Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ngộ độc khi tự ý dùng cây thuốc trị bệnh

Lê Cầm
Lê Cầm
21/07/2023 04:08 GMT+7

Nhiều người cho rằng cây thuốc nam thường an toàn lành tính nên tự mua sử dụng, tuy nhiên việc sử dụng sai liều lượng hoặc nhầm loại cây, sai cách bào chế có thể gây nên tình trạng ngộ độc.

Ngộ độc do tự ý sử dụng cây rễ gió, mú từn trị bệnh

Mới đây, người đàn ông 45 tuổi, ở Lạng Sơn, bị đau bụng và ê ẩm người nên được mách mua cây rễ gió về ngâm với rượu uống, sau đó thì ông bị suy thận. Hai ngày đầu, mỗi ngày bệnh nhân nhấm nháp vài chén rượu, sau đó nhai rễ đã ngâm. Rượu có vị rất đắng nhưng vẫn cố uống vì nghĩ có tác dụng chữa bệnh. Đến ngày thứ ba, bệnh nhân xuất hiện bí tiểu, sốt cao, nhập viện địa phương, sau đó chuyển xuống Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán suy thận, phải chạy thận kéo dài hơn chục lần. Đến ngày 16.7, sau hơn một tháng điều trị, bệnh nhân đã ngừng chạy thận, sức khỏe cải thiện hơn, song vẫn phải theo dõi các nguy cơ, diễn biến của bệnh.

Hay như bệnh nhân L.V.X (39 tuổi, trú bản Kẻ Ninh, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) nhập viện Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu với triệu chứng nói nhảm lung tung, quấy phá, nói không đúng chủ đề, lên cơn loạn thần kích thích vật vã, nóng nảy, tay chân khua lung tung.

Theo lời kể của người nhà, anh X. bị đau xương khớp đã lâu, một tuần nay gia đình đun cây Mú Từn tươi để uống. Mỗi ngày, anh X. uống khoảng 1,5 lít. Rạng sáng 14.7, anh X. đang ngủ liền bật dậy nói lảm nhảm lung tung và sau đó quấy phá, lên cơn loạn thần, nóng nảy.

Gia đình đưa bệnh nhân vào Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu cấp cứu. Các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị ngộ độc do uống nước nấu từ cây rừng có tên Mú Từn. Sau khi cấp cứu ban đầu, bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An điều trị.

Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ngộ độc khi tự ý sử dụng cây thuốc trị bệnh - Ảnh 1.

Cây rễ gió có tác dụng chữa bệnh nhưng cũng chứa độc tính

BV NGUYỄN TRI PHƯƠNG

Cẩn trọng độc tính trong các loại cây thuốc nam

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết cây rễ gió thuộc họ Nam mộc hương (Aristolochiaceae). Đây là loại cây leo nhẵn dài hàng mét, rễ hình trụ, màu nâu vàng, lá mọc so le, phiến lá dạng tam giác. Về mặt dược lý, loại cây này có một số hợp chất alkaloid nên có tác dụng kháng viêm, trị đau nhức.

"Tuy nhiên các cây trong họ này đều có độc tính nhẹ, riêng cây rễ gió chứa chất độc là acid aristolochi có thể gây độc cho thận, gây suy thận", tiến sĩ Triết cho hay.

Do đó khi sử dụng các loại cây dược liệu thuốc nam phải đúng liều lượng được khuyến cáo trong Dược điển và giới hạn hàm lượng acid aristolochic.

Về cây mú từn, theo dược sĩ Triết, loại cây này thường được người Thái dùng với tác dụng tăng cường chức năng sinh lý nam. Cây còn có tên gọi khác là Cù Boong Nậu, bắt nguồn từ dân tộc Thái. Đây là loại thảo dược chỉ mọc ở vùng núi có độ cao tương đối hoặc ở các khu rừng sâu.

Cây mú từn đến giờ thì chưa thấy báo cáo về độc tính, tuy nhiên các triệu chứng ngộ độc của bệnh nhân đều thể hiện trên hệ thần kinh, rất có thể là do mua hoặc thu hái không đúng cây. Đối với các loài dược liệu lạ không nên tự ý thu hái và sử dụng vì hình dạng của một số loại cây khá giống nhau, tên gọi lại đôi khi có thể gây nhầm lẫn.

"Người dân không nên tự ý sử dụng các loại cây chữa bệnh, bởi liều lượng và cách sơ chế không đúng cách có thể gây độc tính, thay đổi hoạt tính gây ngộ độc, nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí có thể tử vong. Do đó trước khi sử dụng bất kỳ loại dược liệu nào người bệnh cần được tư vấn hướng dẫn bởi bác sĩ có chuyên môn để phù hợp với sức khỏe, tình trạng...", tiến sĩ Nguyễn Thành Triết khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.