|
Đỗ Hồng Ngọc được bạn đọc biết đến trước tiên là một nhà thơ qua thi phẩm Tình người xuất bản cách đây hơn 45 năm (1967) và tiếp đó là tập Thơ Đỗ Nghê (1973), cùng các sáng tác đăng trên tạp chí Bách Khoa, Mai, Văn ở Sài Gòn thời ấy. Mối “duyên văn nghệ” đậm nét nhất là vào năm 1965, lúc ông 25 tuổi, đang học Đại học Y khoa Sài Gòn, trong một đêm thực tập tại nhà thương Từ Dũ, đã thực hiện ca đỡ đẻ đầu tiên trong đời mình, vừa với thao tác của một sinh viên ngành y sắp ra trường, vừa với một trái tim nghệ sĩ bồi hồi khi đón nhận một cháu bé mới ra đời. Sau ca trực, ông đã viết liền một mạch bài thơ Thư cho bé sơ sinh với những câu mở đầu: “Khi em cất tiếng khóc chào đời/Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười/Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc/Trong cùng một cảnh ngộ nghe em...”. Bài thơ phổ biến nhanh chóng trong giới sinh viên và nữ hộ sinh Sài Gòn thời ấy, rồi lan tỏa ra ngoài được bạn đọc yêu thơ đón nhận. Sau này nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã phổ nhạc bài thơ trên.
Sau ngày tốt nghiệp y khoa đại học đường Sài Gòn (1969), ông tiếp tục sáng tác và xuất bản khoảng 30 tác phẩm. Ở buổi giao lưu, nhân phát hành hai tập sách của ông: Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác (NXB Hội Nhà văn), Thiền và sức khỏe (NXB Thời Đại), ông đã nói rõ hơn về quá trình sáng tác của mình. Đặc biệt sau ngày ông bị tai biến đột ngột suýt chết, khi tỉnh lại ông hướng về Tâm kinh Bát nhã Ba-la-mật-đa và tự mình dựa vào phương pháp thiền quán để “điều chỉnh và làm chủ” hơi thở đem lại an vui, sức khỏe. Những bài thơ cùng các điều liên quan đến hơi thở và thiền nằm trong hai cuốn sách nêu trên vừa in xong và ra mắt tại buổi giao lưu.
Giao Hưởng
>> Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: Thà có trái tim đau yếu vì tình yêu còn hơn có trái tim... lãnh cảm!
Bình luận (0)