Nhờ ông bạn Bùi Hồng Thuỵ là giám đốc của Công ty dịch vụ Vườn thú Đông Dương, tôi mới gặp được tiến sĩ Phan Việt Lâm - Phó giám đốc Thảo Cầm Viên (TCV) Sài Gòn. Vị tiến sĩ từng tu nghiệp tại Đức về ngành thú y này có cái gì đó vừa hiện đại vừa hoang dã. Dường như anh là một người sinh ra để làm bầu bạn với thú rừng. Hơn 25 năm gắn bó với vườn thú giữa đất Sài Gòn này, TS Lâm có cả một kho chuyện rất lý thú về các loài động vật hoang dã, ấn tượng nhất là chuyện về loài thú ăn thịt hung dữ như hổ, sư tử.
Can thiệp chuyện "tế nhị"
Cũng như tất cả các loài động vật trên trái đất này, những con thú dữ cũng cần phải có hoạt động duy trì nòi giống. Và vì không được tự do sinh tồn trong môi trường thiên nhiên hoang dã, nên nhiều khi cán bộ thú y phải can thiệp vào những chuyện thuộc loại… "nhạy cảm" của chúng. Đừng tưởng những "chàng" và "nàng" cọp không biết yêu, trong chuyện "gối chăn", các "cô, cậu" cũng "đòi hỏi" các "điều kiện khách quan" ra phết! "Những loài vốn có tập tính tự nhiên và sống riêng lẻ như hổ, sư tử, báo... mà sống hòa thuận với nhau trong thời gian dài sẽ không có khả năng sinh sản do quá quen nhau, mất đi sự kích thích sinh dục cần thiết. Bản chất hung dữ của con đực hoặc con cái cũng cũng làm ảnh hưởng đến việc phối giống.
Vì vậy chúng tôi phải tìm cách xử lý…", tiến sĩ Lâm kể. Ở TCV Sài Gòn đã có các trường hợp mà "chàng" và "nàng" hổ làm cán bộ thú y rất "đau đầu": Có những lúc "chàng" chiụ ve vãn thì "nàng" lại phản ứng quyết liệt, "ghét cái mặt", không chịu; Lần khác "nàng" tỏ ra thân thiện, chịu "tiến tới hôn nhân" thì chàng lại chơi trò… bạo lực, đánh nàng tơi tả… Gặp những tình huống "cơm không lành, canh không ngọt" của những cặp đôi… hoang dại này, thì buộc phải có "sự dàn xếp" của người thứ ba, cán bộ thú y dùng đến thuốc an thần để làm dịu các phản ứng thái quá, giúp chúng trở nên thân thiện và có nhu cầu "ân ái" thật sự!
Chưa hết, trong số những câu chuyện về các "cô, cậu" hổ, còn có vài chuyện thuộc loại khó tin và khiến người nghe phải… bật cười. Ví dụ như TS Lâm tiết lộ chuyện một con hổ đực 14 tuổi mà TCV nhập về từ một vườn thú ở Sigapore đã có hành vi… "tự xử". Công nhân nuôi thú thường quan sát thấy nó tự làm chảy rất nhiều tinh dịch khi nhốt cạnh chuồng con cái cách nhau một hàng rào lưới. Sự "rối loạn hành vi sinh dục này" phải được các các bộ thú y "làm dịu" bằng việc điều trị kháng nội tiết sinh dục nam (Antiandrogen).
|
Trong môi trường nuôi nhốt, khả năng duy trì nòi giống của hổ, sư tử, hay bất kỳ loài thú nào cũng hạn chế hơn rất nhiều so với nơi hoang dã. Từ năm 1975 đến nay, mấy lần 2 con hổ Amua của TCV Sài Gòn sinh sản đã thất bại. Tuy nhiên, việc cho thú dữ họ mèo nói chung hay sư tử, hổ, báo sinh sản hay không cũng phải cân nhắc kỹ. Những con thú họ mèo có giá trị di truyền thì các bác sĩ thú y đôi khi phải áp dụng biện pháp… ngừa thai tạm thời bằng cách cho uống, tiêm bắp hoặc cấy dưới da thuốc ngừa thai rogesterone. Nhưng biện pháp cơ học và được cho là tối ưu là nhốt riêng. Thậm chí có một số trường hợp mà chúa tể sơn lâm cũng buộc phải "triệt sản" bằng phương pháp cắt bỏ buồng trứng tử cung, thắt ống dẫn trứng đối với hổ cái, còn chàng hổ thì cũng phải lên bàn mổ để thắt ống dẫn tinh, hoặc xử lý "hộp số" của mình…
Đỡ đẻ cho… cọp, beo, sư tử
Trong hơn 20 năm qua, đã có hàng chục sư tử con ra đời từ TCV, vì lý do đã nêu mà tỷ lệ sư tử đẻ khó là khá cao, cần phải can thiệp đẻ để lấy con ra ngoài hoặc thai chết lưu. Thậm chí, nhiều sư tử cái không còn khả năng tự đẻ bình thường mà mỗi lần đẻ đều phải can thiệp mổ. |
|
Theo TS Phan Việt Lâm, ở TCV Sài Gòn những ca đẻ khó thường xảy ra với sư tử cái do chúng đã thoái hóa nhiều vì cận huyết. Lai lịch của sư tử ở TCV Sài Gòn cũng khá thú vị, chúng là hậu duệ của sư tử đoàn xiếc Trung ương. "Nguyên là khi cụ Hồ sang thăm CHDC Đức vào năm 1960, Chính phủ nước bạn có tặng cho cụ một cặp sư tử. Rồi từ cặp sư tử này đã sinh ra những con sư tử sau đó cung cấp cho các đoàn xiếc VN. Vào năm 1980, những con sư tử đầu tiên thuộc hậu duệ của hai con sư tử kể trên được chuyển giao cho TCV Sài Gòn. Vì thế, những con sư tử ra đời ngày càng thoái hóa do bị cận, đồng huyết", TS Lâm nói.
