|
Kết quả khả quan
Bạc Liêu là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn nên việc giảm nghèo được xem là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để giảm nghèo có hiệu quả, Bạc Liêu đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có phân công ban, ngành cấp tỉnh đỡ đầu hộ nghèo. Chỉ riêng năm 2013, có 71 đơn vị, ban ngành cấp tỉnh được phân công giúp đỡ cho 478 hộ nghèo ở cơ sở. Đến cuối năm, đã có 419 hộ ổn định cuộc sống và được công nhận thoát nghèo.
Tuy tỷ lệ hộ nghèo được đỡ đầu chưa thoát nghèo đạt 100% nhưng đây là tín hiệu lạc quan chứng tỏ các đơn vị được phân công đỡ đầu hộ nghèo quan tâm hơn về chất lượng chứ không chạy theo thành tích |
||
Bà Lê Thị Ái Nam |
||
Tại xã Phong Thạnh Đông A (H.Giá Rai), trong số 87 hộ thoát nghèo vào cuối năm 2013 có 5 hộ nhờ sự hỗ trợ của Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu. Theo ông Mai Chí Tính, Chủ tịch UBND H.Giá Rai, ngoài Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu, năm 2013 còn có 12 đơn vị cấp tỉnh khác được Tỉnh ủy phân công đỡ đầu 60 hộ nghèo trên địa bàn. Bằng cách bảo lãnh vay vốn tín chấp, cho mượn vốn rồi chỉ dẫn cách thức làm ăn hoặc trợ giúp cây, con giống cộng với thường xuyên giám sát, động viên, các hộ nghèo đã sử dụng vốn đúng mục đích. Đến cuối năm đã có 58 hộ ở Giá Rai được hỗ trợ đã thoát nghèo.
Ngoài các đơn vị cấp tỉnh, còn có 389 ban, ngành cấp huyện, 64 đơn vị cấp xã và 15 doanh nghiệp tại Bạc Liêu nhận đỡ đầu cho hơn 4.430 hộ nghèo trong năm 2013 với tổng giá trị trên 7,3 tỉ đồng và đã có hơn 3.900 hộ thoát nghèo. Qua đó, góp phần giảm số hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 18.478 hộ (chiếm 9,39%), giảm 6.481 hộ so với năm 2012. Bà Lê Thị Ái Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Tuy tỷ lệ hộ nghèo được đỡ đầu chưa thoát nghèo đạt 100% nhưng đây là tín hiệu lạc quan chứng tỏ các đơn vị được phân công đỡ đầu hộ nghèo quan tâm hơn về chất lượng chứ không chạy theo thành tích. Đó là nền tảng để việc phân công các ban, ngành đỡ đầu cho hộ nghèo phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới”.
Quan tâm tạo việc làm
Năm 2014, Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo tỉnh Bạc Liêu phấn đấu giảm thêm khoảng 7.000 hộ nghèo và 4.150 hộ cận nghèo. Một trong những giải pháp được Bạc Liêu duy trì là phân công các đơn vị, ban ngành tỉnh, huyện, xã đỡ đầu hộ nghèo ở cơ sở. Ngoài lồng ghép và huy động các nguốn vốn hỗ trợ, những đơn vị nhận đỡ đầu đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý chí thoát nghèo, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để biết bà con cần hỗ trợ gì để làm sinh kế thoát nghèo, giúp bà con sử dụng nguồn hỗ trợ đúng mục đích.
Theo ông Dương Văn Thới, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bạc Liêu, để giảm nghèo bền vững, tỉnh cũng đẩy mạnh đào tạo nghề cho 12.000 lao động và giải quyết việc làm mới cho 18.000 lao động nghèo nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cũng khuyến khích các đơn vị nhận đỡ đầu lồng ghép giúp đỡ hộ nghèo bằng cách tạo nghề, truyền nghề phù hợp với điều kiện và thực tế của địa phương. Bởi thực tế trong năm 2013, một số đơn vị đỡ đầu hộ nghèo hiệu quả nhờ công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm như: mô hình doanh nghiệp nhận đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại H.Giá Rai và TP.Bạc Liêu; mô hình đào tạo nghề gắn với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phát triển làng nghề truyền thống tại các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Hồng Dân và Phước Long.
Trên tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, việc Tỉnh ủy Bạc Liêu phân công cán bộ đỡ đầu hộ nghèo đã và đang góp phần phát triển ổn định kinh tế xã hội của địa phương.
Hằng Ni
Bình luận (0)