Bê bối chính trị của Tổng thống Park Geun-hye liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil đã gây ra sự phẫn nộ lớn tại Hàn Quốc. Bà Park bị cáo buộc cung cấp tài liệu mật cho người bạn của mình, theo tạp chí Time.
Quốc hội Hàn Quốc ngày 9.12 thông qua kiến nghị luận tội bà Park và quá trình này sẽ kéo dài 6 tháng. Nếu Toà án hiến pháp quyết định không phế truất, bà Park có thể tại vị cho đến khi mãn nhiệm vào tháng 2.2018.
Trường hợp ngược lại, Hàn Quốc sẽ tiến hành bầu cử sớm trong 60 ngày sau khi bà Park bị cách chức. AP ngày 10.12 nêu ra 3 ứng viên nổi trội có thể thay thế vị trí của bà Park Geun-hye.
tin liên quan
Viễn cảnh bất ổn của quan hệ Hàn - Mỹ nếu bà Park bị phế truấtKhả năng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất đang mở ra một tương lai bất ổn cho mối quan hệ đồng minh giữa nước này với Mỹ.
Người đầu tiên chính là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon. Ông Ban được coi là người tốt nhất có thể giúp phe bảo thủ, đảng cầm quyền Saenuri giữ quyền kiểm soát Nhà Xanh, dù bê bối của bà Park đã gây ra nhiều bất ổn trong đảng này. Hoặc ông có thể đại diện cho một đảng mới do những đảng viên rời bỏ đảng Saenuri kết hợp với phe đối lập tự do lập ra.
Ông Ban sẽ mãn nhiệm Tổng thư ký LHQ vào cuối năm 2016 ,và dù được coi là ứng cử viên tiềm năng cho chức tổng thống, ông Ban chưa từng tuyên bố sẽ đứng ra tranh cử nhưng cũng không phủ nhận khả năng này.
Dấu hiệu rõ ràng nhất mà truyền thông Hàn Quốc cho rằng ông Ban Ki-moon sẽ tranh cử là câu nói của ông hồi tháng 5. Khi đó, ông Ban nói "sẽ suy nghĩ kỹ về điều mà một công dân cần làm".
Những người ủng hộ Tổng thư ký LHQ cho rằng ông là người đáng tin cậy nhờ uy tín trên trường quốc tế và là nhà ngoại giao được tôn trọng. Ông được mong đợi sẽ thể hiện nhiều kỹ năng hơn trong việc đối phó với Triều Tiên, hơn sự cứng nhắc của bà Park.
|
Trong khi đó, những người phản đối cho rằng ông Ban thiếu kinh nghiệm xử lý các vấn đề trong nước và công việc của ông trên vị trí Tổng thư ký LHQ là không nổi bật lắm.
Cái tên thứ hai là ông Lee Jae-myung, thị trưởng thành phố Seongnam và là thành viên đảng Dân chủ, đảng đối lập chính tại Hàn Quốc. Ông Lee được nhận xét là ứng viên không mấy nổi bật, nhưng sau vụ bê bối của bà Park, sự ủng hộ dành cho ông tăng chóng mặt trong vài tháng qua.
Ông Lee thường có thói quen đưa ra những bình luận chỉ trích mạnh mẽ trên Facebook và Twitter. Ông được so sánh với ông Donald Trump nhưng lại tự nhận mình là "Bernie Sanders thành công".
Ông Lee là người ủng hộ các chính sách mạnh mẽ nhằm thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, giúp đỡ những gia đình lao động, và dẹp bỏ mô hình của những tập đoàn lớn - "chaebol" đang thống trị nền kinh tế Hàn Quốc.
Những tập đoàn này từ lâu đã gây ảnh hưởng đến việc cạnh tranh và gây ra văn hoá tham nhũng bằng cách hối lộ các chính trị gia để được lợi.
|
Những người ủng hộ coi ông Lee là người cải cách đầy nhiệt huyết, trong khi giới chỉ trích cho rằng ông là người theo chủ nghĩa dân tuý nguy hiểm, dẫn dắt sự căm phẫn của người dân.
"Chúng ta đã bị một tầng lớp nhỏ có đặc quyền cầm quyền quá lâu. Hãy tự tạo ra một nền cộng hoà dân chủ, nơi mà mọi người được đối xử công bằng", ông Lee tuyên bố trong một cuộc biểu tình lớn kêu gọi bà Park từ chức. Thông điệp trên đã giúp ông giành được nhiều sự ủng hộ trong vài tuần qua, theo AP.
Người thứ ba trong tốp những ứng cử viên cho chức tổng thống Hàn Quốc là ông Moon Jae-in, đảng Dân chủ. Trong khi hai ông Ban Ki-moon và Lee Jae-myung được nhắc đến nhiều hơn, nhưng những cuộc khảo sát gần đây cho thấy ông Moon mới là người được yêu thích với tỉ lệ ủng hộ là 23,5%. Tỉ lệ của ông Ban và Lee lần lượt là 18,2 và 16,6%.
|
Ông Moon là đối thủ của bà Park Geun-hye trong cuộc bầu cử năm 2012, thua cuộc với 48% phiếu bầu, còn bà Park được 51,6%. Ông được coi là sự lựa chọn an toàn và là người cam kết chiến đấu chống bất bình đẳng thu nhập, tăng cường hệ thống phúc lợi xã hội và thúc đẩy cải cách kinh doanh, hạn chế các tập đoàn chaebol, tạo môi trường cho các doanh nghiệp nhỏ.
Ông Moon bị phe bảo thủ công kích vì theo đuổi chính sách đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân và hợp tác, trao đổi thương mại và văn hoá với Triều Tiên. Những chính sách này bị chỉ trích nhiều hơn khi Triều Tiên đẩy mạnh chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Bình luận (0)