Trong hơn 20 năm qua, đã có hàng chục sư tử con ra đời từ TCV, vì lý do đã nêu mà tỷ lệ sư tử đẻ khó là khá cao, cần phải can thiệp đẻ để lấy con ra ngoài hoặc thai chết lưu. Thậm chí, nhiều sư tử cái không còn khả năng tự đẻ bình thường mà mỗi lần đẻ đều phải can thiệp mổ. "Sư tử đẻ 10 lần thì có 9 lần phải mổ", TS Lâm cho biết. Phần lớn thú họ mèo đẻ vào ban đêm nên cán bộ thú y phải thức để canh chừng khi thú đẻ để kịp can thiệp những ca đẻ khó. Từ khi đến công tác tại TCV đến nay, TS Phan Việt Lâm đã trực tiếp đỡ đẻ hàng chục ca cho sư tử, hổ, báo… Nhờ anh, đã có rất nhiều thú con, đặc biệt là hàng chục sư tử ra đời tại vườn thú này.
Khám chữa bệnh
Thú dữ cũng có đủ thứ bệnh như con người, trong môi trường tự nhiên thì chúng tuân theo quy luật "mạnh sống, mống chết", tự dùng bản năng và lá rừng để chữa bệnh. Về với vườn thú, cây lá trong chuồng chỉ để… làm cảnh, thế nên khi "chúa sơn lâm" bị bệnh thì cũng phải đến bác sĩ như ai. Cọp, beo, sư tử cũng có những bệnh thường gặp hoặc thuộc loại "độc" như con người. Lúc đó những bác sĩ thú y phải khám lâm sàng, hay dùng các phương pháp khám nghiệm khác như chụp X quang, siêu âm, nội soi để chẩn bệnh và điều trị. Đây là một công việc đặc biệt "Thường là rất khó khám cho thú họ mèo nếu không gây mê hoặc cố định chúng. Kỹ thuật gây mê là một phần khó trong toàn bộ chương trình thú y ở các loài thú hoang dã họ mèo" -TS Lâm cho biết. Để gây mê một con hổ thì phải bỏ đói chúng 24 tiếng hoặc lâu hơn và không cho uống nước ít nhất 12 tiếng trước đó. Sau đó, cán bộ thú y phải đưa được hổ vào chuồng ép, tiêm thuốc mê với liều lượng được cân nhắc kỹ lưỡng để hạn chế những tổn hại đến sức khỏe của con vật và đảm bảo sự an toàn tuyệt đối khi họ khám chữa bệnh cho chúng.
Ở TCV Sài Gòn kể từ sau năm 1975 đến nay có tất cả 15 con hổ. Trong đó có 3 hổ Amua, 8 hổ Đông Dương, 1 hổ Nam Dương và gần đây nhất là 2 con hổ trắng thuộc phân loài Bengal do Công ty cổ phần đầu tư - tư vấn xây dựng và dịch vụ du lịch Vĩnh Phú CMT nhập về bán lại cho TCV. Với hổ, bệnh răng miệng và móng quặp rất phổ biến. Nhất là những con hổ già, việc khám răng miệng ngày càng trở nên rất quan trọng để tránh các các hư hỏng về răng có thể dẫn đến những căn bệnh hệ thống. Khám răng gồm: xem cấu trúc răng tìm sâu răng, sứt mẻ và nha chu. Việc chăm sóc răng miệng cho hổ ở TCV có lẽ còn chu đáo hơn so với một số người bình thường, được cạo men, đánh bóng răng định kỳ. Hổ Đông Dương ở TCV khi đến tuổi 16 thường mắc phải bệnh móng quặp vào gan bàn chân gây chảy máu. Lúc đó, cán bộ thú y phải gây mê cắt móng quặp, thậm chí phải mổ tháo móng… Và như thế, theo định kỳ là 6 tháng/lần, các "cô, cậu" hổ lại được "làm móng" bởi các… nail thú y.
Ai cũng có thể có những vấn đề về sức khỏe, hổ, sư tử và các loài thú họ mèo khác đều có thể mắc 1001 loại bệnh tật, chúng cũng cần được chăm sóc bởi những người mang tên: bác sĩ thú y.
Quang Viên
Bình luận (0)