Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thiên Tài, Trưởng Đơn vị Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Lupus ban đỏ hệ thống là một trong những bệnh tự miễn dịch hệ thống thường gặp, nằm trong nhóm với các bệnh lý tự miễn khác như xơ cứng bì, viêm da cơ, bệnh mô liên kết hỗn hợp, thuộc nhóm bệnh lý chuyên khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng.
Lupus ban đỏ hệ thống đặc trưng bởi sự xuất hiện của các tế bào lympho B và T tự phản ứng, chịu trách nhiệm sản xuất ra hàng loạt tự kháng thể bệnh lý nhằm vào các kháng nguyên đích ở trong nhân, bào tương, màng tế bào, các protein nền hoặc trong huyết tương. Các cơ quan hay bị tổn thương bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh… Bệnh thường gặp ở nữ giới, nhiều nhất ở độ tuổi sinh đẻ.
Cho đến nay căn nguyên lupus ban đỏ hệ thống vẫn còn nhiều vấn đề chưa được biết rõ, nhưng nhiều nghiên cứu khác nhau đã gợi ý rằng các yếu tố di truyền, miễn dịch, hoóc môn giới tính và môi trường là những yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh lupus ban đỏ hệ thống.
Tỷ lệ mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống rất khác nhau tùy theo từng nước, từng chủng tộc và thời điểm nghiên cứu. Theo những nghiên cứu gần đây, bệnh có độ lưu hành ước tính trong khoảng 20-150 ca/100.000 dân, riêng ở phụ nữ là khoảng 164-406 ca/100.000 dân. Ở nước Mỹ tỷ lệ mắc bệnh thay đổi từ 15 đến 50/100.000 dân. Tỷ lệ mắc cao nhất ở nhóm người Mỹ gốc Phi.
Về biểu hiện lâm sàng, lupus ban đỏ hệ thống có thể nhận biết với các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ăn uống kém, sụt cân, ban đỏ cánh bướm ở mặt, ban dạng dĩa ở da, da dễ nhạy cảm với ánh sáng, loét miệng, rụng tóc và đau các khớp.
Bên cạnh đó, lupus ban đỏ hệ thống có thể gây tổn thương ở các cơ quan nội tạng như ở thận với tình trạng viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận; ở phổi với tình trạng viêm phổi kẽ, xuất huyết phổi; ở hệ huyết học với tình trạng giảm tiểu cầu, giảm hồng cầu, giảm bạch cầu. Ngoài ra, khi bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây tổn thương thanh mạc sẽ có đặc điểm là tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng ngoài tim…
Trong những năm gần đây, với sự phát triển của y học, đã có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu chứng minh vai trò của việc sử dụng các thuốc corticoide, thuốc ức chế miễn dịch, liệu pháp tế bào gốc… để điều trị lupus nhằm các mục đích hạn chế tử vong, duy trì chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Khi người bệnh lupus ban đỏ hệ thống có yếu tố nguy cơ như phụ nữ trẻ, trong độ tuổi từ 16-40, có các triệu chứng kể trên cần đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng để được kiểm tra, tư vấn, chẩn đoán chính xác bệnh. Từ đó có phác đồ điều trị phù hợp với bệnh và từng giai đoạn của bệnh.
Bình luận (0)