Bác sĩ cũng sốc: Mới 14 tuổi, bé gái bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

18/04/2019 16:49 GMT+7

“Mới 14 tuổi, vừa có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, bé gái đã được phát hiện bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Thật là khủng khiếp! Đây là trường hợp đầu tiên xô đổ mọi kỷ lục về tuổi bị loại ung thư này”.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết thông tin trên.
Bệnh nhân T.T.B.T (14 tuổi, ngụ Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đang có kinh nguyệt kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, kỳ kinh lại kéo dài đến hai tuần. Thấy con gái da xanh xao, đau bụng nên phụ huynh đã cho bé đến bệnh viện ở địa phương để khám. Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện… khối u to ở cổ tử cung.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) khám và được chẩn đoán ung thư cổ tử cung và chuyển sang Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Hôm nay (18.4), bác sĩ Tiến cho biết: Hình ảnh MRI cho thấy cổ tử cung của bệnh nhân có khối u rất to xâm lấn hoàn toàn cơ tử cung, lan ra chu cung hai bên, xâm lấn bàng quang, xâm lấn xuống gần hết âm đạo trên 10 cm, giãn niệu quản, thận ứ nước.
Bệnh nhân được xác định ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.
Bé T. được mổ khẩn nhưng thất bại vì khối u lan quá rộng qua các cơ quan: xâm lấn toàn bộ tử cung, bàng quang, vách chậu hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ bụng thành khối.
Theo bác sĩ Tiến, ung thư cổ tử cung trên 95% thường có nguyên nhân là lây nhiễm HPV do quan hệ tình dục. “Do đó câu hỏi vì sao bé gái mới có kinh nguyệt lần đầu, chưa từng quan hệ mà lại bị ung thư tử cung giai đoạn cuối, liệu bệnh có do di truyền hay một nguyên nhân nào khác thực sự rất hóc búa”, bác sĩ Tiến nhận định.
Bác sĩ Tiến cho biết, tại Mỹ có thống kê ung thư cổ tử cung trong độ tuổi 15 -19 tuổi chỉ là 14 trường hợp mỗi năm (tỉ lệ 0,15/100.000 phụ nữ) và trong độ tuổi 20 - 24 tuổi là 125 trường hợp mỗi năm (tỉ lệ 1,4/100.000 phụ nữ).
Nguyên nhân chính vẫn được cho là nhiễm HPV, có thể là nhiễm từ mẹ lúc mới sinh.
“Còn yếu tố di truyền thì rất hiếm. Đến nay, y học vẫn chưa xác định được yếu tố di truyền trong ung thư cổ tử cung. Người ta chỉ thấy một số người trong gia đình có vấn đề liên quan đến đào thải HPV (Đào thải HPV là việc người nhiễm HPV nhưng không chuyển thành nhiễm mạn tính. Những người không đào thải được HPV sẽ bị nhiễm mạn tính và tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung).
Như vậy, bé này có bị đột biến gien liên quan đến việc đào thải HPV hay không thì vẫn chưa biết vì hiện nay các nhà khoa học vẫn còn đang trong qua trình tìm kiếm và xác định các gien có liên quan đến điều hòa miễn dịch và dung nạp miễn dịch với HPV”, bác sĩ Tiến đánh giá ca bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.