Bạch Xà truyện đúng là một vở để khán giả thư giãn, vì đó là vở hương xa, đầy màu sắc, hấp dẫn, vui vẻ tưng bừng. Tác giả Thái Duy và Hoài Tân đã phóng tác từ vở cải lương Thanh Xà Bạch Xà nổi tiếng của soạn giả Hoàng Song Việt, và thêm tay nghề đạo diễn của Hồng Vân nên Bạch Xà truyện vừa giữ được cái lõi bi kịch nhưng đồng thời lại có nhiều tình tiết “bợm bợm” khiến khán giả cười ngất ngây.
Câu chuyện về hai con rắn tu luyện thành người đã là cảm hứng cho biết bao nhiêu tác phẩm sân khấu và điện ảnh, cho nên viết và diễn như thế nào để khán giả Việt Nam vẫn thấy “mới”, quả tình không đơn giản. Ở đây, tác giả đã cho một ông pháp sư biến thành hai con trùng yêu tinh để có chuyện mà tung hứng. Hai con trùng này của Tiên Mẫu đi lạc xuống trần tác oai tác quái, chứ chả phải một ông pháp sư đạo cao đức trọng nào. Và những đối đáp của chúng có giá trị châm biếm sâu cay về thế thái nhân tình. Thành ra chúng vừa tạo tiếng cười vừa “gãi ngứa” khán giả với những nỗi bức xúc thế gian. Hai diễn viên Hoài Tân và Hữu Tín là hai cây cười khá mới nhưng duyên dáng vô cùng, tạo được cảm tình của khán giả.
Còn hai nhân vật chính là Bạch Xà, Thanh Xà của Thái Duy và Như Thùy vừa đẹp vừa sinh động. Hai cô nàng mang tính lí lắc và quái quái của con rắn khi xuống trần, rõ ràng có chủ đích của đạo diễn, tăng màu sắc vui vẻ cho ngày xuân. Nhưng đoạn bi kịch của họ khi phải đấu tranh với thế lực hắc ám, để được quyền làm người, để được nuôi con, thì họ diễn cũng rất khá. Tuy nhiên, bi kịch này đã được giảm bớt nhường đất cho hài, cho nên chỉ vừa đủ rung động người xem.
Chàng Hứa Tiên chính là ca sĩ Nam Cường, với nét đẹp nho nhã, thanh lịch, lại sở hữu giọng hát từng đoạt quán quân một cuộc thi bolero, nên anh tha hồ thi thố tài năng qua những ca khúc soạn riêng cho vở kịch. Minh Luân trong vai Hứa Lèo, tiểu đồng của Hứa Tiên, cũng chẳng kém cạnh, vì đã từng đóng rất nhiều vai ở Sân khấu Phú Nhuận, thêm giọng ca ấm áp, nay lại kiêm cả vai trò “ông bầu” chung tay với bà bầu Hồng Vân gầy dựng Sân khấu Chợ Lớn. Minh Luân thuộc thế hệ trẻ vô cùng năng động.
Một vở nhạc kịch gọn ghẽ trong không gian chừng mực, không quá hoành tráng, nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn. Người ta vẫn nhận ra chất nhạc kịch Việt Nam đầy thú vị. Những nỗ lực để chống lại sự cũ mòn, xứng đáng được ghi nhận.
Bình luận (0)