Bác sĩ - Tiến sĩ Lê Trọng Phi: Nỗ lực chuyển giao kỹ thuật mổ tim tiên tiến nhất thế giới về Việt Nam

03/03/2007 22:10 GMT+7

Bác sĩ - Tiến sĩ Lê Trọng Phi, Việt kiều Đức, hiện là Phó giám đốc Viện Tim bẩm sinh (ĐH Hamburg, Đức). Nghiên cứu của ông đang được ngành y học thế giới trông chờ: điều trị bệnh tim bẩm sinh bằng việc đặt lò xo để đóng lỗ hở thông liên thất hoặc còn ống động mạch. Dù được các bệnh viện lớn ở nhiều nước phát triển trên thế giới "trải thảm đỏ" mời về cộng tác, nhưng ông từ chối, dành thời gian về Việt Nam, tâm huyết xây dựng một khoa tim bẩm sinh hàng đầu cho miền Trung để người nghèo có cơ hội được chữa bệnh... nhà giàu.

Một tiến sĩ y học giản dị và luôn nỗ lực

Buổi trò chuyện giữa người viết và bác sĩ Lê Trọng Phi diễn ra trong "bối cảnh": cứ sau 2 ca mổ tim, nhờ chút thời gian chờ các nhân viên bệnh viện làm vệ sinh chuẩn bị cho 2 ca mổ mới. "Chị thông cảm, tôi phải tranh thủ thời gian, chỉ trong khoảng này tôi mới rảnh nhất...", bác sĩ Phi phân trần. Rồi ông tất tả vào phòng mổ, tiếp tục thực hiện những ca mổ tim từ thiện cho bệnh nhân nghèo Đà Nẵng, Quảng Nam. Khi bác sĩ Phi đi, một người cùng đoàn đưa ra lịch làm việc của ông - khép kín từ 8 giờ sáng đến tận 10 giờ 30 đêm. Và sáng hôm sau, 7 giờ đã phải ra sân bay đi Hà Nội để tham dự các ca mổ tại Viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai... Rồi tiếp đó phải về Đức để tiếp tục những ca mổ mới và những hội thảo quốc tế dày đặc...

15 tuổi, cùng gia đình đến nước Đức, ông đã có ý thức phải nỗ lực để tồn tại và khẳng định mình. Chính vì vậy, ông quyết tâm đeo đuổi đến cùng việc học. Nhà đông anh em, không đủ tiền đi học, ngoài học bổng, ông phải tự đi làm thêm bất kỳ công việc gì, miễn có tiền đi học. Xong đại học Y, ông còn học tiếp 5 năm cho ngành nhi và 4 năm chuyên khoa tim bẩm sinh để trở thành một bác sĩ. Theo ông, để đạt được thành công phải có những sáng kiến trong nghề nghiệp. Học vị tiến sĩ, chức vụ Phó giám đốc Viện Tim bẩm sinh ĐH Hamburg (Đức) là thành quả mà ông đạt được sau giải thưởng khoa học về y tế của Đức năm 1993.

Liên tục từ năm 2000 đến nay, giới y học Việt Nam đã quá quen thuộc hình ảnh vị bác sĩ Việt kiều thường xuyên là cố vấn kỹ thuật, khách mời danh dự của những hội thảo về tim mạch; cũng là người tâm huyết chuyển giao tất cả những kỹ thuật mổ tim tiên tiến nhất trên thế giới về Việt Nam và ông đã thực hiện mong muốn đó bằng việc trực tiếp tham gia các kíp mổ tại các viện tim, bệnh viện có phẫu thuật tim ở Việt Nam. Và thời gian này, bác sĩ Phi đang có một nghiên cứu mà ngành y học cả thế giới đang trông chờ vào kết quả cuối cùng...

Chiếc lò xo ngành y học thế giới trông chờ...

Chiếc lò xo uốn bằng kim loại Nitinol - từ hỗn hợp Nickel Titanium, theo ví von của bác sĩ Phi là "Chiếc lò xo có tính năng như tre ở Việt Nam vậy, mềm dẻo nhưng rất bền bỉ". Bác sĩ Phi giải thích, bằng việc luồn ống thông qua tĩnh mạch, sẽ đưa chiếc lò xo đến nơi tổn thương (lỗ thông liên thất, còn ống động mạch), chiếc lò xo sẽ "bung" thành dạng "dù", biến dạng tùy theo giải phẫu, bít các lỗ hở lại. Điều đặc biệt của phương pháp này là phẫu thuật nhẹ nhàng, thời gian thông tim can thiệp - đặt lò xo độ khoảng 1 tiếng đồng hồ, trong khi những ca mổ tim hở phải kéo dài nửa ngày trời. Không có biến chứng, không phải mang sẹo xấu vì phẫu thuật theo dạng mổ kín, và bệnh nhân chỉ cần nằm viện vài ba ngày - đó là những ưu thế hàng đầu của kỹ thuật phẫu thuật tim tiên tiến nhất thế giới hiện nay.  4 năm qua, nghiên cứu này đã được áp dụng điều trị cho một số bệnh nhân có chỉ định tại các nước Đức, Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, Việt Nam... và chưa hề xảy ra biến chứng nào, những bệnh nhân được điều trị hoàn toàn khỏe mạnh.

