Ngày 27.6, bác sĩ Nguyễn Thụy Trang, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết trong thời gian qua, khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị hít sặc rất nặng, hầu hết trường hợp nguy kịch, thậm chí có ca tử vong trước khi đến bệnh viện.
Cụ thể, các trường hợp hít sặc thức ăn, nước uống hầu hết đều là người cao tuổi. Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 1 - 2 ca, trong đó có nhiều ca hít sặc nặng. Đặc biệt, tuần qua bệnh viện tiếp nhận 2 ca tử vong do hít sặc thức ăn trước khi vào viện.
Bác sĩ Trịnh Hải Hoàng, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết hiện khoa đang điều trị cho 1 trường hợp hít sặc có di chứng tai biến. Cụ thể, cụ ông N.V.N (90 tuổi, ở Vĩnh Long) có di chứng tai biến sinh hoạt nằm tại chỗ. Trong quá trình ăn, cụ N. có biểu hiện hít sặc sốt ho khó thở, tím tái. Bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, phải hỗ trợ thở máy.
Khi nhập viện, các bác sĩ tiến hành nội soi súc rửa phế quản bệnh nhân thấy có nhiều thức ăn bên trong. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn còn đang thở máy và đã tỉnh táo hơn, tim mạch tạm ổn.
Người trẻ tuổi hít sặc do uống nhiều rượu bia
Bác sĩ Nguyễn Thụy Trang cho biết không chỉ người cao tuổi, người mắc bệnh nền mà nhiều người trẻ tuổi cũng có thể hít sặc do uống nhiều bia rượu.
Theo bác sĩ Nguyễn Thụy Trang, đối tượng đáng lưu ý dễ bị hít sặc nhất là người cao tuổi, đặc biệt là người có nhiều bệnh lý nền. Người cao tuổi thường có các triệu chứng như sa sút trí tuệ, đãng trí dẫn đến giảm khả năng phản xạ nuốt.
Người cao tuổi có các di chứng bệnh về não, người sử dụng nhiều thuốc an thần, thuốc ngủ cũng có nguy cơ cao bị hít sặc.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thụy Trang, với một số người trung niên, trẻ tuổi uống rượu bia nhiều có thể dẫn đến rối loạn khả năng nuốt. Trong tình trạng không còn tỉnh táo, không kiểm soát được tình trạng cơ thể khi đang say, nhiều người dễ hít sặc thức ăn hoặc nước uống.
Ngoài những ca bệnh nặng gây nghẹt thở tức khắc, bác sĩ Nguyễn Thụy Trang cũng lưu ý những ca hít sặc thức ăn ít. Nhiều người không chú ý lâu dần thức ăn hoặc dịch sẽ vào phổi sinh ra vi khuẩn. Cần phải vào viện sớm để bác sĩ loại bỏ những dịch trong phổi rất nhiều, nếu để lâu gây ra tình trạng nặng, viêm phổi.
Bác sĩ Nguyễn Thụy Trang lưu ý người chăm sóc cho người cao tuổi ăn cần cho họ nằm nghỉ ít nhất 30 phút. Phải cho người bệnh lúc ăn ngồi thẳng trên ghế, những trường hợp không ngồi được thì nâng đầu giường lên. Ngủ không cúi cằm xuống, điều chỉnh tốc độ ăn (cho bệnh nhân ăn thì xem thử đã nuốt hay chưa), cho ăn luân phiên giữa thức ăn lỏng và thức ăn đặc để nuốt kịp.
Bình luận (0)