Tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Ngộ độc chelonitox hay chelonitoxism xảy ra do ăn thịt rùa, đặc biệt là rùa biển bị nhiễm các chelonitoxin. Trong các tài liệu ghi nhận hai loài rùa rõ ràng có liên quan đến ngộ độc rùa biển, đó là rùa đồi mồi (Eretmochelys imbricata) và rùa biển xanh (Chelonia mydas).
Ngoài ra, rùa lưng da (Dermochelys coriacea) và rùa quản đồng (Caretta caretta) cũng có thể gây độc.
Ngộ độc rùa biển là tình trạng nhiễm độc nặng với tỷ lệ tử vong cao. Các ca ngộ độc chủ yếu được quan sát thấy ở khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương nhưng cũng đã được báo cáo ở vùng liên nhiệt đới.
Ban đầu, các triệu chứng ngộ độc sẽ xảy ra ở đường tiêu hóa, sau đó là nhiễm độc thần kinh, gan và thận.
Các triệu chứng ban đầu thường gặp bao gồm ngứa, đau miệng, đau cổ họng, nôn mửa và đau bụng. Ngoài ra, một số người nhiễm độc có thể bị loét miệng, lưỡi, lú lẫn, co giật, hôn mê.
Đặc biệt, khi trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ bị ảnh hưởng do ngộ độc ở người mẹ, trong đó có một số trường hợp tử vong. Vì vậy, những bà mẹ nghi ngờ bị ngộ độc chelonitoxism không nên cho con bú cho đến khi khỏi bệnh.
Trước đó, hôm 9.3, nhà chức trách đảo Pemba, thuộc quần đảo Zanzibar (Tanzania) cho biết 9 người đã thiệt mạng và 78 người phải nhập viện sau khi ăn thịt rùa biển.
Người dân tại quần đảo Zanzibar xem thịt rùa biển là một món ngon, mặc dù trước đây từng có nhiều trường hợp tử vong do ăn loại thịt này.
Các xét nghiệm đều xác nhận tất cả các nạn nhân trên đều đã ăn thịt rùa biển.
Đây không phải là lần đầu tiên phát hiện người chết khi ăn rùa biển. Vào tháng 11.2021, tổng cộng 7 người, trong đó có một đứa trẻ 3 tuổi, đã chết trên đảo Pemba sau khi ăn thịt rùa biển và 3 người khác phải nhập viện.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: suckhoethanhnien247@gmail.com.
Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia... để trả lời cho bạn đọc.
Bình luận (0)