Bác tài U60 chạy xe công nghệ ‘nuôi’ ước mơ cắt tóc, dạy ngoại ngữ miễn phí

20/12/2023 09:00 GMT+7

“Ở cái tuổi này rồi, có chết thì chữ nghĩa mang theo cũng không được gì. Mình dạy miễn phí thì mình cũng để lại chữ cho những ai cần”. Đó là những lời tâm sự của bác tài U60, lấy nghề chạy xe công nghệ “nuôi” ước mơ trả ơn cuộc đời.


Với mong muốn chia sẻ khó khăn cùng người nghèo, suốt nhiều năm qua, bên cạnh việc chạy Grab, ông Hồ Yến Phấn (57 tuổi, ngụ TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) vẫn dạy tiếng Trung miễn phí cho học sinh, sinh viên và cắt tóc miễn phí cho người lao động nghèo.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông Hồ Yến Phấn được một gia đình gốc Sài Gòn nhận nuôi. Kể từ đó, ông đồng hành cùng cha mình trên khắp các nẻo đường, theo cha đi dạy lái ô tô. Trên những cung đường ấy, ông sớm tiếp xúc với đủ mọi hoàn cảnh, đủ tầng lớp người lao động trong xã hội.

Những trải nghiệm tuổi thơ ấy cũng hun đúc trong ông niềm cảm thông sâu sắc với những người lao động vất vả.

Đam mê chạy Grab để "nuôi" ước mơ trả ơn cuộc đời

Dáng người nhỏ nhắn và đôi mắt tròn xoe nổi bật trên khuôn mặt dạn dày sương gió của ông Phấn khi chúng tôi gặp ông vào một sáng chủ nhật, lúc mà những tia nắng cuối tháng 11 chưa phá tan lớp sương mù trên bầu trời thành phố.

Thứ làm cho chúng tôi chú ý không phải là chiếc sơ mi màu lam được "đóng thùng" gọn gàng, mà là dòng chữ "hớt tóc miễn phí" cùng với mớ đồ nghề ông Phấn đang bày ra trên vỉa hè đường Cây Keo (TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Ông Phấn vừa tỉ mẩn nhấp từng đường kéo vừa kể về thời điểm nhen nhóm ý định hớt tóc miễn phí. Câu chuyện bắt nguồn từ những cuốc xe chở khách đến chung cư đối diện, khi ông thấy và đồng cảm với những người bán vé số tóc tai bù xù, mồ hôi nhễ nhại dưới cái nắng như thiêu đốt của TP.HCM.

Một cụ bà lang thang bán vé số dọc tuyến đường Cây Keo (TP.Thủ Đức) được ông Phấn cắt tóc miễn phí. Ảnh: NHẬT THỊNH (Ảnh 1)

Một cụ bà lang thang bán vé số dọc tuyến đường Cây Keo (TP.Thủ Đức) được ông Phấn cắt tóc miễn phí

Ảnh: NHẬT THỊNH

"Nghĩ mình hớt tóc cũng có nghề nên tôi quyết định mua thêm đồ rồi làm cái bảng nhỏ ghi dòng chữ "hớt tóc miễn phí". Hộp gỗ đựng đồ nghề thì tôi xin của ông thợ mộc gần nhà, cái gương thì của một người đồng nghiệp chạy xe chung cho tôi. Tôi quyên góp từ từ rồi chọn một góc nhỏ trước chùa Châu Hưng để cắt cho họ", ông Phấn bộc bạch.

Là mối ruột của chú Phấn cắt tóc, anh Trần Nguyên Sáng (ngụ TP.Thủ Đức) không chỉ khâm phục việc làm ý nghĩa của ông, mà còn lấy đó làm gương cho con trai.

"Có nhiều người khó khăn họ cũng cần cắt tóc nên công việc này của chú tuy nhỏ nhưng mang lại lợi ích rất thiết thực. Tôi nghĩ nếu xã hội có nhiều người làm được những việc giống như chú thì rất hay", anh Sáng chia sẻ.

Ông Phấn cắt tóc miễn phí cho chon trai anh Trần Nguyên Sáng. Ảnh: NHẬT THỊNH

Ông Phấn cắt tóc miễn phí cho con trai anh Trần Nguyên Sáng

Ảnh: NHẬT THỊNH

Vừa tỉ mẩn từng đường kéo, ông Phấn vừa tâm sự: "Nhờ những lần cắt tóc ở đây tôi mới thấy rõ hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn của những người bán vé số, công nhân, trẻ em nơi đây. Có khi vừa cắt vừa tâm sự với họ rồi trở thành bạn của nhau. Việc tôi làm nhỏ lắm, miễn sao thấy vui, thấy hạnh phúc thì mình làm".

Mỗi tuần, ông Phấn dành sáng chủ nhật để cắt tóc miễn phí. Đến khoảng 12 giờ, ông bắt đầu dọn đồ, mở app (ứng dụng) Grab và chờ nổ cuốc. Đó cũng là lúc bác tài 57 tuổi sống lại thời thơ ấu và nhớ về lời dạy của cha mỗi lần xe lăn bánh qua những cung đường quen thuộc.

