“Bác sĩ tôm”

03/06/2011 16:14 GMT+7

Nông dân thường gọi anh với cái tên trìu mến là “bác sĩ tôm”. Bởi, những lúc trái gió trở trời, tôm nuôi của bà con đổ bệnh… đều được anh trực tiếp hướng dẫn tận tình.

“Bác sĩ tôm” mà nhiều nông dân chân đất thường gọi, đó là Lê Anh Xuân (35 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh, gọi tắt Công ty Trúc Anh, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Anh Xuân quê Thanh Hóa, năm 1999, sau khi tốt nghiệp ĐH chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, với tấm bằng kỹ sư, Xuân xin vào làm việc cho một công ty kinh doanh thuốc thú y thủy sản và khăn gói về Bạc Liêu với vai trò là một kênh phân phối các chế phẩm vi sinh tại các tỉnh ĐBSCL.

 
“Bác sĩ tôm” Anh Xuân - Ảnh: Thanh Phong

Khởi nghiệp

Mặc dù với khối công việc bù đầu, nhưng mỗi khi có mưa bão xuất hiện làm cho nhiều đầm tôm công nghiệp của nông dân trong vùng bỗng dưng đổ bệnh, tôm bỏ ăn, nổi đầu, đóng rong, phù mang... cần “cầu cứu” thì “bác sĩ tôm” không do dự liền đến "khám" và hướng dẫn tận tình cách phòng trị tôm cho bà con. Còn đối với các hộ nuôi tôm ở các tỉnh lân cận trong khu vực anh sẵn sàng tư vấn cách phòng trị bệnh tôm qua điện thoại.

Ông Phạm Hoàng Giang Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu

Năm 2003, Xuân xuống xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, thuê 7.600m2 đất để nuôi tôm công nghiệp, trong túi khi đó cũng chỉ có... 20.000 đồng (tiền thuê đất trả sau). Ai cũng cho rằng Xuân quá liều khi dám đánh cược với con tôm, bởi lúc bấy giờ người nuôi tôm ở ĐBSCL lâm vào cảnh khốn đốn nhất, hàng chục ngàn hec-ta tôm chết trắng nhiều năm nên bị bỏ hoang cây cỏ mọc um tùm, các “đại gia” nuôi tôm cũng phải “bỏ của chạy lấy người”. Với Xuân thì không, vụ nuôi tôm đầu tiên anh thắng lớn, với 4 ao nuôi tôm anh thu được hơn 4,6 tấn, tôm đạt kích cỡ bình quân 25 con/kg, nhờ bán được giá cao, thu lãi ròng gần 400 triệu đồng, đủ trả toàn bộ tiền thuê đất theo hợp đồng 5 năm và tạo điều kiện thuận lợi để Xuân tiếp tục an tâm lập nghiệp.

Xuân tâm sự: “Thành công của mình trong nuôi là nhờ áp dụng quy trình nuôi tôm sạch kể từ ngày thả giống đến lúc thu hoạch. Để nguồn nước trong ao không bị ô nhiễm trong suốt thời gian dài, chỉ áp dụng quy trình nuôi tôm hoàn toàn bằng các chế phẩm vi sinh. Áp dụng quy trình này tôm rất mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi, vừa giảm được chi phí, nhưng bán được giá cao, đặc biệt là sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu”. Sau nhiều vụ nuôi tôm bất bại, thấy Xuân nuôi tôm đều trúng đậm, nhiều nông dân trong vùng đã kéo đến tận vuông tôm để học hỏi kinh nghiệm. Xuân không ngần ngại "truyền" bí quyết giúp nhiều người thắng lớn.

 
Thu hoạch tôm nuôi tại Công ty Trúc Anh

Thành công

Khởi đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng nay Xuân đã có một công ty đầy tiềm năng. Công ty chuyên sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ trong nuôi tôm, có hàng chục đại lý rộng khắp các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và một số tỉnh miền Trung. Doanh thu mỗi năm của công ty anh Xuân thu được hàng chục tỉ đồng. Chính dòng sản phẩm vi sinh, hướng nuôi tôm sạch nên người dân rất tin cậy. Do đó, khách hàng của công ty hiện nay có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành ven biển trong cả nước. Ngoài ra, lĩnh vực nuôi tôm của Xuân cũng ngày một “phình ra”, hiện có 16 ha nuôi tôm công nghiệp, có tổng cộng 38 ao nuôi, mỗi năm nuôi 2 vụ, đạt sản lượng trên 80 tấn, doanh thu hơn 5 tỉ đồng.

Xuân còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 50 lao động, với mức thu nhập 2,5 - 7 triệu đồng/tháng. Trong 50 lao động phần lớn là các kỹ sư vừa trực tiếp nuôi tôm, phụ trách kinh doanh ở các đại lý, đồng thời thường xuyên tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm miễn phí cho bà con. Các lao động làm việc tại công ty được anh Xuân mua đầy đủ các bảo hiểm như: bảo hiểm xã hội, y tế, tai nạn và thất nghiệp. Ngoài ra, anh Xuân còn thành lập các tổ chức Chi đoàn, Công đoàn để chăm lo đời sống, tinh thần cho người lao động.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.