Bác sĩ gia đình là ai?: 'Dễ thì nuốt, khó thì... nhả cho đồng nghiệp'

20/09/2016 08:01 GMT+7

Có những bác sĩ gia đình (BSGĐ) cho biết họ từng bị chính đồng nghiệp hiểu lầm, dùng những từ ngữ không hay khi đánh giá công việc của mình.

Dễ mang tiếng “giành giựt bệnh nhân”


Là nhà tâm lý, thậm chí là luật sư…
Bên cạnh chuyên môn về y khoa, BSGĐ còn phải nắm thật vững một số lĩnh vực khác. “Bạn phải là một nhà tâm lý, thậm chí là luật sư bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho bệnh nhân nữa. Chẳng hạn, khi đụng đến việc chi trả BHYT, bạn phải nắm luật để lỡ có ai ‘ăn hiếp’ bệnh nhân của mình thì lấy luật ra xử lý”, một bác sĩ gia đình cho biết.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng - Trưởng bộ môn Y học gia đình Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, dí dỏm: “Khi tôi để phòng khám BSGĐ là tôi run gần chết vì bước vô không biết bệnh nhân là bà bầu, con nít hay người già, có thể là mọi lứa tuổi và mọi vấn đề. Vì vậy, cách tiếp cận chuyên môn, kỹ năng lâm sàng của BSGĐ hoàn toàn khác, phải rất nhạy bén, có khả năng đánh giá vấn đề này cấp tính, nguy kịch không, hay là trong phạm vi chuyên môn của mình”.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng - Trưởng bộ môn Y học gia đình Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từng là bác sĩ chuyên khoa thận tại một bệnh viện ở TP.HCM. Sau đó, ông quyết định chuyển hướng sang y học gia đình và đã trải qua 3 năm làm nghiên cứu sinh về chuyên ngành này tại Bỉ.
Chia sẻ về sự chuyển hướng này, bác sĩ Hiệp nói: “Mặc dù thu nhập bên đó rất tốt nhưng làm lâu dài, tôi thấy căng thẳng lắm và nhất là không tìm hiểu, mở mang được nhiều vấn đề. Do vậy, tôi đã thoát ra theo hướng tăng cường y tế cơ sở lên”.
Theo bác sĩ Hiệp, khi làm đúng mô hình BSGĐ thì cái lợi cực kỳ lớn ở VN chính là góp phần làm giảm tải bệnh viện. Còn ý nghĩa sâu xa hơn nữa về mặt kinh tế là mô hình BSGĐ sẽ làm giảm nghèo. Bởi vì, một khi hướng dự phòng phát triển, mô hình BSGĐ trong mạng lưới hoạt động tốt thì sẽ sàng lọc bớt, ít có bệnh nặng, ít người lên tuyến trên.
Bác sĩ Hiệp cho biết thêm: Ở nước ngoài hầu như người dân nào cũng đều có một BSGĐ cho mình. Khi bệnh nhân đó có vấn đề nhập viện, người ta sẽ hỏi liền BSGĐ của họ là ai. Người này chỉ cần nói tên, nói số của mình thì bệnh viện sẽ tìm ra thông tin của họ ngay và biết được những dữ liệu quý giá liên quan đến bệnh tình của họ.
“BSGĐ và bác sĩ chuyên khoa cần phối hợp và hiểu nhau. Nếu không sẽ rất nguy hiểm trong việc thực hành chuyên môn hoặc dễ gây ra tình trạng là giành giựt bệnh nhân. Bởi khi BSGĐ khám có nghĩa là bác sĩ chuyên khoa không khám, tức là không có thu nhập trên cái khám đó. Nhưng đồng nghiệp phải hiểu là ổng theo dõi căn bệnh này, khi nào có vấn đề thì sẽ giới thiệu cho mình”, bác sĩ Hiệp nói.
Bác sĩ Hiệp thẳng thắn nhìn nhận: Chính tôi cũng là người đã gặp tình huống nhạy cảm. Một bác sĩ chuyên khoa nói với tôi: ‘Ông Hiệp khôn quá! Cái gì dễ thì ông làm, còn gì khó nuốt mới đưa tôi!’. Khi đó, tôi giải thích: ‘Bạn điều trị nội tiết được nhưng những bệnh khác, bạn có điều trị được không? Và cả việc quản lý hồ sơ sức khỏe bệnh nhân này, bạn cũng đâu làm được? Còn chức năng của tui nó khác, chứ không phải chọn gì dễ để làm’.
Theo bác sĩ Hiệp, BSGĐ phải có nền tảng là bác sĩ đa khoa và phải được đào tạo thêm sau đại học. Bác sĩ Hiệp thông tin thêm: Tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong quá trình 6 năm học y đa khoa, sinh viên bắt buộc phải học 2 tín chỉ về BSGĐ. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về y học gia đình (3 tháng) cho các bác sĩ đa khoa đang công tác tại các cơ sở y tế . Cao hơn nữa là lớp định hướng chuyên khoa 10 tháng và đầu vào cũng phải là bác sĩ đa khoa (bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ y tế dự phòng không phải là đối tượng học lớp này)…
Bệnh nhân chờ đến lượt khám bệnh tại một phòng khám BSGĐ ở TP.HCM Ảnh: Lương Ngọc

