Mới đây, trong live show của nghệ sĩ cải lương Chí Tâm, xuất hiện một người mà giới nghệ sĩ reo lên mừng rỡ, khán giả cũng vỗ tay vang cả rạp. Đó là bà Sáu Liên, chủ hãng Đĩa hát Việt Nam lừng lẫy một thời.
Bà Sáu Liên cùng cô Loan - con gái bà - Ảnh: H.K |
Bà năm nay đã 83 tuổi, da trổ đồi mồi, đi rất chậm nhưng vẫn giữ được phong thái uy nghiêm lẫn lịch lãm của một bà chủ kinh doanh nhưng lại nghiêng về nghệ thuật. Đặc biệt, bà vẫn mặc áo dài, y như mấy chục năm nay. Cô Loan, con gái thứ hai, cho biết sợ mẹ vấp té nên đã lén cắt tà áo lên mấy phân và năn nỉ bà bỏ đôi giày cao gót 7 cm.
Bà không nói chuyện được nhiều, nhưng vẫn nhớ tôi, nhớ bài báo năm xưa tôi viết về bà, nhưng một hồi thì lại “quên quên”. Cô Loan bảo: “Nửa năm nay, mẹ em chuyển biến rất nhanh, quên nhiều rồi đó chị”. Bà Sáu Liên có 3 con gái, 3 con rể, đều là bác sĩ, nhưng Loan phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc cho mẹ và trông coi hãng Đĩa hát Việt Nam.
Người có “đôi tai thần kỳ”
Thực ra, hãng đĩa này đầu tiên do cha mẹ của bà là ông Lê Văn Tài và bà Ngô Thị Mão sáng lập năm 1947, đã thu rất nhiều giọng ca vàng thời ấy như Tám Thưa, Minh Chí, Năm Phỉ, Phùng Há... Xung quanh bà lúc nào cũng tràn ngập tiếng đờn ca hát xướng, tấp nập bóng dáng của nghệ sĩ, hỏi làm sao bà không “mê” cho được. Ông Lê Văn Tài mất năm 1964, hãng đĩa do các con quản lý. Nhưng bà Sáu Liên đã tách ra thành lập một cơ sở mới vào năm 1968, vẫn lấy tên hãng Đĩa hát Việt Nam. Bà lo chuyên môn, còn người chồng thì lo ngoại vụ, vừa giỏi kinh doanh vừa giỏi lăng xê nghệ sĩ, hãng phất lên như gió. Trong khi đó, hãng đĩa cũ của cha mẹ thì dần lui vào dĩ vãng.
Một số CD cải lương do hãng Đĩa hát Việt Nam của bà Sáu Liên phát hành - Ảnh: T.L
|
Thời vàng son của hãng Đĩa hát Việt Nam, băng đĩa chất đầy trên kệ, đánh hàng về tận các tỉnh. Người sành điệu vọng cổ hầu hết đều biết đến hãng đĩa của bà, bởi đã lăng xê rất nhiều giọng ca vàng và phát hành rộng rãi khắp cả nước. Bà góp công rất lớn vào sự sống còn và phát triển của nền cải lương VN. Khán giả và nghệ sĩ gọi bà một cách thân thương là “cô Sáu”. Bà có một “đôi tai thần kỳ”, giới nghệ sĩ lẫn thầy đờn (nhạc sĩ) đều nể nang. Nhiều khi nghệ sĩ ca chinh dây hoặc lỗi nhịp mà nhạc sĩ chưa kịp phát hiện thì bà Sáu Liên đã phát hiện trước nhất.
Chính đôi tai đó đã “bắt” được tương lai rực rỡ của Minh Vương, Thanh Kim Huệ, Chí Tâm, Thanh Tuấn... nên ưu tiên đem về hãng đĩa để lăng xê. Khi các bản đĩa của bà tung ra, khán giả choáng ngợp trước những giọng ca trẻ măng nhưng đầy nội lực. Thế là những cái tên nghệ sĩ ấy bay vút lên bầu trời cải lương. Còn với Lệ Thủy, Minh Phụng, Mỹ Châu, Minh Cảnh... đã nổi tiếng ở sân khấu Kim Chung, bà cũng cho thu âm để lăng xê trong làng băng đĩa, nhờ vậy đẩy luôn cát sê của họ tại các sân khấu. Bà còn lăng xê cả Phương Dung, Hoàng Oanh, Miên Đức Thắng... trong các đĩa tân nhạc. Sau 1975, bà lăng xê Châu Thanh, Phượng Hằng, Cẩm Tiên... Rõ ràng, bà có sức thẩm định tuyệt vời, biết mầm non nào có khả năng thành “sao”. Bà cũng thẩm định được những vở cải lương ăn khách như Lan và Điệp, Người tình trên chiến trận, Đêm lạnh chùa hoang, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tâm sự loài chim biển... để tung ra.
Gian nan và cay đắng
Giai đoạn cải tạo tư sản năm 1978, cửa hàng của bà bị tịch thu sung vào hợp tác xã. Bà trở thành người làm công trong đó và đứt ruột chứng kiến người ta không biết kinh doanh, bị thua lỗ, máy móc bị hư hại... Nhưng đau đớn nhất là người ta cho rằng băng đĩa cải lương, vọng cổ, tân nhạc của bà sản xuất không phù hợp với xã hội mới, cần bị tiêu hủy. Bà nhìn ngọn lửa bốc lên mà nước mắt tuôn chảy.
Thời gian này, bà lén giấu được một số đĩa than, đĩa nhựa, chạy qua xóm lao động nhờ người bà con “cất giữ” bằng cách quăng xuống gầm giường lăn lóc như rác. Đến khi nhà nước có chủ trương trả lại hãng đĩa cho bà, bà trở về nhặt lấy “những đứa con” rồi ngồi hằng đêm lau chùi cho hết ẩm mốc. Nhờ vậy, sau này khán giả mới có những bài vọng cổ để đời mà nghe. Nhiều khán giả hay tin, đem đĩa của mình đến tặng cho bà.
Rồi bà đầu tư dàn thiết bị kỹ thuật số mới toanh để chuyển từ đĩa nhựa, đĩa than, và băng cassette sang đĩa CD. Khán giả một phen tưng bừng vui sướng. Đĩa CD được bán ra với số lượng khổng lồ. Nghe mà đã lỗ tai. Hàng ngàn bài vọng cổ và tuồng cải lương xưa với các giọng ca vàng lại hồi sinh mãnh liệt.
Nhưng kỹ thuật số đã giết chết hãng đĩa của bà. Người ta chép đĩa lậu dễ dàng, giờ thêm tải lên mạng, thế là mỗi album đầu tư cả trăm triệu đã bị mất bản quyền chỉ sau nửa giờ phát hành. Công ty thua lỗ trầm trọng. Giờ mặt bằng đã cho thuê mở nhà hàng ăn uống, chỉ còn lại tầng lầu có vài chiếc tủ đựng đĩa bán cho những ai mộ điệu. Cô Loan vẫn cố duy trì bảng hiệu, cốt để mẹ vui lòng. Bà Sáu Liên cũng còn đủ minh mẫn để biết tình trạng ấy, cứ nắm tay tôi: “Họ cứ tung lên mạng, giờ làm sao đây con?”.
Bình luận (0)