Lời bác bỏ
Bức thư từ Giám đốc truyền thông của Cục Tiền tệ Singapore (MAS), bà Angelina Fernandez, đăng trên tờ Financial Times (FT) hôm 9.10 chỉ trích bài báo của phóng viên chuyên về mảng tài chính của FT thường trú tại Singapore - John Burton là "hoàn toàn không có cơ sở". Bài báo ngày 3.10 của J.Burton có tựa đề "Luật ngân hàng của Singapore đe dọa thỏa thuận với Liên minh châu u" (Singapore bank laws threaten EU pact) ví von Singapore như một trung tâm rửa tiền, nơi mà các tướng lĩnh Myanmar đang "cất giấu một khoản tiền lớn". Bà Fernandez khẳng định: "Singapore tuân thủ luật chống rửa tiền và chống các mạng lưới tài trợ khủng bố. Chúng tôi yêu cầu tất cả các đơn vị tài chính thực thi một quy trình khắt khe, kể cả việc nhận diện và tìm hiểu khách hàng, cũng như thông báo về tất cả các giao dịch có nghi vấn".
Theo các tổ chức tài chính quốc tế, luật lệ về bảo mật thông tin khách hàng tại các ngân hàng của Singapore khắt khe hơn cả ở Thụy Sĩ. Nhờ vậy, Singapore đã và đang trở thành điểm đến của nhiều nguồn tiền từ bên ngoài. Tuy nhiên, chính tính bảo mật cao này là điểm lo ngại của thế giới, bởi nó giới hạn khả năng truy tìm những nguồn tiền "bẩn". Hồi tuần trước, trong chuyến đến thăm đảo quốc sư tử, các nghị viên của Liên minh châu u (EU) đã yêu cầu Singapore nới lỏng luật về bảo mật ngân hàng cũng như tịch thu tài sản các tướng lĩnh Myanmar. Bằng không, một thỏa thuận hợp tác về thương mại và chính trị mà hai bên đã xúc tiến đàm phán từ năm 2005 có thể bị đe dọa. EU lo ngại Singapore có thể trở thành trung tâm hút những đồng tiền trốn thuế từ châu u sau khi khối này thực thi một nghị quyết chung về đánh thuế đối với tài sản công dân EU gửi ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Singapore đã từ chối đề nghị này. Bộ trưởng Ngoại giao George Yeo nói trên tờ The Straits Times rằng Singapore không thể hành xử như một "nước lớn" bằng cách cấm vận kinh tế hoặc đóng băng tài khoản (của các tướng lĩnh Myanmar). Còn Thủ tướng Lý Hiển Long trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình CNN hôm 6.10 khẳng định Singapore không chấp nhận tiền "bẩn" và không làm ngơ trước nạn rửa tiền. Trả lời câu hỏi về khả năng nới lỏng luật bảo mật ngân hàng, Thủ tướng Lý nói: "Luật chống rửa tiền của chúng tôi khắt khe như tại bất kỳ trung tâm tài chính nào khác".
Cuộc đua tới "ngai vàng"
Singapore hiện là đối thủ đáng gờm của các trung tâm tài chính hàng đầu châu Á như Tokyo, Hồng Kông, Thượng Hải, Seoul... Mục tiêu cạnh tranh của các trung tâm tài chính hiện nay là thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư bất động sản và đưa lên sàn chứng khoán cổ phiếu các công ty nước ngoài. Trong cuộc đua để thu hút nguồn tiền, các trung tâm này đã tung ra nhiều "chiêu" khác nhau.
Hồng Kông vừa tung ra kế hoạch rút ngắn thời gian, giảm phí và đơn giản hóa thủ tục cấp phép đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Seoul cũng tiến hành một kế hoạch tái cấu trúc toàn diện hệ thống tài chính để tăng tính cạnh tranh, đoàn kết và sáng tạo. Thượng Hải đang nỗ lực khuyến khích các tập đoàn nội địa đưa cổ phiếu lên sàn "nhà" thay vì lên thị trường chứng khoán Hồng Kông, London. Còn Tokyo, tuy đang nắm giữ vị trí thứ hai trên bản đồ kinh tế thế giới cũng như khối lượng giao dịch chứng khoán, nhưng khả năng trở thành trung tâm tài chính của châu lục khó thành hiện thực, bởi nó chỉ tập trung vào thị trường nội địa.
Trong khi đó, riêng năm 2006, Singapore đã cho lên sàn chứng khoán 40 công ty nước ngoài. Cũng trong năm này, Singapore đã cấp phép cho 24 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong khi Hồng Kông chỉ cấp được 8. Theo một nhà tư vấn tài chính Singapore, hiện có khoảng 15 quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhật đóng tại Singapore. Các quỹ đầu tư bất động sản ủy thác từ khắp nơi, cũng đua nhau chạy về Singapore bởi môi trường đầu tư cởi mở và các chính sách kiểm soát ngoại tệ thông thoáng hơn. Nếu Hồng Kông giảm thời gian cấp phép cho một quỹ đầu tư mạo hiểm xuống còn 4-8 tuần, thì tại Singapore việc này chỉ diễn ra trong vòng 24 giờ. Giới doanh nhân thế giới thường đùa rằng: "Anh có thể nhận giấy phép lập quỹ đầu tư mạo hiểm ở Singapore ngay khi anh hạ cánh xuống sân bay quốc tế Changi". Đã mấy năm liền, Singapore được bầu chọn là quốc gia có môi trường kinh doanh thân thiện nhất thế giới. Tuy nhiên, sự thông thoáng đối với các dòng tiền quốc tế này liệu có để "lọt lưới" những đồng tiền "bẩn" hay không vẫn đang là dấu hỏi lớn.
Thục Minh
(từ Singapore)
Bình luận (0)