Bác sĩ phẫu thuật và những góc khuất tình đời

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
11/08/2024 06:45 GMT+7

Có nhiều bộ phim, cuốn sách nói về nghề y rất hay. Nhưng một tập tùy bút do đích thân nhà văn cũng là bác sĩ như tác giả Nguyễn Hoài Nam chấp bút, hé lộ những góc khuất cuộc đời thầy thuốc cuốn hút đến từng trang, lại là "của hiếm".

Tuổi trẻ cơ cực, nhiều khát khao của chính mình được nhà văn kể chi tiết trong tập tùy bút Bác sĩ phẫu thuật (NXB Thanh Niên vừa ấn hành).

Mới 15 tuổi, Nguyễn Hoài Nam đã phải theo gia đình vượt 2.000 cây số để vào TP.HCM. Trước ngày tốt nghiệp ĐH, cậu học trò Nam bị đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Ở tác phẩm Những ngày xưa ấy, nhà văn vẫn nhớ như in là sau khi mổ được 5 ngày, ống dẫn lưu đường mật còn đang hoạt động, ông đã đi thi tốt nghiệp. Ông viết: "Tôi quyết tâm xin thầy cho tôi được đi thi vì không có tiền để học tiếp đợi năm sau, và còn đang nợ tiền chữa bệnh, chẳng biết khi nào mới trả được".

Bác sĩ phẫu thuật và những góc khuất tình đời- Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Hoài Nam

Ảnh: NVCC 

Bác sĩ phẫu thuật và những góc khuất tình đời- Ảnh 2.

Tác phẩm mới Bác sĩ phẫu thuật

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Mới bước vào nghề, các bác sĩ trẻ rất thích học mổ. Nguyễn Hoài Nam kể một kỷ niệm xúc động trong Đêm trực khó quên: "Vì tập mổ trên kính hiển vi phẫu thuật nên chúng tôi phải lấy cả mắt đem lên khoa chứ không mổ trên xác được. Có một đêm tôi đang trực thì được báo có mắt hiến tặng, chỉ biết anh ta là một người vô thừa nhận. Tôi nâng niu con mắt như trứng mỏng, gói ghém cẩn thận rồi đặt lên bàn mổ như đang mổ một mắt sống vậy. Có gì đó thiêng liêng nhắc nhở tôi phải biết cảm ơn người đã cho tôi mắt. Tôi gói vào một chiếc gạc rồi đi nằm. Sáng hôm sau dậy sớm, tôi âm thầm đem xuống vườn. Chọn chỗ cao nhất dưới gốc cây dầu, tôi đào đất chôn nó xuống rồi cắm một nén nhang, thành tâm nói lời tạ ơn".

HẠNH PHÚC VÀ… CAY ĐẮNG

Khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, toàn bộ thầy thuốc đều xung phong có mặt trên các tuyến đầu. Trong những ngày đau thương và hạnh phúc luôn có bác sĩ Nguyễn Hoài Nam. Thời gian này, những câu chuyện cảm động giữa gang tấc sự sống và cái chết xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm mới của ông, như: Giữa mùa Covid, Sống giữa mùa dịch, Tiếng còi hụ giữa mùa Covid…

"Cứu người như cứu hỏa", quên cả tuổi tác không còn trẻ nữa, ông lao vào nhiều điểm nóng đang cần sự có mặt của bác sĩ: "Ngày nào cũng vài chục bệnh nhân thập tử nhất sinh cần cấp cứu, nhờ vậy mà giới bác sĩ luôn có hệ thần kinh thép trong một cơ thể có trái tim nóng bỏng, tràn đầy nhiệt huyết. Có những lúc tôi muốn tắt điện thoại để nghỉ ngơi một chút. Cũng có lúc công việc quá nhiều, quá căng thẳng giữa mùa dịch giã này, tôi muốn đập bỏ điện thoại trở về đời sống thanh bình. Nhưng rồi lại thôi, còn bao nhiêu bệnh nhân đang trông chờ mình…" (Sống giữa mùa dịch).

Trong Một góc ngành y, nhà văn trải lòng: "Sau một đêm trực, tôi không còn là mình nữa. Nhìn vào gương thấy đầu tóc bù xù, mặt mày phờ phạc, làn da mịn màng thay thế bằng làn da tai tái, sần sùi, quần áo đầy mồ hôi, có khi dính máu. Thèm một giấc ngủ ngon hơn cả bữa cơm sơn hào hải vị".

Cuộc đời bác sĩ cũng cho ông cơ hội cứu sống sinh mạng của rất nhiều người và thêm những danh tiếng của cuộc đời mang lại, nhưng đằng sau "tấm huy chương" ấy vẫn có không ít… đau đớn vì những điều chưa làm được. Chính bác sĩ Nam bất lực chứng kiến cảnh người anh họ ra đi mãi mãi trong vòng tay của mình. Bệnh nhân này là con nhà thơ nổi tiếng Hải Như - tác giả lời thơ của ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ. Đó là sự cam chịu trước quy luật muôn đời: sinh lão bệnh tử của tạo hóa. Một câu chuyện đắng lòng khác cũng được ông kể lại trong tập sách: một bác sĩ từ người có công trở thành kẻ tội đồ bị nguyền rủa… - mà những tình huống tréo ngoe như thế không hiếm trong giới y khoa. 

Nhà văn Nguyễn Hoài Nam (hội viên Hội Nhà văn TP.HCM) sinh năm 1961 tại Hà Nội, hiện là giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch TP.HCM.

Các tác phẩm đã xuất bản: Viết từ bệnh viện, Câu chuyện y khoa, Nửa đêm xuống phố (NXB Trẻ); Cập nhật điều trị bệnh Basedow, Cập nhật điều trị ngoại khoa lồng ngực và tim mạch, Phẫu thuật nội soi lồng ngực (NXB Y học); Những linh hồn sau cánh cửa (NXB Hội Nhà văn); Bởi yêu nhiều nên khỏe ấy mà, Chuyện tình cuối mùa đông (NXB Thanh Niên)…

Hé cửa phòng mạch cho công chúng nhìn ngắm

"Nhà văn - bác sĩ Nguyễn Hoài Nam là trường hợp đặc biệt. Ông hé cửa phòng mạch cho công chúng nhìn ngắm thầy thuốc ở nhiều chiều thường bị lãng quên, thường bị khuất lấp. Ông tranh thủ giờ nghỉ ngơi ở bệnh viện để cúi xuống bản thảo đầy ắp ưu tư, đem văn chương vào phòng mạch để tâm hồn thầy thuốc lấp lánh cùng thị phi công chúng. Và ông viết rất nhanh, viết như một nỗi chia sớt, viết như một niềm thổ lộ để có những trang văn trao gửi nhiều rung cảm với đời".

Nhà phê bình, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.