Trên chiếc bàn làm việc bằng gỗ khá đơn sơ, bạc phếch vì hơi mặn của bác sĩ Nguyễn Thế Lưu có một tập lịch bàn rất đặc biệt. Tập lịch đó in ảnh cưới của vợ chồng anh. Anh Lưu năm nay 28 tuổi, thuộc biên chế Viện Quân y 110, được tăng cường về Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, ra đảo Sơn Ca, thuộc quần đảo Trường Sa, làm bệnh xá trưởng.
“Thấy bà xã của tôi xinh không? Làm kế toán đấy. Cưới vợ chỉ được 2 tháng là tôi đi đảo ngay. Được cái tôi đã làm tư tưởng từ trước rồi nên bà xã cũng bớt sốc. Cô ấy lại còn động viên ngược lại tôi là phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, ở hậu phương đã có cô ấy lo”, bác sĩ Lưu kể về vợ, giọng không dấu sự tự hào.
Vị bác sĩ trẻ không kìm được hạnh phúc khi kể về người vợ đang mang thai được 8 tháng. Lưu sung sướng cho hay, con gái của anh sẽ được đặt tên Nguyễn Ngọc An Khanh. Cũng theo bác sĩ Lưu, khi biết mình sắp được lần đầu làm cha, với kinh nghiệm nghề y, anh đã thường xuyên điện thoại về đất liền động viên, nhắc vợ về những thủ thuật cho việc sinh nở được thuận lợi; đồng thời trao đổi về cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
|
“Tôi ở ngoài đảo đếm từng ngày chờ vợ lâm bồn. Cháu ra đời mà không có bố bên cạnh thì tất nhiên đó là sự thiệt thòi cho cả hai mẹ con... Nhưng biết làm sao được, công tác của tôi đâu phải cứ muốn về đất liền là về”, bác sĩ Lưu tâm sự.
Yêu gia đình nên càng vững vàng trên đảo
Được trui rèn trong môi trường quân đội, bác sĩ Lưu không phải kiểu người chỉ ngồi một chỗ than vắn thở dài, đong đếm về sự hy sinh, dẫu thực tế đó hoàn toàn đáng để ghi nhận đi nữa.
Anh bảo, càng yêu gia đình, thương vợ ở đất liền sắp phải trải qua một cuộc vượt cạn anh càng dặn lòng phải phấn đấu công tác tốt để ngày về đất liền đến nhanh.
|
“Việc của tôi là chăm lo sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ trên đảo và ngư dân đang đánh bắt hải sản trong khu vực. Dù ở ngoài này, trang thiết bị ngành y còn thiếu thốn lắm nhưng bằng kinh nghiệm những năm công tác ở khoa ngoại Viện quân y 110, tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ về kiến thức và năng lực để đối phó với các ca bệnh tật ở ngoài này như bệnh về đường hô hấp, viêm dạ dày, giảm áp do lặn sâu...”, bác sĩ Lưu nói.
Chính vì sự chủ động này, trong quý 1.2016, bệnh xá đã điều trị hơn 100 ngư dân, cấp cứu 6 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp tiến hành mổ ruột thừa ngay trên đảo. Dù vậy, bác sĩ Lưu cũng thừa nhận: “Nói vậy thôi, chứ nhiều vụ nặng thì chúng tôi chỉ xử lý sơ cứu phải xin ý kiến cấp trên để có phương án chuyển bệnh nhân vào bờ”.
|
Theo dự kiến phải đến cuối 2016 bác sĩ Lưu mới được về thăm nhà, anh kể về dự định của mình: “Tôi sẽ làm một món quà gì đó về Trường Sa, về Sơn Ca để làm món quà đầu tiên tặng con gái. Chưa biết đó là gì nhưng chắc chắn đó phải là thứ nhắc con rằng để giữ đất Trường Sa này, các thế hệ đi trước đã phải đổ biết bao xương máu, để con gái biết giá trị của việc sống trong hòa bình”.
Bình luận (0)