Trong thư, Tân viết: “Trước đây bố và mẹ của em cũng đã từng xung phong đi vùng kinh tế mới, và em cũng rất hào hứng với công việc tình nguyện đang được khởi động. Em sẽ làm hết sức mình để đảm đương tốt công việc của mình. Trẻ em vùng nghèo còn rất thiệt thòi trong khám chữa bệnh, nhiều bệnh thông thường như tai mũi họng, hay viêm đường hô hấp vì không được chữa đầy đủ, kịp thời nên bệnh trở nên nặng nề”.
Thân là một trong rất nhiều sinh viên, bác sĩ trẻ đang hưởng ứng dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại 62 huyện nghèo” của Hội Thầy thuốc trẻ VN phát động. Dự án dự kiến triển khai từ năm 2013, nhằm bù đắp khoảng trống cho các bệnh viện huyện nghèo đang thiếu hụt nhân lực.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Thầy thuốc trẻ VN, cho biết trước đây dự án “Tổ chức các đội trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi” do T.Ư Đoàn thực hiện từ 2002 - 2004 cho kết quả tốt. Dự án tuyển chọn 1.000 sinh viên đã tốt nghiệp các ngành giáo dục, y tế, nông, lâm, ngư nghiệp tham gia đội tình nguyện về công tác tại các xã khó khăn. "Trên tinh thần đó, chúng tôi rất tin tưởng vào những bác sĩ trẻ hôm nay. Tính xung kích luôn là điểm nổi bật của thanh niên", ông Tĩnh nói.
|
Theo khảo sát của Bộ Y tế, 90% huyện nghèo có nhu cầu sử dụng đội ngũ bác sĩ trẻ tình nguyện và mong muốn đội ngũ này giúp phát triển y tế, nâng cao chất lượng khám và điều trị tại các vùng nghèo. “Hiện đã có 20 sinh viên y chuyên khoa sản đăng ký về huyện, hàng chục sinh viên khác đăng ký thuộc các chuyên ngành: ngoại, nhi, đều là những chuyên khoa mà các bệnh viện huyện có nhu cầu lớn”, ông Tĩnh cho hay.
Nông Thị Thúy, ĐH Y Thái Nguyên, cho biết: “Em chọn chuyên ngành ngoại khoa vì em biết nhiều bà con vùng núi cần mà bệnh viện lại đang thiếu. Em có nguyện vọng về công tác tại Bệnh viện huyện Hạ Lang, Cao Bằng quê em. Em mong muốn trước khi ra công tác sẽ được đào tạo thực hành thêm để có thể chủ động công việc chuyên môn, phục vụ tốt cho bà con”.
Lê Văn Hải (chuyên khoa Ngoại, quê Thanh Hóa), sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội, lý giải việc tình nguyện đi vùng sâu, vùng xa: “Được làm công việc đúng chuyên môn là mong mỏi của chúng em, đồng thời em cũng rất mong muốn được tạo điều kiện để nâng cao tay nghề chuyên môn”. Còn một sinh viên nữ Trường ĐH Y Hải Phòng thẳng thắn: “Người trẻ rất sẵn sàng về công tác ở vùng nghèo, ở đấy chắc chắn thiệt thòi hơn ở thành phố, nên cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để yên tâm công tác lâu dài”. Về điều này, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Bộ Y tế, bày tỏ: “Sẽ có các chính sách phù hợp để phần nào bù đắp những cống hiến và cũng đảm bảo cho tính bền vững của dự án đang được hoàn thiện”.
Dự kiến, trước khi về huyện, các bác sĩ sẽ được đào tạo 2 năm thực hành tại bệnh viện tuyến trên. Với chất lượng công tác tốt, các bác sĩ sẽ được ưu tiên tuyển dụng chính thức.
Khai mạc Đại hội Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Sáng nay 4.1, Đại hội Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ 2, nhiệm kỳ 2012 - 2015, khai mạc tại Hà Nội, với sự tham dự của 300 hội viên tiêu biểu công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên phạm vi cả nước, có đóng góp tích cực trong công tác khám chữa bệnh và tình nguyện vì cộng đồng. Dịp này, T.Ư Hội LHTN Việt Nam tuyên dương 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2012. Phan Hậu |
Liên Châu
>> Tuyên dương 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2012
>> Gần 6.000 thanh niên mở đường về các bản vùng sâu
>> Giúp trẻ em nghèo vùng sâu
>> Thư viện sách cho học sinh vùng sâu
>> Tặng quà cho trẻ em vùng sâu, vùng xa
Bình luận (0)