Thạc sĩ - bác sĩ Văn Thị Hải Hà (Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), cho biết: hệ thống tuyến nước bọt của con người chia thành hai nhóm. Nhóm các tuyến nước bọt lớn bao gồm các cặp tuyến mang tai (nằm ở vùng trước dưới tai 2 bên), tuyến dưới hàm (nằm ở vùng dưới hàm 2 bên ), tuyến dưới lưới (nằm vùng dưới lưỡi sàn miệng 2 bên hãm lưỡi); và hàng trăm tuyến nước bọt nhỏ nằm dọc theo đường tiêu hóa và hô hấp trên (niêm mạc mũi, miệng, họng, thanh khí quản, thực quản).
Chiếm khoảng 3-6% các khối u vùng đầu cổ
U tuyến nước bọt hiếm gặp, chiếm khoảng 3-6% các khối u vùng đầu cổ. Tỷ lệ ung thư tuyến nước bọt khoảng 2-3 ca trên 100 000 dân mỗi năm. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tiếp xúc lâu dài với tia xạ liều thấp, bụi gỗ, hóa chất dung trong công nghiệp thuộc da.
Tỷ lệ hóa ác khác nhau giữa tuyến nước bọt lớn và nhỏ. Tỷ lệ ác tính của khối u tuyến mang tai 25%, tuyến dưới hàm 50%, tuyến nước bọt nhỏ 80%. Nhìn chung, 65% ung thư tuyến nước bọt là từ tuyến mang tai, 8% từ tuyến dưới hàm, 27% từ tuyến nước bọt nhỏ.
Vị trí thường gặp nhất của ung thư tuyến nước bọt nhỏ là khẩu cái cứng (vách ngăn giữa khoang miệng và khoang mũi), tiếp theo là ở khoang miệng, xoang cạnh mũi. Vì vậy, triệu chứng ung thư tuyến nước bọt cũng rất thay đổi tùy theo vị trí bị ảnh hưởng.
U tuyến nước bọt hiếm gặp, chiếm khoảng 3-6% các khối u vùng đầu cổ |
shutterstock |
Thường gây liệt mặt, đau trong tai
Đa phần là khối u xuất hiện không có triệu chứng. Nếu u của tuyến mang tai có thể gây liệt mặt, đau nhức vùng trước tai, đau trong tai, đau khi nhai há miệng ngáp, hoặc gây há miệng hạn chế, hạch cổ xuất hiện cùng bên. Khi u phát triển to có thể xâm lấn ra da bên trên gây sần cứng đỏ da.
Nếu khối u của tuyến dưới hàm sẽ là khối cứng không đau ở vùng dưới hàm (nằm ở bờ dưới thân xương hàm dưới 2 bên). Khi phát triển to dần, u có thể gây đau, méo miệng cùng bên , dính vào vùng da tương ứng, hạch cổ to cùng bên.
Đối với khối u tuyến nước bột nhỏ, u có thể xuất hiện dưới dạng khối cứng dưới niêm mạc , có thể có loét bề mặt.
Ung thư tuyến nước bọt cần được đánh giá thêm trên hình ảnh học như siêu âm, CT scan có thuốc cản quang, hay MRI vùng đầu mặt cổ. CT scan, MRI giúp đánh giá vị trí khối u, kích thước, một phần bản chất khối u, xâm lấn ra các cấu trúc kế cận như mô mề, xương, mạch máu.
Đối với ung thư tuyến nước bọt nhỏ, CT scan giúp hỗ trợ thêm trong kế hoạch điều trị như đánh giá mối liên hệ với các cấu trúc xung quanh, mức độ phát triển, đánh giá có khả năng cắt trọn các sang thương xâm lấn hay không. CT scan có giá trị trong đánh giá sự hủy xương, trong khi đó MRI giúp đánh giá xâm lấn thần kinh sọ.
Bình luận (0)