Không chỉ đôi chân, mà còn hồi phục “cái đầu” cho Tuấn Anh
* Xin chào, ông không phiền chứ nếu tôi xin phép đi thẳng vào vấn đề mọi người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang quan tâm nhất là chấn thương của Tuấn Anh?
Bác sĩ Choi Ju-young: Khi Tuấn Anh sang Hàn Quốc, chúng tôi sử dụng phim MRI ở quân y viện 108 Hà Nội mà không chụp thêm. Tại đấy, chúng tôi đã đưa “Nhô” đi gặp 2 bác sĩ hàng đầu Hàn Quốc chuyên về gối ở 2 bệnh viện, để đối chiếu kiểm tra chính xác nhất.
Cả 2 bác sĩ có kết luật giống nhau 100% rằng dây chằng gối của Tuấn Anh bị hư nhiều rồi. Sụn cầu của em cũng bị tổn thương rất nhiều. Tôi và 2 bác sĩ cùng có chung suy nghĩ không phẫu thuật không được. Nếu để yên sẽ không tốt cho cầu thủ.
Nhưng Tuấn Anh đã mổ nhiều rồi nên sợ vì từng thất vọng nhiều lần trước đó. Qua trao đổi, tôi muốn cho “Nhô” thời gian thoải mái để tập hồi phục và kiểm tra lại trước khi quyết định có lên bàn mổ hay không. Còn quyết định thuần chuyên môn là sẽ phải mổ.
* Ấn tượng đầu tiên của ông khi gặp “Nhô” là thế nào?
Bác sĩ Choi Ju-young: Khi gặp “Nhô” tôi sợ nhất là suy nghĩ của cậu ấy. Bạn biết không, mỗi lần gặp cậu ấy đều buồn và không tự tin. Bây giờ tôi muốn thay đổi tinh thần của Tuấn Anh. Đó là điều quan trọng nhất vì nếu không sẽ hồi phục rất chậm. Ngay cả khi lành gối 100% vẫn sẽ khó đá được như trước đây.
|
Tuấn Anh muốn hồi phục để chơi bóng đá lại. Lo về chấn thương nặng của cậu ấy, nhưng tôi cũng lo về suy nghĩ trong tâm trí không kém. Tôi muốn làm điều tốt nhất cho Tuấn Anh, không chỉ chữa lành gối mà còn để cậu ấy chơi bóng với cảm hứng, tự tin như 2-3 năm trước.
Tôi đã nói với Tuấn Anh rằng: “Em đừng sợ gì hết, đừng suy nghĩ nhiều. Chỉ cần nghe tôi và tôi sẽ chữa lành gối cho em. Từ hôm nay đừng suy nghĩ về chấn thương hiện tại hay quá khứ. Giờ có người lo cho em, em hãy vui và cười đi. Cố gắng theo tôi, tôi bảo đảm 100% hỗ trợ giúp em hồi phục”.
* Niềm tin của ông và Tuấn Anh trong thử thách này là thế nào?
Bác sĩ Choi Ju-young: Khi gặp Tuấn Anh, tôi muốn tìm hiểu để thấy được góc yếu ớt của cậu ấy để giúp họ trở nên mạnh mẽ hơn, khai phá hết tiềm năng trong cơ thể. Gặp lần đầu, tôi biết Tuấn Anh sợ. Khi bị chấn thương có cầu thủ sẽ bị áp lực khi muốn trở lại.
Nhưng khi nói chuyện tôi thấy áp lực sau chấn thương chỉ khiến cậu ấy càng khao khát hơn. Thế là tôi yên tâm và muốn giúp cho cậu ấy, để góp phần giúp đỡ cho bóng đá Việt Nam vì tôi biết có rất nhiều người yêu quý tài năng của cậu ấy.
Khi gặp Tuấn Anh, tôi không đề cập nhiều đến chấn thương mà nói chuyện nhiều với cậu ấy để biết Nhô đang như thế nào. Đến lần gặp thứ 2, tôi bảo cậu ấy hãy vui cười đi, thoải mái và đừng sợ. Tôi đang và sẽ xóa nỗi sợ hãi khỏi tâm trí của Tuấn Anh.
