Trước đêm diễn, nghệ sĩ Guilhem Desq đã trò chuyện với Thanh Niên về cây đàn quay độc đáo xuất hiện từ thế kỷ thứ 9 tại châu Âu, cũng như chuyến hành trình của anh tới Việt Nam lần này.
Ở châu Âu có lẽ người ta đã quen với cây đàn quay, nhưng ở châu Á thì rất ít người biết về cây đàn này. Anh có thể chia sẻ về những điểm độc đáo của cây đàn quay?
Nghệ sĩ Guilhem Desq: Thực ra, đây không phải là nhạc cụ đã quá phổ biến và được tất cả mọi người biết tới. Vậy nên, tại châu Á hay ở Việt Nam, chắc chắn có nhiều người không biết đến cây đàn này.
Cây đàn quay xuất hiện từ thời Trung cổ, cách đây khoảng 1.000 năm trước, là một trong những nhạc cụ hiếm hoi có bộ bánh xe được vận hành khi chơi. Khi người chơi quay tay quay, bánh xe sẽ cọ sát vào đàn và phát ra những âm thanh trầm bổng. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của cây đàn này.
|
Cây đàn này có điều gì quyến rũ anh đến thế và khiến anh quyết định trở thành nghệ sĩ đàn quay chuyên nghiệp?
Cơ duyên này bắt đầu từ bố tôi. Ông đam mê cây đàn quay và sáng tạo thêm khi chế tác đàn. Từ nhỏ, tôi đã bị cuốn theo đam mê của bố. Nhưng tôi quyết định trở thành nghệ sĩ đàn quay là khi tôi nhận ra đây là loại nhạc cụ vừa phức tạp, nhưng cũng vừa mang đến những thanh âm hết sức đặc biệt, mới lạ.
Từ nhỏ, tôi không ngừng khám phá những điều mới lạ cả cây đàn. Vậy mà, đến giờ, có nhiều thứ tôi vẫn chưa thể khám phá hết được. Mỗi ngày chơi đàn lại mang đến một điều mới mẻ cho tôi.
Cây đàn của anh được làm như thế nào?
Cây đàn do tôi và bố tôi chế tác cách đây 8 năm, đối với tôi là vô giá. Những cây đàn quay khác thường được bán với giá khoảng 8.000 - 10.000 euro. Đây là cây đàn quay điện tử, được gắn micro. Nên khi biểu diễn, tôi có thể dễ dàng, tùy hứng làm cho âm thanh mạnh hơn, hay tăng cường độ âm thanh lên. Đầu cây đàn còn được điêu khắc hình đầu của một con rồng.
Hình ảnh con rồng vốn gắn với văn hóa Á Đông, vì sao lại được điêu khắc lên cây đàn mà nguồn gốc là ở châu Âu?
Đó là ý tưởng của tôi đấy! Con rồng là linh vật biểu trưng cho sức mạnh và có cả sự huyền bí. Tôi muốn cây đàn của mình cũng có những nét cá tính và đặc biệt như thế.
Khi đến Việt Nam, tôi thấy hình tượng rồng xuất hiện ở rất nhiều nơi. Có lẽ bởi thế, khi đến đất nước các bạn, tôi có cảm giác rất gần gũi. Và tôi có cảm giác như việc điêu khắc hình ảnh con rồng như vậy càng lúc càng khiến tôi có sự kết nối gần gũi hơn với văn hóa Á Đông. Tôi quan tâm đến võ thuật, tôi đã tập võ kungfu, tập khí công, thiền.
Cây đàn quay đã xuất hiện từ hơn 1.000 năm trước. Cách chơi cây đàn này bây giờ so với cách chơi nguyên bản cây đàn khi nó mới xuất hiện có gì thay đổi không?
Tôi nghĩ chắc chắn có sự khác biệt rồi. Nhưng tất cả chỉ là phỏng đoán. Bởi nhạc cụ này đã có từ cách đây hơn 1.000 năm, nên khó có thể truy lại tài liệu về cách chơi nhạc, hay những bản nhạc đã được chơi theo cách thế nào.
