Là một trong những bãi biển cát đen độc đáo và hấp dẫn, nhưng nhiều du khách khi đã... lỡ đến bãi biển Tân Thành (H.Gò Công Đông, Tiền Giang) rồi thì cảm thấy thất vọng vì sự xuống cấp trầm trọng của điểm du lịch sinh thái biển khá nổi tiếng ở miền Tây này.
Bờ kè và đường dành cho người đi bộ xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Hoàng Phương |
Nguyên nhân do sự xuống cấp trầm trọng của điểm du lịch sinh thái biển khá nổi tiếng ở miền Tây này.
Cách đây chưa lâu, Thanh Niên từng có bài phản ánh về sự nhếch nhác và tình trạng hư hỏng, xuống cấp của một số công trình tại khu du lịch biển Tân Thành.
Sau đó, đơn vị chức năng đã cho sửa chữa những chỗ hư hỏng, sơn phết lại, đồng thời lắp lại toàn bộ bóng đèn cho chiếc cầu dài chừng 300 m dẫn ra biển - nơi dành cho du khách chụp hình, ngắm cảnh. Ngay cạnh chiếc cầu này, những hàng quán “dã chiến” thường “chặt chém” du khách nay đã được giải tỏa.
Tuy nhiên, tình trạng “cò du lịch” chèo kéo khi du khách vừa tới cổng khu du lịch biển, hiện vẫn tồn tại. Bên cạnh đó là sự xuống cấp của đê biển, nay càng trầm trọng hơn.
Tại khu du lịch biển Tân Thành hiện chỉ mới làm bờ kè được chừng 1 km, nhưng một số đoạn đã bị sạt lở chưa thấy khôi phục lại. Ngay trước nhà hàng Hương Biển (của Công ty CP du lịch Tiền Giang), một đoạn bờ kè dài gần 100 m bằng bê tông đã bị sóng đánh vỡ vụn ra từng mảnh. Mỗi khi có sóng lớn, bọt biển tràn lên cả trên bờ. Trong khi đó thì đường dành cho người đi bộ (có bảng hướng dẫn) trên bờ biển, bằng bê tông, cũng bị sụp, bể nát, trông hết sức thảm hại…
Người dân địa phương cũng như khách du lịch mong mỏi cơ quan chức năng quan tâm khôi phục lại những nơi đang bị xuống cấp, để không còn thấy cảnh nhếch nhác ở khu du lịch biển Tân Thành.
Ông Nguyễn Mạnh Tòng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Tiền Giang, nêu ý kiến: “Việc bảo vệ, sửa chữa đê biển là trách nhiệm của chính quyền, vì đó là an ninh quốc gia và nằm trong chương trình chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi chỉ là doanh nghiệp nhỏ, không thể làm được điều đó”.
Bình luận (0)