Bác bảo vệ 58 tuổi lần đầu tiên được đồng nghiệp tổ chức sinh nhật

16/12/2021 09:13 GMT+7

Mạng xã hội chia sẻ đoạn clip bác bảo vệ bất ngờ được các nhân viên, đồng nghiệp mua bánh kem, tặng quà. Vài giây sau, ông mới nhận ra nay là sinh nhật mình, đây cũng là lần đầu tiên trong đời ông được thổi nến cắt bánh kem.

Clip dài gần 1 phút ghi lại trọn vẹn khoảnh khắc chú bảo vệ đứng ngại ngùng khi thấy nhân viên cửa hàng vàng bạc chuẩn bị bánh kem, quà sinh nhật dành tặng mình. Nhân viên nam cầm bánh kem có dòng chữ “Chúng con mừng sinh nhật chú” cùng ngọn nến số 58. Bác bảo vệ cười tươi rói và bối rối khi những nhân viên trẻ nhắc thổi nến, cắt bánh sinh nhật.

Lời nói dối ngọt ngào

Chị Lưu Thị Thanh Ngân (27 tuổi, nhân viên) cho biết đoạn clip được quay vào chiều 13.12, buổi tiệc sinh nhật là món quà bất ngờ chị cùng các đồng nghiệp Tú Anh, Diễm Trinh và anh Trương Phú dành tặng bác bảo vệ. Chị kể, sáng đó mở Zalo thấy báo sinh nhật của chú, chị đã nhờ đồng nghiệp mở hồ sơ lưu kiểm tra để đặt bánh kem tặng người đàn ông hiền lành, dễ thương này. Nhưng hồ sơ không có thông tin chi tiết nên anh Phú đã ra mượn bác CMND để xác minh. “Lúc tôi mượn CMND chú ngạc nhiên hỏi có gì không, tôi nói chụp lưu hồ sơ gửi về công ty chứ không có gì hết. Cầm CMND chú trên tay, tôi cười thầm chính xác ngày sinh nhật rồi”, anh Phú nhớ lại.

Bác bảo vệ ngại ngùng lần đầu trong đời cắt bánh kem sinh nhật

Ngay lập tức, mọi người bàn bạc, hùn tiền với nhau để đặt bánh sinh nhật, quà tặng.

Đợi đến đúng 14 giờ giao ca đông đủ thành viên, anh Phú lại ra ngoài mời bác vào trong “có việc”. Bánh kem để sẵn, nến đã thắp, mọi người cùng nhau hát Happy Birthday. Bác bảo vệ cười ngại ngùng, xúc động không nói thành lời.

Buổi tiệc sinh nhật bất ngờ của bác bảo vệ 58 tuổi. Ông Tịnh và nhân viên cửa hàng thân thiết, quan tâm nhau như người trong gia đình

NVCC

Theo cả 3 nhân viên, mọi người làm hơn 2 năm nên xem nhau như người thân trong gia đình. Mỗi khi trời nắng nóng, cả 3 hết lời năn nỉ bác bảo vệ vào trong ngồi cho mát nhưng ông cương quyết không chịu vì sợ mất xe. Lâu lâu đặt đồ ăn, nước uống, 3 nhân viên trong ca trực cũng đặt luôn phần tặng người thầm lặng nhất cửa hàng. Ngược lại, tới đợt lãnh lương, bác cũng mua trà, trái cây chiêu đãi nhân viên.

Cả đời mới biết thổi nến sinh nhật

Chị Ngân chia sẻ: “Chúng tôi không biết đó là lần thứ mấy chú được tổ chức sinh nhật nhưng vì xem nhau như người trong một nhà nên bàn bạc mua bánh kem, chuẩn bị quà. Công ty thường ký hợp đồng với bên ngoài để thuê bảo vệ, nhưng tết đến vẫn có thưởng động viên chú. Chúng tôi cũng sắm thêm một chút tặng chú làm quà gửi về quê ăn tết. Bảo vệ là người quan trọng nhất cửa hàng, chú ân cần đón khách, khách ấn tượng tốt chắc chắn sẽ quay lại”.

Bác bảo vệ hạnh phúc trong đoạn clip trên là ông Nguyễn Thanh Tịnh (58 tuổi, quê H.Đăk Hà, Kon Tum). Sáng 15.12, ông vẫn ngại ngùng khi nhắc lại buổi sinh nhật bất ngờ: “Lúc nhân viên ra mượn CMND, tôi lo không biết có vấn đề gì không. Còn tính luôn cả đường nếu ở đây không nhận mình nữa thì mình tìm chỗ làm tạm, hết dịch sẽ về quê. Ai ngờ đâu là mình được làm sinh nhật, lần đầu tiên trong đời biết sinh nhật là gì. Tôi cứ lâng lâng hạnh phúc, cả cuộc đời bây giờ mới thổi nến sinh nhật”.

Thời gian trước, ông làm công nhân và chăm lo cho rẫy cà phê của gia đình. Năm 2016, ông đứng ra vay ngân hàng 200 triệu đồng đầu tư cho cây cà phê nhưng không thành công, đến nay sau mấy lần đáo hạn, ông vẫn chưa trả hết số nợ này.

3 năm trước, ông chuyển vào TP.HCM làm bảo vệ, dè sẻn chi tiêu hằng tháng, còn lại gửi hết về quê để vợ đóng tiền lãi theo quý và tích cóp dần trả gốc. Ông Tịnh có 3 người con trưởng thành, trong đó con trai út sau khi tốt nghiệp đại học làm việc tại TP.HCM. Mỗi năm ông Tịnh chỉ về nhà 1 lần vào đúng dịp phải lên ngân hàng ký nợ đáo hạn. Ông tâm sự, vì làm nhà nông nên vợ chồng ông không có điều kiện làm sinh nhật cho các con, lại càng không để ý tới sinh nhật của mình. Chỉ một lần duy nhất con trai út tròn 10 tuổi, vợ chồng dành dụm mua được chiếc bánh kem tặng con.

“Cao tuổi rồi, cực chẳng đã mới phải đi làm xa nhà thế này. Ở nhà vợ tôi xài điện thoại “cục gạch” nên chỉ gọi hỏi thăm nghe tiếng vậy thôi, khi nào về mới gặp. Con cái cũng khó khăn nên tôi muốn ráng thêm vài năm, đủ tiền trả nợ thì về tiếp tục làm nông”, ông Tịnh bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.