Bác sĩ bị tố siêu âm nhầm bệnh

19/03/2012 09:17 GMT+7

Theo đơn của người nhà bà Cao Thị Uyên (SN 1949, ở xã Đồng Hóa, H.Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) gửi Báo Thanh Niên, ngày 19.10.2011, bà thấy đau ở vùng bụng nên nhờ con chở đến Bệnh viện đa khoa H.Tuyên Hóa. Bác sĩ siêu âm Trần Bá Kế (Trưởng khoa khám bệnh, phụ trách siêu âm đen trắng của BV - PV) chẩn đoán bị viêm dạ dày và kê đơn thuốc gồm 4 loại.

Về nhà, bà Uyên uống thuốc đúng theo đơn chỉ định của bác sĩ Kế nhưng không đỡ, đến ngày 22.10.2011 bà đau hơn, người nhà lại chở bà lên viện. Hôm đó ngày nghỉ, không phải ca trực của bác sĩ Kế, người siêu âm là bác sĩ Hải ở Khoa hồi sức cấp cứu chẩn đoán bà Uyên bị vỡ ruột thừa nghiêm trọng. Do các bác sĩ ở BV đa khoa Tuyên Hóa không mổ được nên bà Uyên được chuyển cấp cứu lên tuyến trên và rất may đã mổ ruột thừa vỡ mủ kịp thời.

Trường hợp thứ 2 là anh Mai Thanh Vân ở xã Phong Hóa, H.Tuyên Hóa (con của bà Đinh Thị Cảnh, đã mất vì ung thư dạ dày). Anh Vân cho biết: “Trước khi lên BV Tuyên Hóa đã đưa mẹ đi khám ở thị trấn Ba Đồn (H.Quảng Trạch) và kết quả cho thấy có một khối u trong bụng. Nhưng khi nhập viện Tuyên Hóa, bác sĩ Kế siêu âm lại cho kết quả bị bệnh đường ruột (đại tràng, táo bón - PV) nên nằm điều trị tại đó 1 tuần. Họ toàn truyền nước, rồi hướng dẫn ăn uống này nọ như ăn rau khoai cho dễ tiêu hóa. Nằm mãi không đỡ nên bà được chuyển vào BV hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, tiếp tục điều trị tại đây một thời gian... Về sau, gia đình xin chuyển bà vô BV T.Ư Huế. Kết quả mẹ tôi bị ung thư dạ dày, các bác sĩ ở Huế khám rồi hỏi sao không đưa bà đi sớm”.

Lý giải trường hợp bà Uyên, Phó giám đốc BV đa khoa H.Tuyên Hóa - Lâm Tuấn Phương nói: “Cách đó 3 ngày, bà này có đến BV nhưng lúc đó chưa phải bị ruột thừa. Có thể đau bụng nhưng do bệnh lý khác, đau bụng nhất nhất không phải bị ruột thừa. Ruột thừa là một trong những trường hợp khó siêu âm”. Với bà Cảnh, Giám đốc BV đa khoa H.Tuyên Hóa - Phan Thanh Hải cho rằng: “Tất cả bệnh nhân bị ung thư đại tràng, dạ dày thì đều có biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Siêu âm để phát hiện u hay không rất khó, nhất là đối với dạ dày và ruột vì có thể đó là một khối thức ăn, cần nội soi hay chụp cắt lớp, chứ siêu âm trắng đen bình thường thì chưa dám khẳng định”. Trên thực tế, theo người nhà phản ánh, sau 1 tuần điều trị không khỏi bệnh nên bà Cảnh được chuyển tuyến chứ chẳng hề có khuyến cáo nào liên quan đến ung thư. Ông Phương giải thích: “Thực tế trình độ đội ngũ của BV cũng có hạn, đa số tốt nghiệp chuyên tu ra; toàn BV có 16 bác sĩ nhưng chỉ có 7 người là học chính quy. Hầu hết chúng tôi ở đây đều phải kiêm nhiệm, nhưng đã được cấp chứng chỉ. Siêu âm đào tạo 3 tháng chứ không phải chuyên sâu. Đúng ra bác sĩ siêu âm phải đúng chuyên khoa, được đào tạo bài bản nên không thể tránh khỏi sai sót. Hệ thống máy móc cũng không được hiện đại và siêu âm là lĩnh vực khó. Tuy nhiên năm qua chúng tôi chưa nhận được phản hồi, phản ánh thắc mắc về vấn đề siêu âm”.

Trả lời về chất lượng đội ngũ y tế, ông Trương Đình Định - Phó GĐ Sở Y tế nói: “Thực tế đội ngũ y tế ở Quảng Bình còn nhiều khó khăn, thiếu và chuyên môn chưa sâu nên chúng tôi đang tập trung đào tạo bằng nhiều loại hình, như tuyển các bác sĩ chính quy, đào tạo tại chỗ, theo địa chỉ. Trong y tế vẫn có sai sót nhưng sai sót trong tầm cho phép. Quan trọng là về thái độ, chúng tôi tiếp thu ý kiến về BV đa khoa Tuyên Hóa và sẽ cho kiểm tra, chấn chỉnh”.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.