Bác sĩ 'thời chiến': Nỗi niềm 'lá chắn thép'

06/10/2021 04:15 GMT+7

Trong cuộc chiến với Covid-19 , y bác sĩ được coi là “lá chắn thép” bảo vệ bệnh nhân.

Nhưng những “lá chắn thép” ấy vẫn là con người, vẫn buồn vui, vẫn có thể nhiễm bệnh như bất cứ ai, chỉ khác là họ có đôi tay chữa lành và trái tim nhân ái.

Một bác sĩ (BS) nhiễm bệnh là bệnh viện (BV) giảm đi một phần sức mạnh. Vì vậy, mỗi y BS đều rất ý thức giữ gìn: khi ăn ngồi riêng, không tiếp xúc gần và không nói chuyện khi không có khẩu trang...

Bé Kim Lài (5 tuổi) được nhân viên y tế đưa qua Bệnh viện dã chiến số 6 để điều trị cùng ba mẹ

Lam Ngọc

BS Phan Trung Hiếu (BV Chợ Rẫy tăng cường BV dã chiến (BVDC) số 6, P.An Khánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) luôn cẩn trọng từng chi tiết từ việc tháo kính giọt bắn, cởi đồ bảo hộ đúng quy trình đến việc khử khuẩn kỹ càng, sẵn sàng chịu đói khát chứ không ăn bất cứ gì khi vừa mở khẩu trang mà chưa rửa mặt, rửa tay...

Do ý thức rất rõ việc bảo hộ (và cũng một phần do may mắn) nên dù tham gia chống dịch từ những ngày đầu nhưng BS Hiếu vẫn không nhiễm bệnh. Để nhắc nhở bản thân kiên trì nguyên tắc, BS Hiếu đã viết cho mình khẩu hiệu “3 lần vượt cửa dương” dán ngay trước cửa phòng.

Dù vậy, không phải ai cũng may mắn như BS Hiếu...

Trong lúc nhiễm Covid-19, bác sĩ Nguyễn Đăng Quang vẫn tham gia điều trị cho những F0 khác

Nhiễm Covid-19 vẫn xin làm việc

Những ngày đỉnh dịch, BVDC quay cuồng tiếp nhận F0, các BS làm việc như những con quay. Còn nhớ ngày BVDC số 6 tiếp nhận bệnh nhi Kim Lài (5 tuổi) ho từng cơn gần như kiệt sức, đeo khẩu trang nhưng bé cứ gạt xuống dưới mũi vì khó thở (ba mẹ của Lài cũng dương tính vào BVDC số 6 trước đó nên xin cho con về ở cùng BV). BS Trương Nhựt Cường (25 tuổi, từ BV Phục hồi chức năng TP.HCM sang tăng cường) cùng nhân viên y tế nhanh chóng đưa em lên lầu 4 gặp ba mẹ theo lối đi dành cho người nhiễm Covid-19.

Lúc này tôi mới thấy nghề mình chọn không chỉ có thể cứu người mà còn trao đi hơi ấm, động viên trong lúc bệnh nhân bơ vơ nhất.

BS Trương Nhựt Cường

Lúc này hầm xe ngập nước rất trơn, BS Cường bế Lài lên vì sợ bé trượt té. Làm ở khâu nhận bệnh nên BS Cường thường xuyên dìu, bế F0 như vậy. Mà không chỉ BS Cường, với những bệnh nhân chuyển nặng, kiệt sức hay những cháu bé không thể tự đi, các y BS cũng thường xuyên dìu, bế, cõng.

Làm việc trong môi trường luôn tiếp xúc gần với F0 như vậy nên có thời điểm, ở BVDC số 6 có hơn 30 y BS, nhân viên y tế dương tính. Nhưng vì lực lượng mỏng, lượng bệnh nhân mỗi ngày vào viện đông nên ngay khi nhiễm, nhiều BS vẫn chủ động xin được tiếp tục công việc.

Nhận kết quả dương tính, BS Nguyễn Đăng Quang đã chủ động nhắn tin với lãnh đạo BV xin tiếp tục công việc điều trị những F0 khác. Trong vai trò mới, anh thấy mình gần gũi, hiểu tâm lý bệnh nhân nên dễ chia sẻ và động viên trong quá trình điều trị.

“Khi triệu chứng chưa nhiều, mình vẫn muốn cùng đồng nghiệp giúp các bệnh nhân khác trong việc vệ sinh, đưa cơm nước, vận chuyển thiết bị... Cùng là F0 nên việc chăm sóc và thăm khám sẽ gặp nhiều thuận lợi, hạn chế lây lan dịch bệnh sang các BS còn khỏe”, anh nói.