Cây đàn quay đã trải qua nhiều thăng trầm, đến thế kỷ 18 đã có nhiều cải biến. Hiện nay, đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác nhạc đương đại cho cây đàn quay. Riêng tôi thì chỉ chơi tác phẩm do mình sáng tác và có những bản nhạc chỉ chơi trên cây đàn của tôi mà không chơi ở cây đàn quay khác được.
Nhạc cụ truyền thống này đã chinh phục khán giả Pháp, châu Âu như thế nào?
Mỗi khi biểu diễn, tôi có thể cảm nhận khán giả thật sự yêu thích và đón nhận. Đối tượng khán giả cũng rất đa dạng. Như tôi đã nói thì ở châu Âu, nhiều người không biết đến cây đàn này, nên ngạc nhiên khi nhìn thấy một nhạc cụ có nguồn gốc cổ xưa nhưng lại được diễn với cách thức hiện đại.
Lần này đến Việt Nam, anh không chỉ biểu diễn mà còn dành thời gian đi thăm thú. Anh đã đi đâu? Cảm nhận của anh về Việt Nam như thế nào trong lần đầu tiên đặt chân đến?
Rất khó để có những ngày rảnh rỗi trong lịch trình biểu diễn. Nhưng lần này tôi đã rất may mắn khi có hẳn 4 ngày để nghỉ ngơi. Việt Nam có quá nhiều địa điểm đẹp, hấp dẫn. Vì thế, đến tận phút chót tôi mới chọn được mình sẽ đi đâu. Tôi yêu thiên nhiên và núi nên tôi quyết định đến Ninh Bình. Và tôi thấy mình lại may mắn lần nữa vì mọi thứ quá tuyệt vời.
Ban đầu, tôi cũng hơi choáng vì xe cộ đông đúc, mọi người di chuyển hối hả, tấp nập. Nhưng khi tôi tiếp xúc với người dân ở đây, tôi thấy mọi người thấy rất tốt bụng, dễ thương và hòa đồng. Cảnh quan đồi núi và những cánh đồng tuyệt đẹp đã tạo cho tôi rất nhiều cảm hứng để sáng tác. Lâu rồi, tôi chưa có khoảng thời gian nào nào mang đến nhiều cảm hứng như vậy. Khi đến đây tôi đã tràn đầy cảm hứng để sáng tác tác phẩm mới.
Việt Nam là điểm đến đầu tiên khởi đầu cho hành trình trong năm mới 2019 của anh?
Tôi thấy mình may mắn vì Việt Nam đã chọn tôi cho sự khởi đầu này. Và đó là sự khởi đầu tốt đẹp. Sau khi lưu diễn tại Việt Nam, tôi sẽ có chuyến lưu diễn dài ngày với 10 đêm biểu diễn tại Trung Quốc, sau đó là những chuyến biểu diễn tới Thụy Sĩ, Thụy Điển, Mỹ… Châu Á và Việt Nam thực sự mới lạ và luôn hấp dẫn tôi.
Guilhem Desq được ví như người mang hơi thở và sức sống mới cho cây đàn quay ngàn năm tuổi này khi không ngừng khám phá, sáng tạo tạo nên những biến ảo từ những thanh âm gốc của cây đàn. Guilhem Desq có thể khiến người nghe ngạc nhiên khi chỉ với cây đàn quay, anh có thể chơi nhiều thể loại nhạc khác nhau, từ nhạc truyền thống châu Âu đến nhạc Trung Đông, rock đương đại, hip hop, nhạc điện tử…
Hàng năm, Guilhem Desq đi lưu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, New Zealand, Israel, Bulgaria, Ý, Pháp…
Đàn quay (hurdy - gurdy) là nhạc cụ dây có thể tạo ra âm thanh bằng một tay quay. Khi người chơi quay tay quay sẽ tạo ra sự cọ xát với dây đàn và phát ra âm thanh. Nhạc cụ này xuất hiện tại châu Âu và vùng Trung Đông khoảng trước thế kỷ thứ 11. Những nhóm nhạc chơi đàn quay thường xuất hiện tại một số lễ hội âm nhạc truyền thống ở châu Âu.
|
Bình luận (0)