Sau buổi sáng cắt tóc miễn phí, đến trưa ông Phấn lại tiếp tục với công việc chạy xe công nghệ. Ảnh: NHẬT THỊNH (Ảnh 3)

Sau buổi sáng cắt tóc miễn phí, đến trưa ông Phấn lại tiếp tục với công việc chạy xe công nghệ

Ảnh: NHẬT THỊNH

Tận tâm trao từng con chữ đến học trò nghèo

Quay ngược về 30 năm trước, sau khi tốt nghiệp ngành Ngữ văn Trung Quốc (hệ mở rộng) tại Trường Đại học Tổng Hợp TP.HCM, ông Phấn làm thông dịch viên tiếng Trung đúng chuyên ngành mà ông theo học. Tuy nhiên, làm được một thời gian thì cảm thấy không còn phù hợp nên ông quyết định bỏ ngang để chạy xe công nghệ - công việc mà ông cho rằng nó thoải mái và phù hợp với ông hơn.

Ông cho biết bản thân thích tự do, thích rong ruổi trên những cung đường như ngày bé cùng cha đi làm nghề dạy lái xe.

"Mỗi khi qua những cung đường đó ký ức về cha lại ùa về. Đó là những bài học sâu sắc về đạo làm người, về cách sống, cách yêu thương mọi người từ cha - người thầy đầu tiên của tôi, người ảnh hưởng lớn nhất của cuộc đời tôi", ông Phấn bộc bạch.

Bác tài U60 chạy xe công nghệ ‘nuôi’ ước mơ cắt tóc, dạy ngoại ngữ miễn phí - Ảnh 5.

Trên chiếc xe chở đầy đồ nghề cắt tóc, ông Phấn với dáng người nhỏ nhắn vẫn thoăn thoắt trên những ngả đường

Ảnh: NHẬT THỊNH

Bác tài U60 chạy xe công nghệ ‘nuôi’ ước mơ cắt tóc, dạy ngoại ngữ miễn phí - Ảnh 6.

Ông Phấn từng phải nghỉ chạy xe một thời gian vì bị cướp mất điện thoại. Đến tháng 10.2019, ông dành dụm tiền mua máy mới và trở lại với những cuốc xe

Ảnh: NHẬT THỊNH

Từ khi còn học đại học, ông Phấn đã bắt đầu mở lớp dạy tiếng Trung cho sinh viên và học sinh nghèo. Ban ngày tất bật với công việc mưu sinh nhưng khi đêm đến, căn trọ của ông vẫn văng vẳng tiếng dạy đánh vần mà không nhận một đồng tiền lương nào.

Để không ảnh hưởng việc chạy xe, mỗi tuần ông Phấn tổ chức 2 lớp học trực tuyến. Trong đó có 1 lớp dành cho người lớn, lớp còn lại dành cho trẻ em, kéo dài từ 20 giờ đến 22 giờ tối thứ hai, tư và sáu.

Bác tài U60 chạy xe công nghệ ‘nuôi’ ước mơ cắt tóc, dạy ngoại ngữ miễn phí - Ảnh 7.

Với ông Phấn, thứ quý giá nhất là những cuốn sách dạy tiếng Trung được ông xếp ngăn nắp trên kệ, trong căn trọ nhỏ ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương

Ảnh: NHẬT THỊNH

Bác tài U60 chạy xe công nghệ ‘nuôi’ ước mơ cắt tóc, dạy ngoại ngữ miễn phí - Ảnh 8.

Sống một mình trong căn trọ nhỏ ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương nhưng đêm đến căn trọ của ông Phấn vẫn văng vẳng tiếng dạy đánh vần

Ảnh: NHẬT THỊNH

"Nói chung làm cái gì mình thấy vui thì mình làm thôi à. Ở cái tuổi này rồi có chết chữ nghĩa mang theo cũng không được gì. Mình dạy miễn phí thì mình cũng để lại chữ cho những ai cần, mình hớt tóc miễn phí thì trước mắt là người ta được gọn gàng sạch sẽ rồi. Đó là những việc làm chung tay với xã hội thôi chứ phần mình góp có chút xíu xiu, không đáng kể gì hết", ông Phấn bộc bạch. Ảnh: NHẬT THỊNH (Ảnh 8)

"Nói chung làm cái gì mình thấy vui thì mình làm thôi à. Ở cái tuổi này rồi có chút chữ nghĩa mang theo cũng không được gì. Mình dạy miễn phí thì mình cũng để lại chữ cho những ai cần, mình hớt tóc miễn phí thì trước mắt là người ta được gọn gàng sạch sẽ rồi. Đó là những việc làm chung tay với xã hội thôi chứ phần mình góp có chút xíu xiu, không đáng kể gì hết", ông Phấn bộc bạch

Ảnh: NHẬT THỊNH

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với quan niệm cho đi là còn mãi, người tài xế 57 tuổi vẫn giữ trên môi nụ cười. Mỗi một ngày trôi qua, ông Phấn luôn cố gắng, hoàn thành càng nhiều cuốc xe càng tốt, vì mục tiêu "nuôi dưỡng" ước mơ trả ơn cuộc đời mà ông luôn ấp ủ.

"Ước mơ thì hầu như ai cũng phải có ước mơ, nhưng mà trước mắt định hướng là vẫn tiếp tục chạy Grab cho đến khi nào không còn đủ sức để chạy thì thôi. Còn về già mình mong có cái mặt bằng để mở tiệm hớt tóc, không còn sức chạy nữa thì mình vẫn có thể tự nuôi sống bản thân".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.