Bãi biển Đà Nẵng có tên lạ

13/05/2010 01:14 GMT+7

Qua tìm hiểu từ những tài liệu do bạn đọc cung cấp, phóng viên Thanh Niên phát hiện trong một số tài liệu của Khu du lịch Non Nước Resort ghi chú tiếng Anh là “China Beach”. Nghe đọc bài

Bên cạnh đó, một số tài liệu quảng cáo các dịch vụ tại khu này ghi thêm có “China Beach Bar”. Điều này, khiến nhiều du khách đến đây nghi ngại lẫn phẫn nộ. Rồi những tài liệu này theo chân du khách “phát tán” khắp nơi.

Trả lời Thanh Niên chiều 12.5, ông Mai Đăng Quang Đức (Tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch Bến Thành Non Nước) thừa nhận việc sử dụng chữ Non Nước Beach (“China Beach”) là sai. “Cách đây nửa năm chúng tôi cũng có yêu cầu kiểm tra nhưng vẫn làm không cương quyết. Việc làm này có sai sót”, ông Đức giải thích.

Đây là sai sót trong quản lý của địa phương, vì giấy phép đầu tư, tên hiệu doanh nghiệp đều do chúng ta cấp thì người ta mới được quyền trưng lên. Vậy mà trong ngần ấy thời gian, ít nhất là từ 2005 đến nay, đã 5 năm, chẳng lẽ chính quyền địa phương lại không hay biết
Một giáo sư VN, người phát hiện sự việc

Ông Đức cho biết, một phần của việc làm sai này là do khu du lịch thuê công ty khác quản lý mà tổng quản lý là người Malaysia nên không am hiểu, mới phát sinh sự việc dùng “China Beach” như là một tên khác của Khu du lịch Non Nước. “Tên này sử dụng cách đây khoảng 7 năm. Do tên gọi này được dùng từ trong chiến tranh, nhiều người nước ngoài biết, dễ quảng bá nên họ sử dụng. Quá trình công ty quản lý này thực hiện, chúng tôi có thấy chữ “China Beach”, “China Beach Bar” xuất hiện trong khu du lịch nhưng chỉ nghĩ là sử dụng nội bộ một cách đơn giản nên không có ý kiến gì”, ông Đức nói.

Khi được hỏi “công ty có biết ý kiến chấn chỉnh hoặc khuyến cáo của địa phương?”, ông Đức trả lời “không nhận được”. “Ngay sáng nay (12.5), chúng tôi đã cho triển khai kiểm tra, soát xét lại tất cả các văn bản, bản biển, e-mail... và dừng ngay lập tức việc sử dụng cụm từ trên”, ông Đức nói.

Vô trách nhiệm!

PV Báo Thanh Niên tiếp xúc với ông Mai Đăng Quang Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch Bến Thành Non Nước chiều 12.5 - ảnh: Minh Nam

Trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh vụ việc trên, một giáo sư Việt Nam, người phát hiện sự việc, bức xúc: “Đây là sai sót trong quản lý của địa phương, vì giấy phép đầu tư, tên hiệu doanh nghiệp đều do chúng ta cấp thì người ta mới được quyền trưng lên. Vậy mà trong ngần ấy thời gian, ít nhất là từ 2005 đến nay, đã 5 năm, chẳng lẽ chính quyền địa phương lại không hay biết. Thật là lạ! Họ tắc trách ở cả tiền kiểm khi cấp phép đầu tư, tên bảng hiệu cho doanh nghiệp, đáng trách hơn là hậu kiểm cho thấy quá tệ. Người VN không ai có thể chấp nhận bãi biển VN lại ghi là bãi biển China. Nhiều người nước ngoài đọc những dòng chữ trên đã thắc mắc: “Vì sao có cái tên lạ lẫm như thế trên đất Đà Nẵng?”. Những năm qua, các cơ quan chức năng ở địa phương lại không phát hiện ra chi tiết này để yêu cầu doanh nghiệp khắc phục, mà cho đến nay khi du khách phát hiện phản ánh thì cơ quan chức năng mới nhận ra”.

Qua vụ việc trên, các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ giấy phép đầu tư của các đơn vị liên doanh, đồng thời kiểm tra tên các biển trưng bày nội dung mà các doanh nghiệp đã đăng ký để kịp thời phát hiện những sai trái và có sự điều chỉnh kịp thời. “Bởi vì khi dùng những tên nhạy cảm đó thì có thể làm cho khách quốc tế có sự hiểu lầm một cách đáng tiếc”, vị giáo sư nhấn mạnh. 