Vì nhịp đập của những trái tim nghèo Việt Nam

Nghiên cứu của bác sĩ Lê Trọng Phi về việc điều trị tim bẩm sinh bằng cách đặt lò xo vào để ngăn chặn các lỗ hở của tâm thất tim đã được ngành y học thế giới công nhận, hiện đang chờ thêm một thời gian ngắn sẽ cho áp dụng rộng rãi. Theo thống kê, hiện trên thế giới có đến 7-8 phần ngàn trẻ sơ sinh bị tim bẩm sinh. Một con số khác mà bác sĩ Phi cũng hết sức quan tâm: tại Việt Nam, hàng năm, khoa Tim mạch Viện Nhi điều trị hơn 4.000 bệnh nhi bẩm sinh. "Tôi mong những kỹ thuật mà mình nghiên cứu sẽ giúp tất cả những bệnh nhân tim bẩm sinh có cơ hội sống!".

Khi được hỏi, say mê với công tác nghiên cứu y học, thời gian rảnh rỗi, ông làm gì? Bác sĩ Phi mỉm cười đầy tự hào: "Ngoài y học, tôi dành thời gian của mình để tìm hiểu Việt Nam". Ông quan tâm và nắm rõ mọi việc, dù nhỏ, nhưng nói lên sự chuyển đổi mới mẻ của đất nước, đến các hoạt động văn hóa, sự phát triển của y học Việt Nam... Và ngay khi các giáo sư - bác sĩ Việt Nam ngỏ lời, ông lập tức đồng ý sang giúp hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chuyên môn - dù công việc và nghiên cứu của ông lúc nào cũng bận rộn.

Trong một lần giữ vai trò cố vấn cho một hội nghị y học lớn tại Việt Nam, bác sĩ Phi tình cờ biết được, nhiều trẻ em nghèo bị tim giai đoạn nguy cấp, ở Việt Nam thì không thể chữa trị được bởi kỹ thuật còn chưa cao, mà ra nước ngoài thì không có tiền. Bằng nhiều cách, bác sĩ vận động nhiều nguồn hỗ trợ từ các nơi để đưa các em sang Đức điều trị. Một thời gian dài, ông làm công việc này với tất cả tâm huyết, nhưng rồi ông cũng nhận ra rằng, có quá nhiều trẻ em Việt lâm vào hoàn cảnh tương tự, phải có cách giúp đỡ khác thiết thực hơn. Và ông đã làm một kế hoạch để bảo vệ trước các tổ chức từ thiện, thuyết phục Hội từ thiện Trái tim vì trái tim (Đức) đến Việt Nam thực hiện một dự án có tính chất lâu dài - hỗ trợ xây dựng Bệnh viện Đà Nẵng thành một viện tim mạch lớn, kỹ thuật cao, tạo điều kiện cho trẻ em bị tim, hoàn cảnh khó khăn ở miền Trung có cơ hội sống. Ông là thành viên ban sáng lập dự án này. Bác sĩ Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, hồ hởi: "Nếu không có bác sĩ Phi đỡ đầu kêu gọi các tổ chức hỗ trợ, thì khoản tài trợ hơn 1 triệu USD và những máy móc trang thiết bị tối tân để mổ tim khó mà đến với chúng tôi. Không có sự giúp sức của bác sĩ Phi trong việc chuyển giao những kỹ thuật mổ tiên tiến hàng đầu, có lẽ chúng tôi khó lòng mà thực hiện được ước nguyện có một viện tim ngay tại bệnh viện này!".

Bà Irene Lejeune - Chủ tịch Hội từ thiện Trái tim vì trái tim cũng cho biết: "Lúc bác sĩ Phi thuyết trình về sự khó khăn của trẻ em mắc bệnh tim ở Việt Nam, chúng tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục. Nhưng khi chứng kiến những gì đang diễn ra, tôi càng bị thuyết phục hơn. Thông qua bác sĩ Phi, chúng tôi sẽ còn có những kế hoạch hỗ trợ lớn hơn cho sự phát triển viện tim này!".

Còn ông, vị tiến sĩ - bác sĩ tận tụy với nghề, vẫn miệt mài với những kế hoạch lớn: "Chỉ đến khi nào những bác sĩ ở Việt Nam không cần đến sự hỗ trợ của tôi nữa, lúc ấy, tôi mới thật sự thành công!".

D.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.