(TNO) Sau bữa cơm tối, đang theo dõi chương trình truyền hình về thiệt hại và cứu trợ trong và sau cơn bão số 10 ở huyện nhà Lệ Thủy (Quảng Bình), trời đã bớt mưa nhưng nước sông Kiến Giang vẫn cao mức báo động, bỗng chuông điện thoại réo, màn hình xuất hiện danh bạ Nguyễn Thế Thịnh.
|
Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Anh Tường ơi, Bác Giáp mất rồi.
- Bác… Giáp…!?
Ý thức ù lòa vừa ra khỏi màn hình với cảnh bão tố hư hại khiến tôi không lập tức định danh được ai. Tôi năm nay 61, họ tộc ở làng không còn ông bác nào.
- Có lẽ ngày mai Nhà nước sẽ thông báo chính thức…
- Ôi ! Ông Giáp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Bác Giáp! Như cách gọi của dân Lệ Thủy quê tôi, người bên kia sông Kiến Giang, làng An Xá cách làng tôi một mái chèo. Bác Giáp! Bởi giọng thằng Thịnh thảng thốt quá, gần gũi quá nên khiến tôi giật mình.
Bác Giáp mất rồi, quy tiên rồi, Ngài hóa rồi sao?! Vẫn biết là Bác đã mệt nặng nhiều tháng nhiều ngày, giữa ranh giới sinh tử, qua ngày 25 tháng 8 năm 2013, tới tuổi 103 Bác đi lúc nào cũng nhẹ, vậy mà vẫn hụt hẫng chênh chao.
Năm 2011, đến làm phim nhân ngày hết khó Giáo sư tiến sĩ Võ Hồng Anh (trưởng nữ của Bác) đã thấy sân vườn 30 phố Hoàng Diệu (Hà Nội) nhiều rong rêu, cửa phòng khách gia đình và văn phòng đều đóng, biết Bác không còn ở nhà mà lưu trú luôn trong bệnh viện, đã thấy trống vắng, phảng phất buồn. 21 năm trước lần đầu được gặp Bác, được đi cùng dài ngày trong chuyến Bác về thăm quê hương sau nhiều chục năm công vụ, tôi tự cho mình là có hạnh phúc vì được dịp gần với một vĩ nhân văn võ toàn tài, một nhân cách cao thượng sáng chói tầm nhân loại…
*
Không! 21 năm trước không phải lần đầu. Cái cảm giác ngây ngất của giây phút ban đầu là cách nay đã 54 năm. Một ngày hè năm 1959, có tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên kia sông về thăm quê. Đoàn xe chạy rất chậm trên con đường dọc bờ hữu ngạn sông Kiến Giang. Chúng tôi, anh em tôi bảy, tám tuổi cởi quần áo liều bơi qua sông, chạy bạt mạng theo dòng người cuồn cuộn quanh xe, chen lách chui lủi qua hông người lớn, để thu vào ký ức hình ảnh một sĩ quan sắc phục lấp lánh đứng trên xe mui trần dưới nắng chói, cánh tay gập, các ngón tay khép duỗi thẳng trên vành mũ kêpi, nghiêm cẩn chào quê hương sinh thành dưỡng dục, đẹp hơn một giấc mơ con trẻ của chúng tôi.
Sau này, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến ở miền Nam vào độ cam go nhất, anh em chúng tôi lần lượt lên đường cầm súng, chiến đấu trong đội ngũ trùng điệp “phụ tử chi binh” của ông, và mỗi lần giơ tay chào kiểu nhà binh chúng tôi đều nhớ duỗi thẳng các ngón tay trên vành mũ, bụng thót ngực nở, nét mặt nghiêm cẩn nhìn thẳng về phía trước.
Lại nói về chuyến dài ngày đầu tiên được đi theo làm phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một ngày đầu tháng 3 năm 1992, trên đỉnh đèo Ngang, đoàn xe từ phía Bắc vào dừng lại. Đại tướng bước xuống. Giáo sư Đặng Bích Hà (phu nhân) bước xuống. GSTS Võ Hồng Anh (trưởng nữ), đại tá Tâm (thư ký), đại tá Huyên (bác sĩ) và những sĩ quan tháp tùng bước xuống. Đỉnh đèo Ngang chiều tà, gió hây hẩy, nắng mật ong rải vàng một dải đất phía nam Hoành Sơn thời điểm ấy dường như còn thiu thiu ngủ.
