đó sẽ làm chồng bà buồn.

Trong cuộc sống gia đình, đôi khi vợ chồng bà cũng xảy ra bất đồng, và dẫn đến “chiến tranh lạnh”. “Khi xảy ra chiến tranh lạnh, tôi thường là người “xuống thang” trước. Tôi nghiệm ra rằng: “chiến tranh lạnh” không làm anh ấy thay đổi quan điểm, không khí gia đình rất khó chịu, và con cái cũng bị ảnh hưởng”, bà Ninh chia sẻ.

Tuy vậy, bà cũng phải tìm ra cách “xuống thang” nhưng vẫn giữ được thể diện cho mình và cho chồng. Sự “xuống thang” cũng là một dạng quyền lực mềm.

Tôn Nữ Thị Ninh 4
Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ những bí quyết cá nhân về cách cân bằng giữa cuộc sống riêng tư và sự thành công trong sự nghiệp

Chia sẻ sẽ giàu lên

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, khác với của cải vật chất, kiến thức của một người sẽ ngày càng giàu lên, phong phú thêm nếu chúng ta biết chia sẻ. Bà kể, hồi còn học phổ thông, bà và một người bạn thay nhau đứng nhất, nhì trong lớp. Cứ giờ ra chơi, người bạn của bà lại ôm sách học, không chơi với bạn bè. Ai hỏi gì cũng không nói. Còn bà thì khác, tới giờ giải lao là bà lại vô tư chơi với bạn bè, ai không hiểu gì, hỏi, bà đều trả lời tận tình.

 
Tôi không cảm thấy “bị đe dọa” chia sẻ kiến thức của mình. Mặt khác, tôi cũng đủ tự tin để biết rằng mình sẽ giữ được vị trí trong lớp học.
Tôn Nữ Thị Ninh

“Tôi không cảm thấy “bị đe dọa” chia sẻ kiến thức của mình. Mặt khác, tôi cũng đủ tự tin để biết rằng mình sẽ giữ được vị trí trong lớp học”, bà Ninh nói.

Hiện giờ, tuy bà không còn làm ở Bộ Ngoại giao và Quốc hội, nhưng bà lại bận rộn hơn trước. Những gì bà đã làm trong thời gian còn làm việc trong Bộ Ngoại giao khiến bà được nể phục và quý trọng.

Bà nói: “Tôi không còn làm việc trong nhà nước, nhưng tôi vẫn phơi phới hoạt động. Cái thế của tôi không phụ thuộc vào chức vụ mà tôi nắm giữ. Xã hội và cuộc đời thật bao la. Tôi thôi làm việc trong khuôn khổ nhà nước, tôi lại về với xã hội. Tôi đã nghỉ hưu 6 năm nay, nhưng tôi vẫn không thấy mình già đi, thậm chí tôi còn thấy mình dồi dào năng lượng để hoạt động, vì tôi bận rộn hơn rất nhiều so với thời tôi còn làm ở Bộ Ngoại giao”.

Tuy vậy, không phải lúc nào bà cũng thành công khi muốn thực hiện những dự định của mình với xã hội. Dự án Đại học Trí Việt của bà là một ví dụ.

Bà kể, bà và những người bạn chí cốt rất muốn xây dựng một đại học tại Việt Nam thật hiện đại và tử tế. Và đó là lý do dự án ĐH Trí Việt ra đời. Suốt 4 năm theo đuổi dự án, bà học được nhiều điều, xác lập được nhiều mối quan hệ với các ĐH tại Việt Nam và thế giới. Nhưng cuối cùng, dự án thất bại, dù rằng ĐH Trí Việt của bà đã từng trở thành Viện Trí Việt trong một đại học tư thục tại Việt Nam.

“Có buồn và tiếc nuối, nhưng tôi không cay cú và thất vọng”. Một người bạn của bà từng là Đại sứ Australia tại Việt Nam đã nói với bà: “Bà đã làm được một điều chưa từng có ở Việt Nam, đó là, chưa xây dựng được trường ĐH mà trường đó đã có thương hiệu”.

Thất bại này, đối với bà là một trải nghiệm bổ ích, giúp bà rút ra được nhiều bài học trong việc thực hiện các dự án xã hội.

Nhiều bậc cha mẹ đang làm hại con cái

“Trong một cuộc giao lưu với các cán bộ nữ ngành ngân hàng tại TP.HCM tuần trước, tôi đã từng nói với các vị rằng: Nhiều bậc làm cha mẹ có điều kiện tại Việt Nam đang làm hại con mình”, bà Ninh kể. Có những vị phụ huynh đưa con đi du học tại nước ngoài, hoặc tại các thành phố lớn tại Việt Nam, đều mua nhà riêng cho con cái ở, thậm chí còn thuê cả osin làm các việc trong nhà. Điều đó không tạo điều kiện tốt cho con cái học, mà ngược lại, tước đi cơ hội trải nghiệm và cơ hội tự lập của con cái.

“Tôi nói các bậc làm cha mẹ làm hại con mình là vì thế”, bà Ninh khẳng định. Làm như thế, các bậc làm cha mẹ bố trí điều kiện vàng, tạo ra “lồng vàng” cho con cái trú ngụ, và tước mất cơ hội sống với thực tế của con cái.

“Nhiều sinh viên hỏi tôi bí quyết nâng cao khả năng tiếng Anh, nhưng tôi không có công thức hoàn hảo, mà chỉ có một phương châm: thực hành và trải nghiệm có ý thức. Điều quan trọng là phải có ý thức, vì nếu không thì dù có thực hành và trải nghiệm cả trăm ngàn lần cũng không thể trở thành người trưởng thành và khôn ngoan”, bà Ninh nói.

Theo bà Ninh, tất cả chúng ta hiện nay phải biết thích nghi với sự thay đổi của thời đại và chính mình phải tạo ra sự thay đổi, để thử thách bản thân, trải nghiệm và trưởng thành. Điều này đặc biệt quan trọng đối với lãnh đạo doanh nghiệp.

“Nếu lãnh đạo doanh nghiệp cứ muốn mọi sự ổn định, thì khó có thể trở thành một lãnh đạo tốt, có tầm nhìn”, bà Ninh kết luận.

Bài, ảnh: Chân Luận

>> Bà Tôn Nữ Thị Ninh: “Cứ tạo ra được nhiều hạt sáng thì làm”
>> Giao lưu trực tuyến Bay đến ước mơ: Bí quyết học tập của các thủ khoa
 >> Giáo sư Ngô Bảo Châu "bật mí" bí quyết học toán
>> Bí quyết của người phụ nữ hiện đại - “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.