Bác sĩ gia đình đến tận nhà khám bệnh giúp giảm tải bệnh viện

Chiếc xe cấp cứu dừng trước một con hẻm trên đường Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh. Nhóm y, bác sĩ vào nhà bệnh nhân trong sự ngạc nhiên của chủ nhà: “Ủa, bác sĩ hẹn 10 giờ mà sao 9 giờ 30 đã đến”.

Sáng 8.11, điều dưỡng Lê Thị Thanh Lang, Khoa Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM, vào viện sớm hơn mọi khi. Cô chuẩn bị dụng cụ y tế, thuốc cấp cứu, thuốc giảm đau sẵn sàng trong ba lô...
Đúng 9 giờ 15, Thanh Lang mang ba lô ra xe cấp cứu đợi để cùng bác sĩ Lê Văn Đạt Nhân, Phó khoa Chăm sóc giảm nhẹ, đến thăm khám nhà bệnh nhân...
Tận tình, chu đáo
Chiếc xe cấp cứu dừng trước một con hẻm trên đường Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh. Nhóm y, bác sĩ vào nhà bệnh nhân trong sự ngạc nhiên của chủ nhà: “Ủa, bác sĩ hẹn 10 giờ mà sao 9 giờ 30 đã đến”.
Sau màn chào hỏi ngắn gọn, nhóm y, bác sĩ bắt tay ngay vào việc khám cho bệnh nhân là bà tên Lê Thị N. (khoảng 90 tuổi). Bà N. bị choáng, không thể đi lại nên gia đình mong muốn bác sĩ chăm sóc tốt hơn.
Bà N. nằm trên giường, nhờ người nhà đỡ ngồi dậy chào bác sĩ. Bà nhận ra vị bác sĩ lần này không phải người đã khám cho bà lần trước. Điều dưỡng Thanh Lang đo huyết áp, kiểm tra các chỉ số của bệnh nhân. Trong lúc đó, bác sĩ Nhân thăm khám, thông báo tình trạng bệnh và dặn dò người nhà bệnh nhân về việc sẽ điều chỉnh thuốc để bà N. giảm chóng mặt và ăn ngon, giảm đau nhức...
Tổng thời gian thăm khám cho bà N. khoảng 30 phút, sau đó cả nhóm lại ra xe đến nhà một bệnh nhân khác trên đường Đặng Văn Ngữ (Q.Phú Nhuận).
Bác sĩ Nhân cho biết trung bình mỗi tuần khoa chăm sóc giảm nhẹ đến nhà khoảng 20 bệnh nhân và công việc này đã làm từ năm 2012 đến nay. “Đến nhà bệnh nhân thì có thời gian lắng nghe, chia sẻ, tư vấn cho người bệnh kỹ càng hơn”, bác sĩ Nhân nói.
Tại BV Q.2 (TP.HCM), từ khoảng 4 - 5 năm nay, ngoài việc khám tại nhà theo yêu cầu ưu tiên cho người bệnh đi lại khó khăn, BV còn triển khai khám chuyên khoa, khám di chúc.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Q.2, cho biết khám chuyên khoa BV phải đưa 3 bác sĩ, điều dưỡng, dụng cụ máy móc đến tận nhà người dân trên địa bàn, làm giấy tờ pháp lý, giá mỗi lần như vậy là 2 triệu đồng. Còn khám thông thường thì mỗi lần chỉ 200.000 đồng, thuốc men bệnh nhân đến BV nhận và được bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định. “Ý nghĩa của việc khám tại nhà là giúp người bệnh khó khăn trong đi lại và không phải đến BV để chờ đợi, qua đó cũng giúp giảm tải ở BV”, bác sĩ Khanh nói.

Bác sĩ Nhân khám cho bệnh nhân
Cần nhân rộng
Tại Hà Nội, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế, thành phố đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình với sự tham gia của y tế công, phòng khám tư nhân đủ điều kiện nhằm thuận lợi hơn cho người dân chăm sóc sức khỏe. “Trung tâm y tế H.Sóc Sơn đã triển khai hiệu quả mô hình này”, bà Nhị Hà đánh giá.
Cụ thể, 26 trạm y tế xã và 4 phòng khám đa khoa của H.Sóc Sơn đều triển khai phòng khám bác sĩ gia đình. Hiện mô hình triển khai theo 3 hình thức: phối hợp với trạm y tế xã, với phòng khám tư nhân và đặt tại BV tuyến tỉnh, huyện, lồng ghép với công tác khám chữa bệnh hằng ngày.
Đặc biệt, Trung tâm y tế H.Sóc Sơn đã thành lập tổ y tế chăm sóc người bệnh đến tận hộ gia đình. Các tổ y tế có trách nhiệm chăm sóc người bệnh tại hộ gia đình theo nguyên lý: chủ động chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh nặng, mạn tính, các bệnh tuổi già; cấp cứu các trường hợp bệnh nặng theo yêu cầu; tất cả các trường hợp đều được lập hồ sơ quản lý theo hộ gia đình. Mỗi trạm y tế xã và phòng khám đa khoa đều có tổ y tế chăm sóc người bệnh tại nhà để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân địa phương. Tuy nhiên, bà Hà cũng nhìn nhận địa bàn thành phố vẫn ít BV công thực hiện mô hình khám bệnh, chăm sóc sức khỏe tại nhà.
PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, thành viên của ban soạn thảo và triển khai đề án Bác sĩ gia đình (Bộ Y tế), cho rằng việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi cấp bách nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở. “Triển khai mô hình bác sĩ gia đình giúp hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân và góp phần giảm quá tải BV tốt hơn”, ông Tường nói.
Bộ Y tế cũng nhìn nhận, so với nhu cầu thực tế và mô hình bệnh tật, số lượng người dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe một cách toàn diện, liên tục và được khám sàng lọc tại phòng khám bác sĩ gia đình đang còn khiêm tốn. Người dân chưa hiểu biết về mô hình này nên chưa quan tâm đến việc quản lý sức khỏe, khám sàng lọc phát hiện bệnh tật mà chỉ đến khi có dấu hiệu bệnh tật.
“Cần xây dựng quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình trong quá trình quản lý bệnh nhân. Các địa phương cần cung cấp đến cộng đồng về mô hình bác sĩ gia đình, giúp người dân hiểu và tin cậy vào các phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế”, ông Tường nói.
Theo Bộ Y tế, hiện có 240 phòng khám bác sĩ gia đình tại 6 tỉnh, thành phố được thành lập, đã thực hiện thanh toán BHYT. Các phòng khám này thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Đến nay, các phòng khám đã thực hiện 3.812 ca cấp cứu; khám chữa bệnh cho 807.720 lượt người bệnh; hàng trăm ngàn người đang được quản lý hồ sơ sức khỏe và khám sàng lọc phát hiện bệnh; hàng ngàn ca đã được chuyển tuyến điều trị.
“Bộ sẽ xây dựng các gói dịch vụ y tế tại các phòng khám bác sĩ gia đình để bảo hiểm y tế thanh toán, các phòng khám bác sĩ gia đình cung ứng được nhiều dịch vụ hơn nữa đảm bảo quyền lợi cho người dân”, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.