Năm ấy, Đại tướng gần tròn tuổi 81 (Bác sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911), cơ thể còn tráng kiện, nhanh nhẹn. Suốt hơn nửa tháng sau đó là lịch trình dày đặc, làm việc với hầu hết các địa phương trong tỉnh, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, thăm quan những thắng cảnh, những vùng đất đầy tiềm năng còn chưa được đánh thức. Về quê làng An Xá (Lệ Thủy), bà con họ hàng xóm giềng kéo đến đầy nhà đầy sân mừng ông, bác, chú, cậu đã về. Các cụ ông bạn hữu hỏi thăm thế sự. Các bà các mợ níu áo xoa vai mừng mừng tủi tủi rồi xuống bếp xúm xít làm cơm.
Dân truyền hình chúng tôi được ưu tiên tiếp cận và có vài yêu cầu cho phim tài liệu “Trở về mái nhà xưa”. Vậy là, Bác vui lòng chiều, đi tha thẩn đến từng gốc khế gốc mít trong vườn, xuống bến sông khỏa nước, lên thuyền cầm mái chèo. Không gian vang vọng khúc hát “Anh đưa em về thăm quê anh nơi xứ Lệ, nghe giọng hò ru anh thời thơ trẻ. Sông nước chan hòa ôm ấp tình quê. Bởi Kiến Giang xanh, xanh mãi một màu… bởi quê hương anh không hẹn lại về…
Một ngày trọn vẹn với bà con chòm xóm. Một ngày trọn vẹn với tập thể lãnh đạo huyện, xã, những lão thành cách mạng, những người bạn thuở ấu thời, vừa thả lỏng tâm tư cho tuổi bát tuần vừa lắng nghe và góp ý đầy trách nhiệm với các cấp lãnh đạo.
Thăm nghĩa trang liệt sĩ huyện tại vùng gò đồi Mai Thủy, Đại tướng xúc động thắp nén hương lên phần mộ phụ thân: Liệt sĩ Võ Quang Nghiêm bị Pháp bắt từ những ngày đầu quê hương bị tái chiếm (1947) và bị thủ tiêu ở nhà lao Thừa Phủ, để lại câu nói đanh thép, thách thức mật thám Pháp: “Con tôi đẻ ra chưa kịp giáo dưỡng, bây giờ nó ở đâu phiền các ông bắt về đây cho tôi….”.
Quê hương Bình Trị Thiên khói lửa điêu tàn, nhà bị đốt, cha bị giặc bắt, mẹ và con gái (Võ Hồng Anh) đang trên chiến khu Lệ Ninh, Đại tướng vẫn đứng vững trên một trọng trách vô cùng lớn lao và hiểm nghèo: Lãnh đạo đội quân non trẻ chống lại lực lượng quân viễn chinh nhà nghề của thực dân, bảo vệ non sông, bảo vệ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập.
Một đêm văn nghệ cây nhà lá vườn chào đón gia đình Bác Giáp tại trung tâm văn hóa huyện. Đến tiết mục hò khoan Lệ Thủy,̣ Đại tướng đứng dậy cùng vỗ tay theo nhịp, cùng “hơ hơ khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan...”. Và thế là cả hội trường đứng dậy theo nhịp hò . Một không gian văn hóa truyền thống tràn ngập, một vùng văn hóa dân ca Bình Trị Thiên như bừng thức. Không còn thấy ở Bác bóng dáng của vị Đại tướng huyền thoại từng đánh thắng hai đội quân của hai đế quốc hùng mạnh. Nguyên vẹn lại một cụ ông bát tuần từng uống nước kiến Giang “ngọt ngào bình đạm”, cơm cá đồng chiêm, học hành đỗ đạt nên người theo chân Bác Hồ cứu nước, nay về vui thú điền viên, cùng dân làng khoai lang chè xanh ca hát...
