Bài chòi không chỉ có ở Hội An

02/05/2024 16:10 GMT+7

Vừa qua, Hội An đã đưa bài chòi Hội An, thực ra là bài chòi miền Trung, sang thành phố Sakai (tỉnh Osaka, Nhật Bản) từ ngày 24 - 28.4 để giới thiệu nghệ thuật 'đặc sản dân gian' này tới bạn bè Nhật Bản và đã được khán giả Nhật hoan nghênh nhiệt liệt.

Từ hàng nghìn năm nay, nghệ thuật bài chòi là nghệ thuật diễn xướng dân gian đã quá quen thuộc với nhân dân nhiều tỉnh miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận…

Biểu diễn bài chòi ở Hội An

Biểu diễn bài chòi ở Hội An

Nam Thịnh

Thường cứ mỗi dịp tết đến xuân về, người dân các tỉnh trên lại quây quần "chơi" bài chòi. Gọi là bài chòi vì kiểu chơi này có dựng chòi, có hát, có ra bộ, có diễn xướng, và có cả phần thưởng cho những người xem chơi may mắn. Chính vì bài chòi là nghệ thuật thể hiện được hồn cốt một vùng đất miền Trung như vậy, nên năm 2014 UNESCO đã xét chọn và vinh danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ là di sản văn hóa phi vật thể thứ 12 của Việt Nam. Đó cũng là sự vinh danh nhân dân miền Trung Việt Nam, những người có đậm chất dí dỏm, sáng tạo và yêu thơ ca, bởi lẽ bài chòi là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp mang tính sáng tạo và giải trí rất cao.

Có điều lạ, khi tôi có cơ hội nghe các sư thầy Quảng Ngãi đọc kinh, có thể gọi là "hát kinh", thì có thể nghe ra trong giọng điệu khi hát kinh một âm giọng của bài chòi.

Như thế, nghệ thuật bài chòi có lẽ thịnh nhất ngay từ thời Trấn Quốc công Bùi Tá Hán (nửa đầu thế kỷ 16) lãnh đạo người Việt cùng người bản địa khai phá và canh tân miền Trung. Bài chòi có thể theo chân những binh lính và lưu dân người Việt vào lập nghiệp ở miền này, nhưng đối tượng phục vụ của nó gồm cả người dân Việt và người dân Chàm. Đây có thể coi là một hình thức nghệ thuật diễn xướng đậm chất Việt, nhưng được thử thách và tồn tại ở ngay mảnh đất mà ban đầu nghệ thuật của người Chàm giữ vị trí quan trọng. 

Lý do để nghệ thuật bài chòi có được chỗ đứng vững vàng trong sinh hoạt cộng đồng Việt - Chàm nằm ở ngay tính hồn nhiên và dân chủ của nó. Sức lan tỏa và thuyết phục của nó ở chỗ nó không phân biệt, nó bình đẳng với mọi người chơi và mọi người nghe. Tuồng hát bội ban đầu chỉ biểu diễn ở cung đình hay ở các nhà quan lớn, dành cho những đối tượng người xem chọn lọc. Về sau mới hướng về phục vụ cả dân chúng. Còn bài chòi, ngay từ đầu đối tượng phục vụ của nó đã là lính, là dân, là bất cứ ai ham thích trò chơi này, không phân biệt. Với cư dân nông nghiệp Việt Nam, mùa xuân là mùa lễ hội, mùa của sự thăng hoa và tinh thần dân chủ. Đó cũng là mùa của bài chòi.

Hội An, trong nhiều năm nay, là nơi chơi bài chòi phục vụ du khách liên tục hằng đêm

Hội An, trong nhiều năm nay, là nơi chơi bài chòi phục vụ du khách liên tục hằng đêm

Nam Thịnh

Vì thế, bài chòi không chỉ có ở Hội An (Quảng Nam), mà có và phát triển ở rất nhiều tỉnh miền Trung. Nhưng phải nói, Hội An trong nhiều năm nay là nơi chơi bài chòi phục vụ du khách liên tục hằng đêm, hằng tuần, và tiến tới, vừa rồi đưa bài chòi ra nước ngoài, cụ thể là tới Nhật Bản, đã thành công. Trong khi nhiều tỉnh khác ở miền Trung cũng có đặc sản bài chòi, nhưng chưa phát huy được hết cỡ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc này để phục vụ du lịch văn hóa.

Phục vụ bài cho du khách tại Hội An dịp tết

Phục vụ bài cho du khách tại Hội An dịp tết

Nguyễn Tú

Qua thực tế bài chòi phục vụ du khách tới Hội An, chúng ta thấy loại hình nghệ thuật diễn xướng này rất được các bạn nước ngoài yêu thích. Từ đó, nếu những tỉnh gần Hội An như Quảng Ngãi, Bình Định phát huy nghệ thuật bài chòi phục vụ du khách và khách nội địa, chắc chắn sẽ thu hút khách và được yêu thích. Như khách tới Hội An đã yêu thích bài chòi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.