Bác sĩ Lê Ngọc Hà, 34 tuổi, làm việc tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 6 năm nay thì cả 6 năm anh đều đón tết trong bệnh viện. Nhà ở phố Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, bác sĩ Hà nhường cho các đồng nghiệp ở xa Hà Nội được về đoàn tụ ngày 30 Tết. Về phần mình, trưa mùng 1 Tết anh mới trở về nhà, sau ca làm việc, anh ôm cô con gái đang chạy ào ra ngõ đón bố. Lúc đó, với gia đình anh, Tết mới thật sự đến nhà.
“Chúng tôi vất vả đến đâu cũng có thể chịu được. Nhưng dù là đàn ông, mình vẫn thấy nhói lòng khi những ngày tết, các con ở nhà thường hỏi, bố ơi, tại sao nhà bạn này, bạn kia, Tết cả nhà họ thường đoàn tụ, đi chơi, còn nhà mình lúc nào cũng thiếu bố”, anh Lê Ngọc Hà chia sẻ.
|
Bác sĩ Vũ Việt Hà, 33 tuổi, Phó trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay, những ngày tết, lượng bệnh nhân cấp cứu không giảm mà còn tăng hơn cả ngày thường, khi ngày tết, các phòng khám tư nhân đa số đóng cửa, chỉ còn các bệnh viện làm việc.
“Chúng tôi cấp cứu rất nhiều các trường hợp tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, ngộ độc rượu, đánh nhau vì say rượu bia, hoặc đột quỵ vì thay đổi thời tiết, thói quen sinh hoạt ngày tết. Những ngày này, số lượng bệnh nhân phải cấp cứu vì uống rượu gây tai nạn giao thông, hoặc ngộ độc rượu gấp khoảng 2 lần, nếu ngày thường 20 ca/ngày thì ngày tết có thể lên đến 30 - 40 ca”, bác sĩ Vũ Việt Hà nói.
tin liên quan
Đón giao thừa trong trang phục áo blouse trắngNăm nào những ca cấp cứu đột xuất và công việc tại bệnh viện vào giờ khắc cuối cùng của năm cũ cũng cuốn ông đi...
Bác sĩ Vũ Việt Hà từng có 3 năm công tác tại Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai trước khi về Bệnh viện Đại học Y Hà Nội công tác. Cả anh và bác sĩ Lê Ngọc Hà đều cho hay, dù bản thân mình có buộc lòng phải quen, nhưng trong lòng vẫn rất buồn, khi chứng kiến một bệnh nhân nào đó không thể vượt qua, ngay trong đêm giao thừa.
“Tôi cứ tưởng mình đã chai sạn, cứng rắn lắm rồi, nhưng trong ca trực Tết của mình có người qua đời, tôi thấy lòng mình chơi vơi, bao ý nghĩ tốt đẹp năm mới bỗng chốc tiêu tan. Tôi tự hỏi, nếu người nằm kia không phải là người mình không quen biết, mà là người thân của mình, hay người thân của bạn mình, thì nỗi đau sẽ lớn như thế nào đây. Ngày tết nhà ai cũng nói cười, còn gia đình bệnh nhân thì khóc nức nở”, bác sĩ Lê Ngọc Hà chia sẻ.
Anh Nguyễn Minh Nông, 31 tuổi, điều dưỡng viên, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội quê ở Nam Định. Vợ anh làm cùng bệnh viện nhưng ở khoa xét nghiệm, hai vợ chồng lệch ca trực Tết. Trong khi anh Nông thường trực vào ngày 30 Tết và mùng 1 thì vợ trực vào ngày mùng 2, do đó, dù là Tết nhưng các con lúc nào cũng buồn vì mâm cơm hoặc thiếu bố, hoặc vắng mẹ.
|
“Chúng tôi thường lên xe về quê lúc chiều mùng 2, hoặc sáng mùng 3 Tết, tối mùng 4 đã phải bồng bế nhau trở lại Hà Nội rồi, vì mùng 5 đã đến phiên tôi đi trực tiếp. Nhiều khi về chỉ kịp thăm bố tôi, ông cụ đã ngoài 70 tuổi và ăn với bố một bữa cơm”, anh Nông xúc động.
Những nhân viên y tế trực giao thừa ở bệnh viện như anh Nông “sợ” mùi nhang Tết. Tín hiệu năm mới ấy khiến những người tha hương như anh nhớ nhà, nhớ quê hương, thương cha già nhiều hơn.
|
Điều dưỡng viên Nguyễn Hồng Nam, phụ trách công đoàn Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay khoa anh có 39 nhân viên, trong đó 6 bác sĩ, 3 hộ lý, còn lại là nhân viên điều dưỡng.
Tết đến với hoa đào, với bánh chưng xanh, với rượu vang, nhưng tất cả đều ở ngoài cánh cửa phòng cấp cứu. Ở nơi đây, nơi phòng trắng xóa áo blouse và mùi thuốc khử trùng, những ánh mắt nguyện cầu cho những trường hợp phải cấp cứu khẩn cấp, Tết còn ở nơi xa lắm...
Bình luận (0)