Ngày 1.5, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết vết thương con voi rừng dính bẫy có dấu hiệu tiến triển tốt từ khi áp dụng phác đồ chữa trị có sự tham gia của các chuyên gia Thái Lan.
Bác sĩ Khaijopat chữa trị vết thương cho con voi rừng - Ảnh: Ngọc Quyền
|
Đây là con voi đực khoảng 5 tuổi được phát hiện bị thương ở vòi và chân do dính bẫy kẹp trong khu vực Vườn quốc gia Yók Đôn vào giữa tháng 2. Con voi được Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk với sự hỗ trợ của chuyên gia Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã châu Á cứu hộ, đưa về chữa trị. Qua hai tháng cứu chữa, vết sứt ở vòi voi đã lành, nhưng vết thương ở chân trước bên trái bị mất hết móng có dấu hiệu nhiễm khuẩn, sưng to, con voi tỏ vẻ đau đớn, đi lại khó nhọc.
Ông Phạm Văn Thịnh, bác sĩ thú y của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết dù đã có kinh nghiệm chữa bệnh cho voi nhà, nhưng khi chữa trị cho con voi mắc bẫy này vẫn gặp khó khăn. “Đây là con voi rừng, bản tính còn hung dữ, rất khó buộc vâng lời. Thời gian qua, chúng tôi điều trị chủ yếu bằng cách chích thuốc kháng sinh hằng ngày, chưa có thuốc gây mê nên không thể tiếp cận, sát khuẩn trực tiếp vết thương ở chân của nó để chữa dứt điểm”, ông Thịnh giải thích.
Theo ông Thịnh, khi thông tin về con voi rừng mắc bẫy bị thương được một số người đưa lên mạng xã hội, các chuyên gia về voi ở Thái Lan tỏ ra rất quan tâm. Qua kết nối, trao đổi, Bệnh viện Lampang (Thái Lan) đã nhận lời đề nghị của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk sang VN hỗ trợ kinh nghiệm điều trị cho con voi.
Ngày 18.4, bác sĩ Khaijopat Boonprasert cùng hai quản tượng từ Bệnh viện Lampang đã đến Vườn quốc gia Yók Đôn và đã có một tuần trực tiếp chữa trị cho con voi đang bị vết thương hành hạ. Buổi đầu, nhóm này đóng khung gỗ cố định để khống chế, tiêm thuốc mê cho con voi và phẫu thuật, rửa vết thương, bôi kem kháng khuẩn. Từ ngày thứ hai trở đi, khi con voi trở nên thân thiện hơn, họ không tiêm thuốc mê nữa mà dỗ dành voi để tiếp cận chăm sóc vết thương. Theo bác sĩ Khaijopat, thời gian chữa trị vết thương ở chân cho con voi rừng dính bẫy này có thể kéo dài từ 2 - 3 tháng nữa.
Ông Nguyễn Công Chung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết hiện vết thương ở chân voi có dấu hiệu tiến triển khá, voi đi lại có vẻ dễ chịu hơn trước.
Bình luận (0)