Sợ hãi là một phần của chấn thương và nó rất nguy hiểm. Vì khi xuất hiện, cầu thủ sẽ bị ám ảnh. Đôi khi người ta nghĩ đầu gối đã lành là cầu thủ đã bình phục 100% nhưng không phải vì sâu thẳm trong tiềm thức họ sợ hãi, không dám đá như xưa nữa và chỉ còn 80-90%.
Là bác sĩ tôi không chỉ hồi phục các bộ phận trên cơ thể mà còn là “cái đầu”, là suy nghĩ của cầu thủ. Cái đầu phải bảo đảm 100% thì cầu thủ ra sân mới chơi bóng tốt được.
|
Mỗi người hãy truyền sự lạc quan, tích cực đến Tuấn Anh
* Trong quá trình làm việc ông có thể chia sẻ những trường hợp giống Tuấn Anh sau đó chơi bóng trở lại bình thường không?
Bác sĩ Choi Ju-young: Trường hợp của Tuấn Anh tôi gặp nhiều rồi, nhiều trường hợp nặng hơn và gối yếu hơn nhiều. Có tuyển nữ Hàn Quốc từng mổ 2 lần nhưng vẫn chơi bóng tốt. Tôi từng điều trị cho Park Ji-sung hay nhiều ngôi sao bóng đá Hàn Quốc khác như Lee Dong Gook…
Và bây giờ cậu ấy ở tuổi 38 vẫn đang chơi tại CLB hàng đầu K-League Classic là JeonBuk Hyundai Motors! Thực tế, mỗi chấn thương với mỗi cầu thủ sẽ có độ khó và yêu cầu khác nhau. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ cầu thủ phải mổ gối là rất cao.
Nhưng khi sau khi mổ xong, các bác sĩ không chỉ quản lý tập bài hồi phục mà còn thường xuyên kiểm tra cầu thủ sau khi đá lại. Có vậy họ mới bảo đảm hồi phục tốt nhất. Đó là lý do chúng tôi muốn giữ Tuấn Anh ở Hàn Quốc trong 6 tháng sau khi thực hiện phẫu thuật. Để trả lại đôi chân tốt nhất cho cậu ấy, và cả sự tự tin về tâm lý nữa.
Lời cuối, tôi mong muốn mọi người cùng chung tay giúp Tuấn Anh sớm trở lại. Một mình tôi hay Tuấn Anh là không đủ mà phải là CLB, VPMilk (đài thọ toàn bộ chi phí chữa chạy cho Tuấn Anh), người hâm mộ… Mỗi người hỗ trợ, mỗi người “quản lý” cầu thủ sao cho tốt nhất.
|
* Duyên cớ nào giúp ông đứng ra giúp đỡ cho Tuấn Anh cũng như có mặt ở HAGL ngày hôm nay?
Bác sĩ Choi Ju-young: Tại có ông Chung (GĐKT HAGL Chung Hae-seong) nên tôi qua. Chúng tôi từng làm việc chung với nhau rất lâu tại Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA). Khi làm việc tại các đội tuyển Olympic và tuyển quốc gia Hàn Quốc, thầy Chung là người nói chuyện với tôi nhiều nhất.
Chúng tôi nói chuyện về từng cầu thủ xem có vấn đề gì, hay ai gặp trục trặc bị giảm phong độ sau chấn thương. Khi ra ngoài sân bóng, chúng tôi là anh em. Trong mắt của một bác sĩ như tôi, một người làm bóng đá biết quan tâm làm sao để hồi phục 10% cuối cùng sau chấn thương là người đáng kính trọng.
Khi nhận cuộc gọi của thầy Chung đề nghị sang giúp nâng cao công tác y tế cho CLB HAGL, tôi vui lắm và lập tức sắp xếp lịch để có mặt. Chuyến đi này thực tế đã được lên lịch từ trước khi Tuấn Anh bị chấn thương.