Cũng nhiễm Covid-19 và vẫn tiếp tục làm việc là BS Trần Hồng Phong. Những ngày chưa nhiều triệu chứng, sáng sớm anh đã gõ cửa từng phòng để thăm hỏi sức khỏe và động viên tinh thần các bệnh nhân. Anh bảo: “Hầu hết các F0 khi vào viện đều hoang mang, lo lắng, điều này có thể làm bệnh diễn tiến xấu. Bởi vậy, khi thấy có mặt BS hỏi han thường xuyên dù chưa điều trị nhiều nhưng họ cũng vững tâm lý và dễ lành bệnh hơn”.

Dấu ấn khó quên của bác sĩ mới ra trường

Tốt nghiệp ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm ngoái, BS Trương Nhựt Cường đã bước ngay vào một cuộc chiến khốc liệt với Covid-19. Đang làm tại BV Phục hồi chức năng TP.HCM, BS Cường được điều động sang tăng cường cho BVDC số 6. Tại đây, anh đã dính Covid-19. Ngày thường tiếp xúc bệnh nhân vòng ngoài, phải tới khi nhiễm bệnh anh mới có điều kiện ở khu điều trị và tiếp xúc sâu với bệnh nhân. Thấy đồng nghiệp đã quá bận rộn, nay phải gánh thêm cả phần việc của mình trước đó, anh thấy xót. “Điều tôi lo lắng nhất lúc ấy không phải là sức khỏe bản thân mà là lo đồng nghiệp cũng nhiễm bệnh khiến lực lượng y BS đã mỏng lại càng thêm thiếu”, BS Cường chia sẻ.

Bác sĩ Trương Nhựt Cường luôn tất bật trong khâu điều phối tiếp nhận F0 tại Bệnh viện dã chiến số 6

Vì thế, BS Cường xin điều phối từ xa, cộng tác với khoa để cùng điều trị F0. Ngay khi được chấp thuận, Cường đã gặp một ca khá tốn sức, đó là một F0 có ngón tay gần như bị đứt lìa. Vừa mặc đồ bảo hộ cũng là lúc Cường chịu những cơn ho kéo dài tạo đờm gây khó thở. Tuy nhiên, không thể để bệnh nhân chờ đợi lâu và mất máu thêm nữa, anh nhanh chóng sơ cứu, đồng thời may khâu vết thương và cho bệnh nhân uống kháng sinh. Khi hoàn thành những thao tác cuối cùng cũng là lúc Cường cảm thấy kiệt sức và khó thở.

Dù vậy, khi vừa cắt cơn, Cường lại tiếp tục công việc của một BS F0. Cường bảo, khi chưa bệnh anh không có giờ nghỉ chứ đừng nói tới ngày nghỉ. Chỉ khi nào quá mệt, cảm thấy không đứng vững nữa, anh mới tìm chỗ nằm. Đã lâu rồi Cường không có một giấc ngủ trọn vẹn. Anh từng mong có một ngày nghỉ trọn vẹn, nhưng khi nhiễm bệnh, có cơ hội để ngủ một giấc thật sâu thì anh lại không thể nào chợp mắt.

Có hôm đã 2 giờ sáng vẫn chưa ngủ được bỗng thấy điện thoại rung. Vừa nhấc máy, tiếng khóc nấc dội vào tai BS Cường: “Mẹ em mất rồi. Trước khi mất, mẹ em nhắc đi nhắc lại phải gọi điện cảm ơn BS đã chăm sóc mẹ con em tận tình những ngày ở viện vừa qua”. Cường bảo, đó là ca bệnh như bao ca bệnh khác. Anh chỉ nhớ là khi người mẹ được đưa vào viện chỉ có một mình, tình trạng bệnh đã trở nặng. Vài hôm sau, người con trai dương tính cũng được đưa vào đây.

Lúc người con gọi điện là lúc anh ấy vừa lấy tro cốt của mẹ, trên đường mang về chùa. Tiếng nói buồn trong điện thoại: “Vậy là hết một kiếp người. Em cảm ơn BS”. Câu nói cuối cùng trước khi tắt điện thoại của người con trai khiến Cường không thể chợp mắt.

Mổ bắt con cứu sản phụ nhiễm Covid-19 bị bão Cytokine

“Khi bị bệnh, người ta dễ xúc động hơn. Tôi cứ nhớ đến những gương mặt bệnh nhân và nhìn đến bàn tay của chính mình - bàn tay dìu từng người bệnh níu vội khi vừa xuống xe cứu thương, bàn tay nắm lấy những bàn tay nhỏ xíu bơ vơ tìm ba mẹ... Lúc này tôi mới thấy nghề mình chọn không chỉ có thể cứu người mà còn trao đi hơi ấm, động viên trong lúc bệnh nhân bơ vơ nhất”, BS Cường tâm sự.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.