Bác sĩ tận tụy nơi bản làng

15/12/2021 11:14 GMT+7

Được mời ra bệnh viện huyện công tác, nhưng bác sĩ người Mông Và Bá Tủa (Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nhôn Mai, H.Tương Dương, Nghệ An) từ chối. Ông muốn ở lại xã để phục vụ bà con dân bản.

Đi học để chữa bệnh cứu người

Gắn bó với trạm y tế quê nhà hơn 20 năm qua, người dân xã vùng biên Nhôn Mai này đã quá quen thuộc với bác sĩ Tủa. Đó là một bác sĩ giỏi, khiêm tốn, tận tụy với người bệnh, dù phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ để đến nhà bệnh nhân khi bệnh nhân không thể đến trạm y tế.

Bác sĩ Và Bá Tủa

Trạm Y tế xã Nhôn Mai một buổi sáng ngày gần cuối năm khá đông đúc. Nhiều bệnh nhân đến thăm khám, điều trị nên bác sĩ Tủa phải làm việc liên tục. “Mùa này lạnh, người già dễ trở ốm. Bây giờ đường sá đi lại thuận tiện rồi nên cứ thấy trong người bất thường là họ đến trạm, chứ không phải như ngày xưa, có bệnh cũng phải nằm chờ chết”, bác sĩ Tủa giải thích.

Nhà đông con, từ bản Huồi Cọ ra trung tâm xã phải mất 8 giờ đi bộ, nhưng từ bé Và Bá Tủa vẫn bám lớp quyết học cái chữ. Lên lớp 5, Và Bá Tủa xuống tỉnh học trường nội trú và lấy được bằng trung cấp y vào năm 1994. Bố ông Tủa là thầy cúng, chuyên đi cúng để chữa bệnh bằng cách đuổi “con ma” ra khỏi người. Khi ông Tủa học xong hệ trung cấp y trở về, bố ông bảo cái bằng của mày thì chữa được bệnh gì. Ông Tủa tranh luận với bố mình: “Bây giờ bị viên đạn bắn vào người, bố cúng có đuổi viên đạn ra được không”, thì ông bố mới chịu thua.

Sau khi tốt nghiệp, ông Tủa được nhận về Trạm Y tế xã Nhôn Mai. Năm 2000, ông Tủa quyết định học lên đại học. 6 năm sau, tốt nghiệp ĐH Y Thái Bình, bác sĩ Tủa về làm Trưởng trạm Y tế xã Nhôn Mai, là bác sĩ đầu tiên của người Mông nên được mời về bệnh viện huyện làm việc, nhưng ông từ chối vì muốn ở lại để chữa bệnh giúp bà con dân bản.

Bác sĩ Tủa khám bệnh cho người bệnh tại Trạm Y tế Nhôn Mai

Tận tụy với người bệnh

Trước năm 2015, Nhôn Mai và Mai Sơn là hai xã vùng biên khó khăn nhất của Nghệ An khi chưa có đường nhựa về xã. Để xuống trung tâm huyện, phải mất 4-5 giờ đồng hồ chạy thuyền máy theo sông Nậm Nơn. Từ các bản ra trung tâm xã cũng mất nhiều giờ đi bộ vì chưa có đường. Khi gặp tai nạn hoặc bị bệnh, người dân rất khó để đến được bệnh viện. Trạm y tế xã vì thế cũng chỉ phục vụ cho một vài bản ở gần trung tâm xã, còn lại bác sĩ Tủa phải làm việc di động, đến nhà người bệnh để khám, điều trị cho họ.

Từ Trạm y tế xã Nhôn Mai đến các bản xa, có khi mất 6-7 giờ đi bộ. Nhưng hễ nghe có người gọi, bác sĩ Tủa lập tức lên đường. Nhiều năm gắn bó với bản làng, bác sĩ Tủa đã cứu được nhiều ca bệnh nguy hiểm, nhiều người trẻ nhận ông làm bố để ghi ơn cứu mạng. Một số người Lào ở bên kia biên giới cũng sang nhờ ông chữa bệnh. Mới đây, chị Thò Y Rùa ở H.Sầm Tớ (Lào) bị trúng 28 viên đạn ria găm đầy cẳng chân và gối cô gái, được đưa đến Trạm Y tế Nhôn Mai. Bác sĩ Tủa phẫu thuật, gắp từng viên đạn ra khỏi chân cô gái.

Trạm Y tế Nhôn Mai

K.Hoan

Trạm Y tế xã Nhôn Mai từ nhiều năm qua đã trở thành địa chỉ tìm đến của người dân các xã Nhôn Mai, Mai Sơn, Mỹ Lý dù bác sĩ Tủa chỉ phụ trách xã Nhôn Mai. Các xã này là nơi đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống nên ngoài tiếng Mông, anh Tủa còn phải học thêm các “ngoại ngữ” Thái, Khơ Mú và tiếng Kinh. “Ai đến đây mình cũng phải cứu chữa. Họ không đi được thì mình phải đến nhà họ. Đó là trách nhiệm của bác sĩ”, bác sĩ Tủa nói.

Vị bác sĩ 52 tuổi này cũng cho biết, ông rất tâm đắc với Đề án đổi mới phong cách, thái phục vụ người bệnh của Bộ Y tế và luôn bám sát chủ trương này để phục vụ người bệnh. Ông nói, người bệnh thấy bác sĩ gần gũi, tận tình chia sẻ, họ sẽ cảm thấy an tâm và hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn nhiều.

Ông Lương Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, đánh giá, bác sĩ Tủa là người chuyên môn tốt, rất có tâm với công việc. Dù phải đi bộ, bệnh nhân không đến được trạm y tế, bác sĩ Tủa vẫn đến tận nhà họ để thăm khám, khiến người dân rất quý mến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.