Bạc Liêu sớm trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước

27/04/2022 08:03 GMT+7

Với tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là dự án trọng điểm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, Bạc Liêu đã và đang khẩn trương xây dựng để sớm trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm cả nước.

Dự án trọng điểm quy mô hơn 418 ha

Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, cho biết năm 2016, chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước, đã đồng ý về chủ trương quy hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và định hướng “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.

Ông Phạm Hoàng Minh báo cáo với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu về tiến độ thực hiện dự án

Sau hội nghị, Bạc Liêu đã khẩn trương tích cực phối hợp với các bộ, ngành T.Ư tiến hành quy hoạch, xin chủ trương đầu tư. Theo đó, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, quy mô hơn 418 ha, tại xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu. Đồng thời, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ khởi công xây dựng vào ngày 30.1.2018.

Về chức năng, nhiệm vụ, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu giúp UBND tỉnh cung ứng dịch vụ công, quản lý các hoạt động trong khu như: Tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm; gia hóa tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, kiểm định - xét nghiệm và các ngành công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành tôm của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, khu vực ĐBSCL và cả nước…

Xây dựng Bạc Liêu thành thủ phủ tôm công nghiệp

Ông Minh cho biết thêm, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu có các mục tiêu, định hướng lớn khác như: Làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao; là nòng cốt, động lực để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Đây cũng là trung tâm liên kết với các viện, trường, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực tôm, tạo thành một chuỗi phức hợp từ khâu nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, đến các khâu nuôi tôm siêu thâm canh - sản xuất chế biến, bảo quản tôm - nghiên cứu sản xuất thức ăn cho tôm…

Thu hoạch tôm nuôi trong nhà kính ở vùng ven biển Bạc Liêu

Đến thời điểm này, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, bao gồm các hạng mục như: Hệ thống đường, kênh cấp và thải nước, hệ thống điện, tường rào... nguồn vốn ban đầu do tỉnh đầu tư. Tỉnh đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2, nguồn kinh phí do Bộ NN-PTNT đầu tư, gồm các hạng mục như: Khu quản lý, điều hành; khu kiểm định, xét nghiệm; khu nghiên cứu tiếp nhận, chuyển giao khoa học kỹ thuật; khu trưng bày, triển lãm; khu nhà ở công vụ; khu xử lý nước thải tập trung…

Để Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu sớm đi vào hoạt động, UBND tỉnh đã tổ chức Hội đồng tuyển chọn các dự án đầu tư vào khu thuộc 4 lĩnh vực: Quy trình nuôi và thiết bị phụ trợ; sản xuất chế phẩm sinh học; sản xuất tôm giống; nghiên cứu sản xuất thức ăn. Đến nay, đã tuyển chọn được 9 dự án của 9 doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh tham gia đầu tư, trình diễn. BQL đã hoàn thành trình tự thủ tục cho các doanh nghiệp thuê đất theo quy định và doanh nghiệp đang lập kế hoạch bảo vệ môi trường.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đang san lấp mặt bằng, dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong tháng 4.2022. Theo tiến độ trong thuyết minh dự án của các doanh nghiệp sẽ thi công xây dựng trong 6 tháng, do đó trong quý 3/2022 các doanh nghiệp sẽ trình diễn các quy trình công nghệ theo thuyết minh được duyệt và sẽ có sản phẩm nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao vào cuối năm 2022. Theo đó, Ban quản lý sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức họp Hội đồng tuyển chọn dự án của các doanh nghiệp đầu tư trong giai đoạn hai.

Khu quy hoạch nuôi tôm công nghệ cao ven biển Bạc Liêu

Phan Thanh Cường

1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội Bạc Liêu (giai đoạn 2020 - 2025) thì phát triển nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo được xác định là trụ cột đầu tiên. Đồng thời, đây được xem là trụ cột mang tính nền tảng khi chiếm gần 90% thu nhập của người nông dân dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu là một trong các dự án quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Sau khi dự án hoàn thành còn góp phần phát triển du lịch cho tỉnh, vì mô hình du lịch gắn với tham quan Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm chưa tỉnh nào có. Đồng thời, khu này có lợi thế phát triển du lịch rất lớn vì phía trước là cánh đồng điện gió, một quang cảnh tham quan rất đẹp.

Theo ông Thiều, xây dựng Bạc Liêu trở thành ngành công nghiệp tôm của cả nước là nhiệm vụ rất quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Bạc Liêu. Do đó, UBND tỉnh đã đề nghị các cấp, các ngành cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Chủ đầu tư dự án cần tăng cường công tác quản lý, giám sát và phải có các giải pháp cụ thể để đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. BQL cần chủ động, quyết tâm hơn trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt khâu tuyển chọn doanh nghiệp vào khu này phải thật sự là doanh nghiệp tiêu biểu, công nghệ cao, kỹ thuật phải tiên tiến…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.