Cần chấn chỉnh ngay một cách gọi biển Mỹ Khê

Trong những năm giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, khi quân Mỹ đổ bộ vào vùng biển Mỹ Khê Đà Nẵng, người ta mới nghe thấy cái tên "China Beach" từ cửa miệng của một số lính viễn chinh vốn chẳng biết gì về nơi họ đến. Đối với người Đà Nẵng, đó vẫn là một bãi biển Mỹ Khê xinh đẹp từ nhiều đời nay.

Thế nhưng, chúng tôi tìm hiểu và được biết, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch và trên các trang điện tử, người ta vẫn dùng cụm từ cửa miệng này một cách vô tội vạ.

Theo chúng tôi được biết, vào đầu những năm 1990, “tập đoàn” BBI xin giấy phép đầu tư cải tạo khách sạn Non Nước (do Công ty du lịch Đà Nẵng đầu tư và kinh doanh từ nhiều năm trước) thành một dự án đến 241 triệu USD. Dự án này sau đó không thực hiện được vì các nhà đầu tư thực chất chỉ là những tay cò dự án (Thanh Niên lúc đó đã có bài cảnh báo). Lúc đó, cái tên “China Beach” mà các nhà đầu tư đề xuất cho dự án này cũng đã bị phía VN từ chối mà chỉ dùng tên “Khu du lịch Non Nước”. Từ đó đến nay, TP Đà Nẵng trải qua nhiều đời giám đốc Sở Du lịch, đến hiện nay là ông Ngô Quang Vinh (Sở VH-TT-DL), cụm từ "China Beach" đã bị loại ra khỏi tên của các hoạt động liên quan đến du lịch trên địa bàn.

Thế nhưng, điều vô lý vẫn tồn tại trên một số trang mạng về du lịch Đà Nẵng. Một "Thanh Châu China Beach Resort" tại 212 đường Huyền Trân Công Chúa, một Sandy Beach (vẫn mở ngoặc thêm vào China Beach!). Ngay trên trang http://www.luxurytravelvietnam.com (tiếng Anh) cũng giới thiệu khu du lịch Furama là khu 5 sao nổi tiếng nằm trong “China Beach” Đà Nẵng với tours 4 ngày cho du khách thế giới. Nhiều trang khác như ToursVietnam.net, Vietnam Opentours, và VN gold.com khi giới thiệu bãi biển Đà Nẵng và các khu du lịch liên quan cũng dùng "China Beach"(?!). Điều này cần được nhìn nhận như là một hiểu biết sai lầm nghiêm trọng về văn hóa, lịch sử của đất nước cần phải được điều chỉnh ngay. Cho nên ý kiến của người lãnh đạo Sở VH-TT-DL Đà Nẵng khi được chúng tôi đặt vấn đề, đã “yêu cầu các công ty du lịch nghiêm túc chấp hành” như dưới đây, là chuyện cần bàn thêm trong cách quản lý lỏng lẻo của các cơ quan nhà nước hiện nay.

Một người am hiểu Đà Nẵng nói với chúng tôi: Sau năm 1975, khu vực cảng Tiên Sa vẫn được dân địa phương gọi nôm na là "Bãi tắm Liên Xô", vì các quan chức Liên Xô ở lãnh sự quán Đà Nẵng thường tắm ở đây, nhưng có ai nói “Russia Beach” đâu? Vậy thì cớ gì di sản miệng "China Beach" của một số lính Mỹ lại vẫn tồn tại ở một bãi biển được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh như Mỹ Khê của TP Đà Nẵng?.

Trương Điện Thắng

Về việc Non Nước Resort (Sandy Beach) sử dụng cụm từ China Beach trên một số vật dụng lưu hành tại khu du lịch này, sáng 12.5 chúng tôi đã tìm gặp bà Phan Thùy Sơn, phụ trách đối ngoại của Sandy Beach để phỏng vấn nhưng được báo đi vắng. Liên lạc bằng điện thoại di động của bà Sơn nhiều lần đều không được trả lời.

Về phía quản lý nhà nước, ông Lương Minh Sâm, Giám đốc Sở Ngoại vụ (nguyên Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng) cho biết: “Từ thời tôi làm Giám đốc Sở Du lịch, cụm từ đó đã được yêu cầu loại bỏ trong tất cả các tài liệu của ngành du lịch và các khách sạn. Nếu nay còn có khách sạn nào dùng lại dù dưới bất cứ hình thức nào đều là sai trái, cần hủy bỏ ngay!”.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng bận họp, đã trả lời qua điện thoại: “Lâu nay chúng tôi vẫn chỉ đạo không sử dụng cụm từ đó. Khi nghe các anh thông tin, ngay lập tức tôi sẽ chỉ đạo Sandy Beach nghiêm túc chấp hành”.

Nguyễn Sông Hàn (ghi)

 Lê Nga - Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.