Giảm 70% chi phí vì “viên ngọc” Tuấn Anh
7 năm trước, năm 2011, bác sĩ Choi Ju-young từng được mời đến Việt Nam trong khuôn khổ trận giao hữu từ thiện giữa đội tuyển “Park Ji-sung và những người bạn” với CLB Navibank Sài Gòn trên sân Thống Nhất.
Đó chỉ là một trong những lần huyền thoại bóng đá Hàn Quốc Park Ji-sung mời ông Choi đi cùng để chăm sóc cho đôi chân của mình, khi đó đứng đầu ban y tế Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA, từ 1994-2012).
Sở hữu ngoại hình như nghệ sĩ, nhưng khi khoác áo blouse vào, ông Choi là người uy tín hàng đầu của nền y học thể thao Hàn Quốc trước khi chuyển sang điều hành bệnh viện thể thao CJY Sports Clinic.
Quay trở lại Việt Nam lần này, ông Choi có cảm xúc rất đặc biệt. Cũng nói thêm, chuyên gia sinh năm 1952 lập tức bỏ tiền túi đặt lịch bay sang Việt Nam khi nhận được đề nghị người bạn tâm giao Chung Hae-seong.
Ông Choi và Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) HAGL Chung Hae-seong làm việc với nhau từ năm 1998, chuẩn bị cho Olympic Sydney 2000, sau đó là một loạt giải đấu lớn như Asian Cup, vòng loại World Cup, World Cup 2006 và 2010… Trước khi Nhô bị chấn thương, ông Choi đã nhận lời sang Pleiku để cải thiện điều kiện y tế cho CLB HAGL.
Ông Choi cho biết sẽ kiểm tra lại lần cuối cho Tuấn Anh vào ngày 15.4, nhưng tất cả mọi khâu chuẩn bị cho ca phẫu thuật của anh đã được sẵn sàng ở tình trạng hoàn hảo nhất. “GĐKT Chung Hae-seong kể khi thông báo nhà tài trợ VPMilk lập tức đồng ý đài thọ toàn bộ chi phí cho Tuấn Anh.
Điều đó cho thấy mọi người rất yêu quý và muốn sớm được thấy cậu ấy chơi bóng hoàn hảo trở lại. Tôi mong mỗi nhà báo và truyền hình ở Việt Nam chung tay giúp đỡ theo cách thiết thực nhất là viết về những điều vui và hy vọng cho Tuấn Anh.
Đó là một tài năng đặc biệt của quốc gia các bạn. Và cũng nói thêm là Tuấn Anh ở bệnh viện tại Hàn Quốc rất buồn. Cậu ấy sẽ đọc báo nhiều lắm”, ông Choi chia sẻ.
|
Điều kỳ diệu Lee Dong Gook tại World Cup 2010
3 tuần trước thềm World Cup 2010, tiền đạo Lee Dong Gook bị chấn thương bắp đùi sau. Bệnh viện dự đoán phải nghỉ 5 tuần. Khi đó, bác sĩ Choi Ju-young đã sau khi kiểm tra chi tiết bảo đảm với BHL anh sẽ kịp hồi phục trong 3 tuần.
Kết quả, Lee Dong Gook kịp ra sân tại World Cup 2010 giúp Hàn Quốc vượt qua vòng bảng và chỉ chịu dừng chân bởi Uruguay có Suarez tỏa sáng vào đến bán kết. Đến nay, ở tuổi 38, Lee Dong Gook vẫn thi đấu tốt tại CLB hàng đầu K-League Classic là Jeonbuk Hyundai Motors.
Trợ lý U.19 FC Seoul, ông Kim Jin-kyu từng là trung vệ và đeo băng đội trưởng đội tuyển Hàn Quốc cho biết: "Mọi cầu thủ tại Hàn Quốc bị chấn thương đều muốn được ông Choi điều trị. Chúng tôi thường hay nói với nhau rằng các cầu thủ khi lên đội tuyển về khiến các bác sĩ CLB thất nghiệp vì chỉ liên lạc với ông Choi".
|
Bình luận (0)