Chưa trọn vẹn
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng: Một khi thiết lập tốt mối quan hệ giữa BSGĐ với các bác sĩ chuyên khoa khác thì người lợi đầu tiên là bệnh nhân. Bởi vì, các bên trao đổi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để có hướng điều trị phù hợp. Song song đó, các bác sĩ cũng được lợi về nâng cao chuyên môn, còn nhà quản lý thì có thể kiểm soát được sự hội chẩn, chuyển tuyến một cách hiệu quả...
Thế nhưng, hiện nay việc thiếu tính liên kết thông tin chuyển tuyến lại là phổ biến giữa BSGĐ và các chuyên khoa khác.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Ở nhiều nước, mọi người đăng ký bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu đều ở BSGĐ. Bệnh viện chỉ là nơi điều trị bệnh nhân theo yêu cầu của BSGĐ nơi đăng ký BHYT. Ông nói thêm: “Ở nước ngoài, nếu bệnh nhân nhập viện điều trị thì phải có giấy giới thiệu của BSGĐ. Đến khi bệnh nhân xuất viện, bệnh viện phải báo thông tin về cho BSGĐ”.
So sánh tình hình thực tế, bác sĩ Lê Trường Giang nhận xét: “Việt Nam đang triển khai thực hiện mô hình BSGĐ chứ hiện nay chưa thật sự là mô hình BSGĐ. Chúng ta đừng ảo tưởng và đòi hỏi sẽ có ngay một mô hình này mà phải qua quá trình đào tạo dần, liên kết dần, thiết lập dần,… phải có thời gian 5-10 năm mới quen được”.

Theo bác sĩ Lê Trường Giang, mô hình BSGĐ ở các bệnh viện quận, huyện hiện nay là mô hình “chưa trọn vẹn”, bởi sự gắn kết giữa bác sĩ với bệnh nhân, giữa bác sĩ với tuyến trên chưa đạt được mức độ như mong muốn.
Theo quy định của Bộ Y tế, mô hình phòng khám BSGĐ bao gồm: Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; Phòng khám BSGĐ tư nhân (bao gồm cả phòng khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính có nhu cầu hoạt động theo mô hình phòng khám BSGĐ); Phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện (bệnh viện nhà nước).
Tuy nhiên, trên thực tế, các trạm y tế phường xã và phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân vẫn chưa thực hiện BHYT.
Một bác sĩ gia đình tại TP.HCM tâm tư: “Dù chủ trương mô hình phòng khám BSGĐ là giảm tải cho bệnh viện mà phải lên quận, huyện mới có thuốc BHYT, điều đó khiến người dân vẫn đổ xô lên các tuyến trên”. Vị bác sĩ này nêu ý kiến: “Nếu như có cơ chế cho bác sĩ phòng mạch thực hiện BHYT thì người dân sẽ hưởng được lợi rất nhiều. Người này sẽ chăm sóc, chịu trách nhiệm khám bệnh ở phường, khu phố của mình. Thay vì ổng chích thuốc, cho thuốc uống không ai kiểm soát thì bây giờ ổng cho toa thuốc của BHYT, có chỉ định rõ ràng và nguồn gốc thuốc rõ ràng”.

tin liên quan

Nhân rộng bác sĩ gia đình
Sáng 4.3, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2016 - 2020.

Dự phòng hướng tới người lành
“Trước đây tôi là bác sĩ hồi sức cấp cứu, sau này chuyển sang bác sĩ gia đình. Tôi nhận thấy đa số những người bệnh vô tới hồi sức cấp cứu thì đa phần bệnh nặng, giai đoạn cuối hay những bệnh lý kịch tính. Trong khi đó, đây là những bệnh có thể dự phòng được. Thêm nữa, những người bệnh nặng khi chuyển về nhà nếu không có BSGĐ tốt để chăm sóc, sẽ khiến thời gian nhập viện và thời gian ổn định kéo dài hơn, làm tăng chi phí, gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu là việc của BSGĐ. Nếu như bệnh phức tạp hơn, sâu hơn thì chuyển chuyên khoa, khi nào dứt điểm hoặc ổn thì sẽ chuyển về lại cho BSGĐ. BSGĐ đúng nghĩa là phải theo hướng dự phòng hướng tới người lành”, một BSGĐ chia sẻ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.