TP.Huế, với hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đang triển khai chiến lược phát triển bền vững và bảo tồn di sản, với mục tiêu đối phó những thách thức hiện tại và xây dựng cơ chế đặc thù. Bằng cách kết hợp bảo vệ di sản và phát triển đô thị, Huế đặt nền tảng cho tương lai thịnh vượng, theo định hướng di sản, văn hóa, sinh thái, và cảnh quan thân thiện môi trường.
Thế nhưng, trước đó, thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phấn đấu hoàn thiện quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, với diện tích tự nhiên hơn 5.000 km2, dân số gần 1,2 triệu người, theo tiêu chí phân loại đô thị Việt Nam thì Thừa Thiên – Huế không thể đạt về mật độ dân số, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại cuộc họp báo sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2015 - 2020), khi được hỏi về tiến độ xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, chia sẻ câu chuyện lên thành phố Trung ương của Huế giống như một bài toán mà tại thời điểm đó không thể tìm ra đáp án. Chính vì vậy, theo ông Lê Trường Lưu, để phát triển Thừa Thiên – Huế cần một chiến lược và tầm nhìn đột phá hơn.
Từ đó, Thừa Thiên – Huế đã chuyển hướng phát triển với mục tiêu xây dựng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường", và đây chính là đáp án.
Ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho hay từ nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, Thừa Thiên - Huế đã đổi mới tư duy, khai thác các tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,2%/năm, cao hơn mức tăng trung bình của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ và công nghiệp, trong đó du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển. Tiềm năng của Vườn quốc gia Bạch Mã bước đầu được khai thác…
Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48 (2009 - 2019), Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó xác định: "Đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh".
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp; tập trung phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng, hoàn thiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch trình Quốc hội, Chính phủ.
Đến nay, Thừa Thiên - Huế đã được Quốc hội ban hành 1 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 nghị quyết; Chính phủ ban hành 1 nghị quyết, 1 nghị định, 2 quyết định. Ở góc độ địa phương cũng đã có 17 nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; có 8 chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh.
Đáng chú ý, Chính phủ đã thông qua đề án "Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên - Huế". Trong đó, mô hình đô thị Thừa Thiên - Huế mang tính đặc trưng riêng, được phát triển theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; có tính đặc thù riêng so với các đô thị trực thuộc Trung ương khác của Việt Nam.
Cụ thể, cho phép áp dụng các tiêu chí đặc thù về quy mô dân số, mật độ dân số, cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người… Trong đó, tiêu chuẩn về thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước đảm bảo không thấp hơn 70% bình quân thu nhập đầu người thực tế của 3 thành phố loại I trực thuộc Trung ương (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ); tiêu chí về quy mô dân số tối thiểu đạt 50% mức quy định đối với đô thị loại I; tiêu chí về mật độ dân số đảm bảo duy trì ở mức hiện tại để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tiêu chí tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu đạt 70% mức quy định đối với đô thị loại I.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Đối với đô thị có di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận và được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được hưởng cơ chế đặc thù của thành phố trực thuộc Trung ương với mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số, tiêu chuẩn tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc…
Tiếp đó, ngày 13.11.2021, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên – Huế. Từ đây, địa phương có cơ sở vững chắc để xây dựng đề án thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương.
Sông Hương mềm mại.
ẢNH: NGUYỄN T.A PHONG
Đón xem kỳ 3 - Diện mạo mới, kỳ vọng mới
Bình luận (0)