Với hơn 2.000 trang khổ lớn, Từ điển tiếng Huế (NXB Văn học và Trung tâm Quốc học Huế ấn hành 2009) đồ sộ có lẽ không khác gì Từ điển tiếng Việt.
Tác giả là GSTS bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng Bùi Minh Đức, định cư ở Mỹ. Ông vừa có cuộc nói chuyện về cuốn từ điển phương ngữ quy mô nhất nước với CLB Văn hóa Huế tại Hà Nội.
Ông bắt đầu công trình bằng một lý do thật đặc biệt: “báo hiếu cho mẹ”. Đó là năm 1991, biết tin mẹ mất khi đang ở Mỹ, quá đau xót, tối hôm đó ông lấy cuốn vở học trò ra ghi những lời mẹ mình hay nói, chừng nửa giờ đã được 7-8 trang. Đó chính là những dòng đầu tiên của Từ điển tiếng Huế.
Như bao người phụ nữ Huế cổ điển, mẹ ông chỉ ở nhà lo săn sóc chồng con. “Bà dạy con rất nhẹ nhàng nhưng thấm thía,” ông Đức kể. “Đến bây giờ tôi làm cái gì sai, tôi vẫn ngước mắt lên trời xin lỗi mẹ. Tôi nói chuyện với mẹ tôi hàng ngày. Nếu không có bà, tôi không học xa được. Bà dặn, con phải kiếm cách mà đi học, đi đâu thì đi phải nhớ cha nhớ mẹ nhớ quê hương xứ sở.”
Bà dạy con về lễ nghĩa kỹ đến nỗi, giờ đây mỗi lần đến bữa ông Đức có ăn hơi nhanh một chút, nhớ lời mẹ dạy, ông ăn chậm lại, để có cái “phong cách Huế”. Khi ông ra nghề bác sĩ rồi, bà vẫn còn la. Chẳng hạn: “Thấy bệnh nhân nghèo thế sao còn lấy tiền làm gì”.
Để bắt đầu với việc làm từ điển, ông bỏ ra hai năm tự học về ngôn ngữ học và từ điển học. Rồi cứ đều đặn năm về nước hai lần, tìm những từ Huế còn sót lại ở vùng ngoại ô, vì ở trung tâm thành phố tiếng Huế đã dần được “chuẩn hóa”.
|
Từ điển tiếng Huế lần in thứ nhất (2001) chỉ hơn 500 trang, lần hai (2004), hơn nghìn trang. Nhưng ông Đức cho hay không có ý định tiếp tục nhân đôi số trang: “Tôi nghĩ cũng nên kết thúc thôi. Vì suốt 20 năm, cái trí tôi bị lấn bấn hoài về quyển từ điển, không có cách gì làm quyển khác. Nay cuốn từ điển chấm dứt, tôi mới viết được mỗi năm một quyển về những nét văn hóa Huế khác, để duy trì cho con cháu sau này”.
“Từ điển có ai thích lắm đâu trừ người Huế, những người làm về ngôn ngữ, hay người lớn tuổi”, ông chia sẻ. Tuy nhiên cũng có độc giả đọc từ điển của ông một lèo đến hết. Họ nói thích nhất những chỗ đối chiếu văn hóa. Chẳng hạn ông đưa ra những so sánh kiểu như “bữa lỡ” của Huế hay hơn “trà chiều” (afternoon tea) của Anh.
Ông phân tích: “Với bữa lỡ, cả nhà vây quanh nồi sắn khoai, bố mẹ sẽ dạy con những chuyện như: Hai đứa bay có con đi tao nuôi… Còn ở Anh mấy bà uống trà ăn bánh sandwich toàn kháo nhau chuyện ngày mai có tiệc ở nhà bà này bà kia.” “Mỗi từ là một cái đinh để tôi móc vào một gói văn hóa. Nếu mọi người đọc từ điển như truyện là tôi đã thành công,” ông tuyên bố.
Tất nhiên, người Huế không thể có một thứ tiếng riêng, nên trong từ điển sẽ bắt gặp nhiều từ toàn dân. Chẳng hạn giở đến vần G sẽ thấy: gãi, gãi đầu gãi tai, gãi rún, gãi đúng chỗ ngứa, gái ăn sương, gái bao- mãi đến gái chài trai, gái Dương Nỗ- mới có vẻ Huế chút. Tại buổi nói chuyện của ông tại Hà Nội, một đồng hương 88 tuổi cho hay: “Giờ tôi mới hiểu thế nào là thẳng cò o ngoóng.” (đi một mạch thẳng cánh cò bay để mẹ ở nhà trông ngóng).
GS Nguyễn Khắc Hoạch (Mỹ) nhận xét, cách làm xóa nhòa biên cương giữa từ điển thuần túy ngôn ngữ và từ điển bách khoa của ông Đức không “chính thống” lắm, nhưng có thể chia sẻ được vì đem lại bề dày văn hóa sinh động cho ngôn ngữ. Có người cho rằng ông không nên đi sâu vào những từ tục trong tiếng Huế. Lý lẽ của tác giả: “Nhiều người cứ bảo tiếng Huế mình đẹp, thanh. Tôi thì có chi nói đấy. Tôi quan niệm khoa học gia phải thành thật với chính mình.”
Nhà ngôn ngữ học Hoàng Thị Châu nói: “Tôi là nhà phương ngữ học nhưng không làm gì được cho quê hương như ông bác sĩ này”.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)