Định giá dịch vụ
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 21/2024/TT-BYT (sau đây ghi tắt là Thông tư 21) quy định phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB), làm cơ sở pháp lý để triển khai việc xác định giá dịch vụ KCB theo danh mục dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành, phù hợp đặc thù cung ứng dịch vụ KCB tại các cơ sở y tế. Thông tư áp dụng từ ngày 17.10.2024.
Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá KCB theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng, Thông tư 21 hướng dẫn: giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành, chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng sang mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng.
Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt giá KCB cho 5 bệnh viện hạng đặc biệt và 10 bệnh viện hạng 1. Các địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện phê duyệt giá theo mức lương 2,34 triệu đồng cho cơ sở KCB trên địa bàn không cao hơn mức giá cao nhất của các dịch vụ do Bộ Y tế quy định.
Về tác động điều chỉnh giá dịch vụ KCB tăng theo mức lương cơ sở, Bộ Y tế đánh giá: Với quỹ BHYT, hằng năm quỹ có chênh lệch thu chi và vẫn có lũy kế kết dư; đồng thời số thu quỹ BHYT tăng do điều chỉnh mức lương cơ sở thường sớm hơn việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB, do đó quỹ BHYT đủ khả năng cân đối.
Về tác động điều chỉnh tăng giá dịch vụ với người có tham gia BHYT, trong đó, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội không bị ảnh hưởng do được quỹ BHYT thanh toán 100%.
Với những người có thẻ BHYT phải đồng chi trả ở mức 20% hoặc 5%, phần đồng chi trả tăng thêm không nhiều và có khả năng chi trả vì thu nhập của họ cũng được tăng theo tiền lương cơ sở.
Với những người chưa có thẻ BHYT (hiện khoảng 8% dân số), điều chỉnh giá dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ KCB.
Bác sĩ giỏi hỗ trợ tuyến dưới
Thông tư 21 cũng quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, phương tiện và nhân lực theo quy định của pháp luật về KCB, cơ sở KCB khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu phải đáp ứng thêm các yêu cầu sau đây: bảo đảm số giường bệnh để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20% so với tổng số giường bệnh thực hiện bình quân của năm trước liền kề; trừ số giường bệnh theo yêu cầu được bố trí khu vực riêng hoặc độc lập không lẫn với các giường bệnh thông thường tại các khoa, phòng do đơn vị đầu tư từ nguồn vốn vay, huy động, liên doanh, liên kết, đầu tư theo phương thức đối tác công tư; mua sắm đầu tư từ quỹ phát triển sự nghiệp hoặc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.
Các bệnh viện cần bảo đảm các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỷ lệ thời gian nhất định (tối thiểu 70%) để KCB cho người bệnh có thẻ BHYT; người không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu; và hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới.
Bệnh viện phải công khai, minh bạch danh mục, mức giá và khả năng cung ứng dịch vụ KCB để người dân, người bệnh biết, lựa chọn sử dụng dịch vụ trên cơ sở tự nguyện; bảo đảm người bệnh được KCB theo đúng phác đồ điều trị đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện cần đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá dịch vụ KCB trong trường hợp giá dịch vụ KCB có các yếu tố hình thành giá biến động tăng hoặc giảm.
Bình luận (0)