Bác sĩ chia sẻ cách nhận dạng các loại ong và xử trí khi bị ong đốt

Lê Cầm
Lê Cầm
27/07/2023 17:00 GMT+7

Ong đốt có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... nếu không xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết ong bao gồm 2 họ chính là Vespidae (họ ong vò vẽ) và Apidae (họ ong mật). Ong thường làm tổ ở nơi có điểm tựa như nhánh cây, mái nhà. Mỗi đàn ong có chừng vài chục như ong đất, đến vài trăm con như ong vò vẽ hoặc có khi đến vài chục ngàn con như ong mật. Việc nhận dạng được tên loại ong đốt giúp cung cấp thông tin hỗ trợ cho bác sĩ trong quá trình điều trị.

Nhận diện các loại ong

Họ ong vò vẽ (lông trơn) gồm ong vò vẽ, ong đất, ong vàng. Nhóm này có ngòi nọc trơn không ngạnh, có thể đốt nhiều lần.

Ong vò vẽ là loài ăn côn trùng và ấu trùng nhện. Chỉ ong thợ mới đốt người và động vật để tự vệ khi tổ ong bị phá hoặc bị đe dọa. Ong vò vẽ bị thu hút khi người mặc quần áo sặc sỡ, xịt nước hoa, hay bỏ chạy sau khi chọc phá tổ ong.

Bác sĩ chia sẻ cách nhận dạng các loại ong và xử trí khi bị ong đốt - Ảnh 1.

Nọc của ong vò vẽ là một hợp chất có tính axit rất độc

SHUTTERSTOCK

Ong đất tên khoa học là Vespa nigrithorax, còn gọi là ong bắp cày, to hơn thân màu đen, chấm vàng, cuối bụng màu nâu, đầu và ngực có nhiều lông tơ màu nâu vàng. Râu màu nâu nhạt, nhẵn, không có lông. Thường làm tổ ở bụi cây, sát mặt đất trong đống cây mục.

Ong vàng có mình thon nhỏ, thân dài, vàng toàn thân, làm tổ trên cây hoặc dưới mái nhà tranh.

Họ ong mật (lông xù) gồm ong mật (honey bees), ong nghệ (bumble bees) và ong bầu. Ngòi nọc có ngạnh, sau khi cắm vào da vật bị đốt, ngòi nọc không rút ra được và ong bị chết, mỗi ong mật chỉ đốt 1 lần.

Ong mật (honey bees): Đầu lưng có lông xù, bụng trên có khoanh nâu, xen kẽ khoanh đen.

Bác sĩ chia sẻ cách nhận dạng các loại ong và xử trí khi bị ong đốt - Ảnh 2.

Ong mật có ngòi chứa nọc hình răng cưa nên khi đốt chúng mắc luôn vào da để lại ngòi độc tại vết đốt

SHUTTERSTOCK

Ong nghệ (bumble bees): Đầu lưng có lông xù, vùng cổ và lưng trên có màu vàng nghệ, cánh cũng có màu vàng nghệ.

Ong bầu: To tròn, có lông, bay chậm và phát ra tiếng ồn.

Nọc ong đốt nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ Hồ Thanh Lịch - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết nọc của ong vò vẽ là một hợp chất có tính axit rất độc và nguy hiểm, có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... Nếu không xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Ong mật có ngòi chứa nọc hình răng cưa nên khi đốt chúng mắc luôn vào da để lại ngòi độc tại vết đốt. Nếu lấy ngòi độc không cẩn thận sẽ bóp thêm chất độc vào sâu vết đốt. Nguy hiểm và độc tính cao nhất là ong đất hay còn gọi là ong bắp cày, ong vàng, ong vò vẽ.

Bác sĩ chia sẻ cách nhận dạng các loại ong và xử trí khi bị ong đốt - Ảnh 3.

Ong nghệ trên đầu lưng có lông xù, vùng cổ và lưng trên có màu vàng nghệ

SHUTTERSTOCK

Biểu hiện ngộ độc nọc ong

Ngộ độc nọc ong là biểu hiện toàn thân khi nọc ong vào cơ thể gây độc làm phá vỡ các tế bào, tiêu cơ cấp tính làm tắc ống thận. Ong vò vẽ có tuyến giáp chứa độc tố, gây ra cảm giác đau và sưng tại vị trí bị đốt. Các cơ quan bị tổn thương, cuối cùng suy đa phủ tạng. Có trường hợp chỉ một nốt đốt cũng bị tiêu cơ vân cấp hoặc sốc phản vệ. Đôi khi, người bị dị ứng có thể gặp phản ứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm phản ứng ở da, bao gồm phát ban, ngứa và da ửng đỏ hoặc tái nhợt, khó thở, cổ họng và lưỡi sưng phồng, mạch đập nhanh và yếu; buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy; chóng mặt hoặc ngất xỉu; mất ý thức. Khi có một trong các dấu hiệu trên cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.

Cách xử trí khi bị ong đốt

Nếu bị ong đốt, lấy vòi ong nếu có bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra, rửa sạch vùng bị đốt bằng xà bông và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu nổi mề đay, than mệt, tay chân lạnh, tiểu ít, bị ong vò vẽ đốt hơn 10 vết.

"Đề phòng ong đốt bằng cách tránh mặc đồ màu sắc sặc sỡ khi đi chơi du ngoạn miền quê, trong rừng, tránh leo trèo hái trái cây có thể bị tai nạn do té và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong", bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.