Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan cùng 85 bị can khác, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị liên quan.
Quyền lực tuyệt đối tại SCB
Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu "hệ sinh thái" gồm hơn 1.000 doanh nghiệp là các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước.
Để có nguồn vốn duy trì hoạt động cho "đế chế" của mình, bà Trương Mỹ Lan tiến hành thu mua cổ phần, thao túng một số ngân hàng tư nhân, gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.
Năm 2011, bà Lan muốn sáp nhập 3 ngân hàng thành một. Nhưng để làm được việc này, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hiểu rằng mình phải sở hữu ít nhất 65% cổ phần để có thể thông qua bằng bỏ phiếu, các cổ đông khác không thể chống đối.
Những con số 'xưa nay chưa từng có' trong vụ Vạn Thịnh Phát
Kế hoạch thâu tóm được vạch ra. Chỉ trong thời gian ngắn, bằng hình thức thu mua rồi nhờ người đứng tên, tính đến tháng 12.2011, bà Trương Mỹ Lan lần lượt nắm giữ hơn 81,4%, 98,7% và 80,4% cổ phần của 3 ngân hàng nêu trên.
Tháng 11.2012, thương vụ sáp nhập thành công như dự kiến, SCB được thành lập. Lúc này, bà Lan đã sở hữu hơn 85,6% cổ phần của SCB. Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa dừng lại mà tiếp tục mua gom thêm cổ phần.
Tính đến đầu năm 2018, tỷ lệ bà Lan sở hữu cổ phần tại SCB lên tới hơn 91,5%. Số cổ phần còn lại thuộc sở hữu khoảng 4.000 cổ đông nhỏ lẻ.
Vẫn theo kết luận điều tra, biết rõ quy định pháp luật chỉ cho một cá nhân sở hữu không quá 5% cổ phần của một ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan đã nhờ 26 cá nhân, pháp nhân đứng tên giúp; bản thân mình chỉ trực tiếp đứng tên gần 5%, cho đúng quy định.
Với việc sở hữu gần như tuyệt đối về cổ phần, bà Lan đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân mà mình tin tưởng, đều là người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng, để bố trí vào các vị trí chủ chốt tại SCB; trả lương cho họ từ 200 - 500 triệu đồng/tháng.
Trong số này, ông Bùi Anh Dũng được Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đánh giá là hiền lành, "không quậy phá" và được lòng người; do đó, sắp xếp qua nhiều vị trí lãnh đạo, đến tháng 12.2020 thì lên chức Chủ tịch HĐQT SCB.
Mặc dù không có tên trong ban lãnh đạo SCB, nhưng trên thực tế, bà Trương Mỹ Lan có quyền lực chi phối mọi hoạt động của ngân hàng này, kể cả về nhân sự hay hoạt động tín dụng.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức; sau đó cho các công ty thuộc "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát vay, phục vụ mục đích cá nhân của mình.
Vay hơn 1 triệu tỉ đồng, dùng vào việc gì?
Để "rút ruột" SCB, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới nhờ hoặc thuê người đứng tên để thành lập các công ty "ma". Những công ty này thực tế không có hoạt động kinh doanh gì, được "khai sinh" chỉ với mục đích duy nhất là lập khống hồ sơ nhằm hợp thức hóa các khoản giải ngân từ SCB.
Bà Trương Mỹ Lan chọn người 'hiền lành, nghe lời' để cài cắm vào SCB?
Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, giúp sức cho bà Lan không chỉ là dàn "vệ tinh" tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB mà còn là các đối tượng thuộc nhóm công ty thẩm định giá, thông qua việc nâng khống giá trị tài sản đảm bảo của các công ty.
Hậu quả, từ tháng 1.2012 - 10.2022, SCB đã cho các công ty liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay hơn 1 triệu tỉ đồng, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi lên tới hơn 677.000 tỉ đồng.
Trong đó, từ tháng 2.2018 - tháng 10.2022, bằng việc lập khống 916 hồ sơ vay vốn, bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 304.000 tỉ đồng của SCB, bị đề nghị truy tố về hành vi tham ô tài sản.
Từ tháng 1.2012 - 12.2017, với thủ đoạn tương tự, bà Lan gây thiệt hại cho SCB hơn 64.000 tỉ đồng. Nhưng vì thời điểm này bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định về hành vi tham ô trong lĩnh vực tư nhân, nên bà Lan chỉ bị đề nghị truy tố về hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.
Khai tại cơ quan điều tra, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết tiền vay từ SCB được sử dụng để trả nợ gốc, lãi các khoản vay trước; trả nợ vay cho bạn bè, người thân; trả chi phí hoạt động của SCB (các khoản chi không thể hạch toán); trả tiền mua lại dự án; trả tiền công cho các cá nhân đứng tên hộ công ty…
Xem nhanh 20h ngày 20.11: Cựu lãnh đạo SCB ôm 5,2 triệu USD đi hối lộ
Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận định, hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm có dự mưu từ trước; được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ và có "kịch bản"; thao túng, lũng đoạn, bất chấp quy định pháp luật.
"Đây là tổ chức phạm tội có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức manh động nhưng cũng rất tinh vi, xảo quyệt; hậu quả gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế", kết luận điều tra nêu.
Bình luận (0)