Ngày vui vắn chẳng tày gang, rồi cũng tới lúc Bác Giáp phải rời quê hương trở lại Thủ đô. Trong 21 ngày được đi theo Bác làm phim, tôi vô tình hay để ý thấy những thằng bé bảy, tám tuổi như tôi năm xưa, cởi trần tóc ướt át như vừa bơi qua sông, có đứa mang theo cả cặp sách cuồn cuộn theo dòng người hân hoan đón Đại tướng về thăm quê. Chia tay trên đỉnh Hoành Sơn, ngày thứ 21, cũng vào một buổi chiều có mưa rào nhẹ se lạnh. Trước đó, khi ông đang nói chuyện với một cán bộ, nhân dân huyện Quảng Trạch, tôi ngồi uống la đà với nhóm sĩ quan tùy tùng và… hơi sương sương. Trên đỉnh đèo Ngang, mũi xe hướng ra Bắc. Mọi người nhường chỗ cho dân truyền hình làm việc.
- Thưa Bác! nơi đây là thước đất cuối cùng của quê hương Quảng Bình, xin Bác nói đôi lời với cán bộ, nhân dân.
Rất may mắn là tôi mở đầu được một câu khá chuẩn. Đại tướng trả lời, căn dặn nhiều điều, thân ái chào bà con, và…
- Thưa bác, xin bác một lời hò hẹn ngày tái ngộ !
Câu này tôi bất ngờ bật ra như một cái máy. Trong đám đông có tiếng cười khẽ. Tâm trạng mọi người chênh vênh hồi hộp vì những lời bất cẩn của phóng viên. Rất may là Đại tướng trả lời ngay:
- Tôi có phải trai gái yêu nhau gì đâu mà hẹn hò (đám đông phá lên cười vang trời Hoành Sơn). Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà.
Đám đông lập tức yên lặng lắng nghe từng lời gọn, ngắn, bình dị mà sâu sắc, đầy đặn chất giọng Lệ Thủy của ông. Rồi cũng bị thúc đẩy bởi hơi men, tôi bật ra câu thứ ba:
- Thưa Đại tướng! Bác có thể cho cháu …ôm…!
Dứt lời, tôi thả micro lao tới. Không một vệ sĩ, một sĩ quan tùy tùng nào kịp phản ứng. Trong cơn phấn khích, tôi ôm chặt ông cụ mà lắc lư, lắc lư và cảm nhận được từ cơ thể của cụ ông cao tuổi còn một nội lực rất mạnh, và từ trái tim yêu kính chân thành tôi thầm cầu xin linh khí trời đất phù hộ cho ông sống đủ 100 tuổi - một trăm thôi không dám xin hơn.
Vậy rồi, từ đó, những dịp về quê Lệ Thủy thăm từ đường gia đình, dòng họ, tôi có thú vui thích qua sông thăm nhà lưu niệm của Bác Giáp. Đọc trong những trang lưu bút mới hay, không phải chỉ mình tôi ước mong như vậy. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Trúc ở Hoài Nhơn, Bình Định viết: “Từ miền Nam ra thăm (quê) Bác Giáp kính yêu, chúc Bác mạnh, sống lâu hơn nữa, đem hạnh phúc cho nước nhà và xã hội phồn vinh”.
Vâng, Bác đã vượt qua trăm tuổi, thỏa lòng ước mong của mọi người như năm xưa đã vượt qua những thử thách trong những thời đoạn cam go nhất của lịch sử và cả những khi “trái gió trở trời - bất thường ấm lạnh”. Bây giờ, như người quê tôi, để thay từ chết chóc buồn đau đã gọi rằng “Ngài hóa” sang gặp lại Bác Hồ và “thế giới người hiền” ở cõi thiên thu.
Đồng Hới đêm mồng 5.10.2013
Nguyễn Thế Tường
>> Giáo sư sử học Mỹ Larry Berman: Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rõ kẻ thù
>> Hàng vạn người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người bạn lớn của nhân dân Lào
>> Bài hát yêu thích' tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Buổi nhạc tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Trắng đêm chờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bình luận (0)